Theo số liệu ngành y tế TP.HCM cho biết, từ trung tuần tháng 6/2022 đến nay, số bệnh nhân sốt xuất huyết ở thành phố tiếp tục gia tăng. Ghi nhận đến ngày 30/6, toàn thành phố đã có 1.111 ổ dịch, 11 ca tử vong, nhiều trường hợp diễn tiến nặng, rất nặng.
Nhiều trẻ nhập viện với biến chứng nặng: Phụ huynh lo lắng, không nghĩ mắc sốt xuất huyết
Tính đến ngày 4/7 (theo số liệu của HCDC), số ca mắc sốt xuất huyết tích lũy tại thành phố là 21.750 trường hợp, tăng 181,5% với cùng kỳ năm 2021 là 7.726 ca, với số ca sốt xuất huyết nặng là 346 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết đến nay là 1,6% (346/21.750) tăng hơn 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2021 là 0,4% (33/7.726).
Không chỉ quá tải ở một số bệnh viện tuyến cuối, bệnh viện chuyên trị sốt xuất huyết mà một số loại thuốc sử dụng trong điều trị sốt xuất huyết bị thiếu, đứt nguồn cung đã gây ra không ít khó khăn cho các cơ sở y tế tại TP.HCM.
Số ca mắc sốt xuất huyết tại TP.HCM vẫn đang gia tăng mỗi ngày
Là một trong những bệnh viện tuyến cuối về nhi khoa điều trị sốt xuất huyết, BV Nhi đồng 2, TP.HCM cho biết số lượng ca mắc sốt xuất huyết đang ngày một gia tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trung bình trong những tháng gần đây, bệnh viện tiếp nhận điều trị khoảng 1.600 – 1.700 lượt bệnh nhi nội trú. Số lượng bệnh nhi đến khám ngoại trú lẫn nhập viện tăng 4-5 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Th.BS Nguyễn Đình Qui - Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi đồng 2 cho biết theo số liệu ngày 4/7, tại khoa đang điều trị cho 120 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết, trong đó có 20% các bé nặng, phải can thiệp về mặt hô hấp.
Th.BS Nguyễn Đình Qui - Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi đồng 2
"Đối với trẻ nhập viện vào tỷ lệ bệnh nặng chiếm 17-20%. So với cùng kỳ năm 2021 thì số ca sốt xuất huyết đang tăng 4-5 lần. Dù số lượng ca nhập viện nội trú tăng nhưng BV Nhi đồng 2 đã có kinh nghiệm trong việc điều trị bệnh nên đến hiện tại, tình trạng quá tải vẫn chưa xảy ra.
Ở Nhi đồng 2, vẫn có một số bệnh nhi được bố trí nằm trên hệ thống giường xếp ở ngoài hành lang, tuy nhiên hệ thống hành lang của bệnh viện khá rộng, vẫn đảm bảo lối đi thông thoáng, không chen lấn. Hoàn hảo thì không hoàn hảo rồi nhưng vẫn đảm bảo được cái an toàn cho bệnh nhi để điều trị, 1 bệnh nhi 1 giường. Ngoài ra, việc bệnh viện có hệ thống phòng khám sàng lọc bệnh nhi xem có nên nhập viện không, điều này cũng giúp bệnh viện giảm tải áp lực đông bệnh nhi trong thời gian dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát mạnh", BS. Qui chia sẻ.
BV Nhi đồng 2 phải bố trí giường xếp để đảm bảo việc tiếp nhận, điều trị cho trẻ mắc sốt xuất huyết
Cũng giống như các bệnh viện ở TP.HCM đang điều trị sốt xuất huyết, BV Nhi đồng 2 cũng rơi vào tình trạng thiếu dung dịch cao phân tử trong điều trị sốt xuất huyết như: HES 200, Dextran 40…, buộc phải sử dụng các thuốc thay thế.
"Hiện mình đang thiếu là HES 200.000 đơn vị Dalton và Dextran 40, buộc các bác sĩ phải sử dụng là HES 130.000 đơn vị Dalton để thay thế. Việc thay thế này tất nhiên sẽ không mang lại hiệu quả như HES 200 hay Dextran 40 được, nhưng việc điều trị vẫn đảm bảo để đi đúng phác đồ, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Phụ huynh mệt mỏi, lo lắng khi trẻ sốt cao nhiều ngày không hạ
Nhiều trẻ diễn tiến nặng phải thở máy, oxy dòng cao, lọc máu...
So với người lớn, bệnh nhi nhiễm sốt xuất huyết nặng sẽ rơi vào tình trạng sốc do cô đặc máu, tràn dịch màng phổi, màng bụng… cần phải hỗ trợ thở hô hấp. Cho nên phụ huynh cần có sự theo dõi sát sao bệnh tình của trẻ, giữ bình tĩnh để có thể giúp trẻ sớm được can thiệp, điều trị kịp thời", BS. Nguyễn Đình Qui nói.
Ghi nhận tại khu điều trị nội trú sốt xuất huyết của BV Nhi đồng 2, rất đông bệnh nhi mắc bệnh, phải can thiệp thở máy, hỗ trợ hô hấp. Nhiều bậc phụ huynh tỏ ra lo lắng khi diễn tiến bệnh của trẻ gặp phải rất nặng, thậm chí rơi vào tình trạng mê man, sốt li bì nhiều ngày không hạ.
