TP.HCM nằm trong danh sách sụt lún nhanh hơn mực nước biển dâng

Thanh Tâm, Theo Trí thức trẻ 16:25 21/09/2022

Hiện nay, 44/48 thành phố ven biển đông dân nhất thế giới có các khu vực chìm nhanh hơn mực nước biển dâng.

Trong nghiên cứu mới đây của Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, Cheryl Tay và các đồng nghiệp cùng các chuyên gia làm việc tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực thuộc NASA và Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH Zürich) đã tìm thấy những bằng chứng, dấu hiệu cho thấy nhiều thành phố lớn ven biển đang lún nhanh hơn so với tốc độ nước biển dâng.

Được biết, nhóm nghiên cứu này đã sử dụng radar từ vệ tinh để đo tốc độ sụt lún tại 48 thành phố ven biển đông dân nhất thế giới trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2020. Sau quãng thời gian dài nghiên cứu và theo dõi, kết quả cho thấy có khoảng 44 thành phố có những khu vực sụt lún đang chìm nhanh hơn mực nước biển dâng.

TP.HCM nằm trong danh sách sụt lún nhanh hơn mực nước biển dâng - Ảnh 1.

Thành phố Hồ Chí Minh có tốc độ lún trung bình 16,2 mm một năm

Trong đó, các thành phố ở phía nam và Đông Nam Á đang có tốc độ chìm nhanh nhất bao gồm thành phố Thiên Tân (Trung Quốc) và Ahmedabad (Ấn Độ) với tốc độ lún nhanh hơn 20 mm một năm, còn tốc độ lún của TP.HCM (Việt Nam) là 16,2 mm mỗi năm.  

Hiện tại, mực nước biển đang tăng trung bình khoảng 3,7 mm mỗi năm, phần lớn trong số đó là do băng tan do biến đổi khí hậu. Ở nhiều nơi, đất cũng bị sụt lún do quá trình bơm nước ngầm, khai thác dầu khí và trầm tích bị nén bởi các tòa nhà nặng khiến cho tốc độ chìm của thành phố tăng nhanh hơn.

Trong nghiên cứu dựa trên đối tượng là TP.HCM, nhóm chuyên gia phát hiện rằng nếu tốc độ sụt lún này tiếp tục duy trì, khoảng 20 km vuông diện tích thành phố có thể chìm dưới mực nước biển vào năm 2030. Khoảng 880 km vuông sẽ nằm dưới mực nước biển nếu đất không sụt lún. Còn thành phố Rio de Janeiro (Brazil) có thể có thêm 2 km vuông ngập nước, tăng 16% diện tích ngập so với trường hợp không sụt lún.

TP.HCM nằm trong danh sách sụt lún nhanh hơn mực nước biển dâng - Ảnh 2.

Diện tích vùng ngập nước của thành phố Rio de Janeiro, Brazil có thể sẽ tăng thêm 16%

Tuy nhiên, chuyên gia Manoochehr Shirzaei tại Virginia Tech cũng cho biết rằng bản đồ độ cao được sử dụng trong các nghiên cứu điển hình để ước tính mức độ ngập lụt không đáng tin cậy đối với nhiều khu vực trên thế giới. Do vậy, việc tập trung vào các khu vực đất liền bị chìm nhanh nhất của các thành phố thay vì các khu vực nằm sát trên bờ biển có thể "phóng đại tác động" của sụt lún đất. 

Bên cạnh đó, một báo cáo gần đây của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) về sự thay đổi mức đất dọc theo các bờ biển trên thế giới trong một thế kỷ qua cũng cho thấy phạm vi hẹp hơn - tốc độ sụt lún nhanh nhất là khoảng 5,2 mm một năm

Dù vậy, chuyên gia Robert Kopp tại Đại học Rutgers ở New Jersey, người đã làm việc trong báo cáo IPCC vẫn cảnh báo rằng nếu tình trạng sụt lún trong báo cáo trên thực sự diễn ra, đây rất có thể là một mối nguy hiểm liên quan đến mực nước biển.

"Sụt lún đất luôn bị coi là một vấn đề không mấy được chú trọng. Tuy nhiên, nghiên cứu này có thể khiến nó nhận được nhiều sự quan tâm hơn", Shirzaei nói.

Nguồn: New Scientist

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày