Nhiều trẻ nhập viện với biến chứng viêm phổi nặng: Phụ huynh lo lắng khi thấy con mình thở máy, suy hô hấp
Bà ngoại bật khóc khi cháu gái 8 tháng tuổi nguy kịch
Ngồi kế giường bệnh trong phòng Cấp cứu, khoa Hô hấp 1, BV Nhi đồng 2, TP.HCM, bà Ba liên tục lấy tay quệt nước mắt khi nhìn đứa cháu ngoại 8 tháng tuổi li bì không tỉnh.
Đã hơn 1 tuần theo cháu ngoại vào viện, chưa một ngày nào bà Ba lại hết lo lắng khi các bác sĩ cho biết tình trạng của bé Ngọc Anh (8 tháng tuổi) tương đối nặng.
Nhiều trẻ mắc bệnh về đường hô hấp khiến bố mẹ lo lắng, nhất là TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang vào mùa nắng nóng mưa nhiều
Sau khi phát sốt, ho, sổ mũi, dù mua thuốc ngoài điều trị nhưng không khỏi, bà Ba liền đưa cháu ngoại vào BV Nhi đồng 2 để thăm khám. Tại đây, tình trạng của bé gái tương đối nặng, viêm phổi nên các bác sĩ lập tức cho nhập viện cấp cứu, hỗ trợ hô hấp.
Bà Ba rớt nước mắt khi nói đến bệnh tình của đứa cháu ngoại 8 tháng tuổi
Cũng giống như bà Ba, đã 40 ngày trôi qua, giường bệnh viện, máy thở là cứu cánh cuối cùng giúp chị Hoàng Thị Hoài Phương (ngụ Bình Phước) tin tưởng đứa con gái bé nhỏ của mình có thể vượt qua được cửa tử.
Ban đầu tưởng con gái chỉ cảm sốt thông thường, bệnh lý hô hấp theo mùa, lại mọc răng… nhưng đến khi đưa con vào bệnh viện, chị Phương sốc nặng khi bé được bác sĩ chẩn đoán viêm phổi, tràn dịch màng phổi, đờm đông đặc với bệnh trạng sốt cao, nôn ói liên tục.
Bên trong phòng Cấp cứu, khoa Hô hấp 1, nhiều trẻ em phải thở máy, oxy râu...
"Con bé cứ sốt cao, cứ uống sữa vô là ói, vì từ nhỏ bé hay đau ốm, lại đang đặt hậu môn tạm nên bé chỉ được uống sữa. Vô đây nhập viện rồi thì các bác mới tư vấn, cho chế độ ăn cháo loãng…, may là bé đã khỏe lên.
Lúc nghe bé bị viêm phổi, chị sợ lắm, con mình sao cứ sốt ho hoài không hết, chỉ sợ có chuyện gì bất trắc với con", chị Phương tâm sự.
Hơn 40 ngày nằm viện, bé con của chị Phương vẫn còn phải thở oxy, chưa thể phục hồi sau khi viêm phổi, tràn dịch màng phổi
Theo BS.CK2 Nguyễn Hoàng Phong - Trưởng khoa Hô hấp 1, BV Nhi đồng 2 cho biết từ đầu tháng 5/2022 đến nay, tỷ lệ về bệnh hô hấp ở trẻ em gia tăng. Mặc dù đây thuộc bệnh lý theo mùa, nhất là khi TP.HCM và các tỉnh lân cận bước vào mùa mưa, thời tiết nắng nóng kèm mưa bất chợt nhưng so với mọi năm, năm nay lượng trẻ đến khám ngoại trú và điều trị nội trú về hô hấp đều tăng.
"Hiện tại mỗi ngày khoa Hô hấp 1 tiếp nhận khoảng 50-60 bệnh nhi mới, số ca điều trị tại khoa dao động từ 200-250 em, có những đợt cao điểm lên đến 300 bé. Dù so với tháng 5, lượng bệnh nội trú hiện đã giảm khoảng 10-15% nhưng số lượng trẻ mắc bệnh về đường hô hấp vẫn cao, trong đó có nhiều ca bệnh nặng, viêm phổi, suy hô hấp", BS. Phong chia sẻ.