Chị Thắm hoang mang khi con gái mắc sốt xuất huyết nặng, phải thở máy
Tại khoa Hồi sức bệnh nhiễm và Covid-19, cứ cách vài phút, chị Thắm lại lo lắng đưa tay lên trán đứa con gái nhỏ, vừa nhìn màn hình đọc các chỉ số từ máy thở, mệt mỏi.
Hôm nay đã là ngày thứ 4 bé Minh Thy (6 tuổi, ngụ huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) phát hiện mắc sốt xuất huyết rồi nhập viện. Sau ngày đầu tiên sốt nhẹ, được gia đình mua thuốc hạ sốt để uống nhưng không giảm, bé Thy được đưa đến bệnh viện ở quê để điều trị, đến ngày thứ 3, tay bé chuyển màu nên gia đình lo lắng chuyển viện xuống Nhi đồng 2.
"Em đâu có nghĩ sốt xuất huyết nó lại nặng như vậy, lúc thấy con nặng em sợ lắm, tay chuyển màu nên lật đật đưa xuống đây, cũng may giờ bé đã đỡ nhiều rồi, chứ không em cũng chẳng biết sao. Em ở dưới quê, đâu có nghe gì về sốt xuất huyết đâu, giờ chỉ mong con mình mau hết bệnh để về nhà thôi", chị Thắm nghẹn lời.
Bà Hồng rưng rưng nước mắt khi nói về bệnh tật của cháu trai
Cách giường bệnh của Minh Thy một đoạn, bà Trần Thị Hồng liên tục lấy tay quệt nước mắt khi nhìn đứa cháu ngoại Trần Minh Dũng đang nằm trên giường bệnh.
Dù chỉ mới 11 tháng tuổi nhưng Dũng lại mắc sốt xuất huyết nặng, kèm theo chứng nhiễm trùng máu, thực bào máu… "Bà cứ tưởng nó chết, cứ chắp tay khấn cầu xin", bà Hồng xúc động nói.
Theo bà Hồng, sau khi sốt nhẹ, đến ngày thứ 3 thì bé Dũng sốt hơn 40 độ, uống thuốc không hạ, liên tục nôn ói, co giật khiến gia đình vô cùng lo lắng. Dù phía BV tuyến dưới khuyên không nên chuyển viện nhưng vì sợ có chuyện xảy ra, gia đình bà Hồng vẫn quyết định chuyển tuyến cho cháu, may mắn sau nhiều ngày nguy kịch, Minh Dũng đã dần khỏe lại.
Sau nhiều ngày nguy kịch, bé Dũng đã có thể uống sữa
"Bà sợ lắm, bé cứ co giật, nhập viện vô phải lọc máu, truyền máu, bác sĩ nói nó bị nặng lắm, sốt xuất huyết rồi lại nhiễm trùng. Bà cứ sợ nó chết, cứ khấn cầu xin, khóc đứng khóc ngồi. Nay thằng bé đỡ hơn mới được ra ngoài đây nằm", bà Hồng tâm sự.
Cũng giống như bà Hồng, chị Nguyễn Thị Trang (ngụ Bình Thuận) đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi sau nhiều ngày bé Trúc Linh (3 tuổi) phải thở máy, chuyển nặng, bé đã dần tỉnh lại, bớt sốt, ăn uống bình thường.
Ban đầu thấy con mệt mỏi, mê man, ngủ li bì, sốt cao không hạ, chị Trang liền xin tuyển từ BV địa phương lên Nhi đồng 2. Nhớ lại giây phút con gái chuyển sang tím tái, chị Trang nghẹn lời: "Em sợ lắm, thấy bé mê man không biết gì nên sợ, hồi xưa sốt xuất huyết đơn giản nhưng giờ biến chứng nặng nề quá. May mà con em cũng vượt qua được giai đoạn nguy hiểm rồi, chỉ mong dịch bệnh sớm hết để các bé đỡ khổ".
Không ít phụ huynh lo ngại về tình hình diễn tiến của bệnh sốt xuất huyết
Theo BS. Nguyễn Đình Qui - Phó khoa Truyền nhiễm, BV Nhi đồng 2 cho biết nếu bậc phụ huynh thấy con em của mình sốt cao liên tục 2-3 ngày không giảm, hạ sốt rồi lại sốt thì nên đưa con đến các cơ sở y tế để khám, làm xét nghiệm chẩn đoán lâm sàng có mắc sốt xuất huyết hay không. Thông thường, khoảng 60% trẻ mắc sốt xuất huyết có thể điều trị ở nhà. Điều quan trọng của bố mẹ là phải theo dõi diễn tiến bệnh của con em mình, tránh tình trạng chủ quan, lơ là khiến trẻ trở nặng.
"Nếu trẻ qua 3 ngày hạ được sốt, không nôn ói, chảy máu chân răng, xuất huyết âm đạo (đối với bé gái đang tuổi dậy thì), không đau bụng, quấy khóc, ăn uống vui chơi bình thường thì có thể để trẻ ở nhà điều trị. Còn người lại nếu phát hiện trẻ sau 3 ngày có những dấu hiệu bất thường trên (dù đã hết sốt) nhưng tay chân lạnh, tri giác lơ mơ... thì phải nhanh chóng đưa con đến bệnh viện. Nếu không can thiệp kịp thời sẽ gây ra tổn thương đa cơ quan, suy gan, thận rất nguy hiểm", BS. Qui cảnh báo.
BS. Qui hi vọng trong 4 tuần tới, với sự nỗ lực của toàn ngành y tế, dịch sốt xuất huyết sẽ được kiểm soát, ca bệnh sẽ giảm...