Nhân viên y tế tại khoa Hô hấp 1 tất bật khi số lượng trẻ nhập viện gia tăng
Nhiều trẻ phải thở máy, biến chứng nặng khi viêm đường hô hấp
Tại phòng Cấp cứu của khoa Hô hấp 1, BV Nhi đồng 2, rất nhiều bệnh nhi rơi vào tình trạng suy hô hấp nặng, phải thở máy, lọc máu. Theo BS.CK2 Nguyễn Hoàng Phong ở phòng cấp cứu có khoảng 30-35 bệnh nhi (chiếm 10-15% trong tổng số ca điều trị nội trú là bệnh nặng, phải can thiệp hỗ trợ hô hấp), bé nào nhẹ thì được thở oxy râu, nặng hơn phải thở oxy dòng cao (HFNC), lọc máu…
"Các triệu chứng hô hấp các bé thường gặp nhất cần phải nhập viện là ho, khò khè, chảy mũi, dẫn đến khó thở, suy hô hấp. Nhiều bé đến Nhi đồng 2 diễn tiến bệnh rất nặng, phải can thiệp nhiều biện pháp để cứu sống bé. Có ca vì suy hô hấp nhanh phải đặt ống nội khí quản kèm theo các thuốc đặc trị", BS. Phong nói.
Nhiều em nhỏ suy hô hấp nặng, phải thở máy, bóp bóng để duy trì sự sống
Bố mẹ lo lắng khi nhìn thấy những đứa trẻ nhỏ xíu mắc bệnh, độ tuổi trở nặng của bệnh lý hô hấp rơi vào nhóm trẻ dưới 3 tuổi
Theo trưởng khoa Hô hấp 1, việc vào mùa mưa khiến số lượng các bé phải nhập viện điều trị hô hấp tăng cao, tình trạng quá tải cũng diễn ra ở một số thời điểm. Tuy nhiên, nhờ có kinh nghiệm trong việc tiếp nhận, điều trị bệnh nhi, phối hợp giữa các khoa trong bệnh viện để san sẻ gánh nặng khi quá tải bệnh nhi (khoa Nội tổng hợp cũng có thể nhận bệnh từ khoa Hô hấp 1), hơn nữa việc khám sàng lọc cũng khiến cho quá trình tiếp nhận, điều trị các bé được thuận lợi hơn.
"Mùa này mùa mưa, khí hậu thời tiết nhiệt độ thấp dễ khiến trẻ mắc bệnh, chính vì vậy bố mẹ cần phải chăm sóc kỹ lượng lớn, uống nhiều nước, ăn trái cây, rau để bổ sung vitamin, nhiệt độ phòng cần phải điều chỉnh trên 25-26 độ để đảm bảo đường hô hấp cho trẻ.
BS.CK2 Nguyễn Hoàng Phong, trưởng khoa Hô hấp 1, BV Nhi đồng 2, TP.HCM
Ngoài vệ sinh cơ thể, vệ sinh mũi thường xuyên sẽ giúp trẻ hạn chế mắc bệnh về đường hô hấp. Khi bé gặp các triệu chứng ho, sốt, khò khè, viêm đường hô hấp cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để thăm khám, điều trị, tránh tình trạng chủ quan dẫn đến bệnh tình chuyển biến nhanh. Trẻ em dưới 6 tuổi, đặc biệt dưới 3 tuổi là thường xuyên gặp phải các bệnh lý về đường hô hấp nhiều nhất", BS.CK2 Nguyễn Hoàng Phong, trưởng khoa Hô hấp 1, BV Nhi đồng 2, TP.HCM nói.
Nhiều phụ huynh đem chiếu, ngủ tạm ngoài hành lang phòng Cấp cứu để tiện chăm sóc cho con em của mình