Tôi đã thấy rất nhiều người kiếm được nhiều tiền, nhưng lại không thể tiết kiệm được tiền; và tôi cũng thấy những người có thu nhập trung bình, nhưng số dư sổ tiết kiệm chưa bao giờ dưới dưới 9 con số.
Tôi nghĩ rằng điều làm nên sự khác biệt chính là chúng ta có hiểu được bản chất của việc tiết kiệm hay không. Tiết kiệm thực sự là một loại tài năng, chỉ những người thực sự kiên trì và kỷ luật mới có thể làm được.
Cách đây 3 năm, tôi bắt đầu tiết kiệm tiền một cách nghiêm túc. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi phải từ bỏ một vài thói quen xấu. Quá trình đó quả thực không dễ dàng, nhưng đổi lại, tôi đã tiết kiệm được 300.000 NDT (khoảng 1 tỷ đồng) ở tuổi 33.
Và dưới đây chính là 3 điều tôi đã không làm, để có thể thành công trên hành trình tiết kiệm kỷ luật của mình.
1 - Không mua hàng giá rẻ, hàng khuyến mãi
Một trong những lý do khiến nhiều người không thể tiết kiệm tiền chính là họ chi tiền cho những “món hời nhỏ”, chứ không phải những món đồ có giá trị lớn và đắt tiền. Bản thân tôi cũng đã từng như vậy.
Tôi thấy một chương trình khuyến mãi của siêu thị và đã mua 10 túi đồ ăn nhẹ 1 lúc, nhưng chúng đều đã quá hạn sử dụng trước khi tôi kịp ăn hết.
Tôi mua 4 chiếc áo với giá 99 NDT (khoảng 350 nghìn đồng) trong 1 phiên livestream. Tôi chỉ mặc chúng một lần rồi mang làm giẻ lau, vì chất vải quả thực quá tệ, giặt 1 lần đã bai nhão. Thực tế, có lẽ tôi đã chi 99 NDT để mua 4 cái giẻ lau hơn là 4 chiếc áo.
Những “món hời nhỏ” như vậy, cảm giác không đáng bao nhiêu tiền, nhưng nếu cộng dồn lại, tôi chắc chắn con số sẽ khiến bạn choáng váng. Thay vì mua hàng giá rẻ và chỉ sử dụng được đôi lần, chi bằng hãy mua hàng chất lượng tốt, giá có thể cao hơn một chút nhưng độ bền sẽ cao hơn nhiều.
Mua hàng giá rẻ thực chất không phải là một cách tiết kiệm hay.
2 - Không cho phép bản thân sống quá hưởng thụ
Không ai có thể làm việc, kiếm tiền và tiết kiệm cả đời mà không có những ngày hưởng thụ. Việc hưởng thụ là cần thiết và chính đáng để chúng ta có sức, và có động lực tiếp tục làm việc. Nhưng hưởng thụ quá thì không tốt.
Có thể bạn sẽ thắc mắc rằng như thế nào thì được coi là sống quá hưởng thụ? Tôi thì nghĩ rằng mỗi người có một mức sống, một nhu cầu và mong muốn riêng, nên khái niệm hưởng thụ của mỗi người sẽ khác nhau. Tuy nhiên, nếu phải đưa ra một định nghĩa chung, đúng cho tất cả, tôi nghĩ rằng việc tiêu tiền để mua vui và nuông chiều cảm xúc, chính là một hình thức hưởng thụ quá mức.
Trong suốt 3 năm tiết kiệm một cách nghiêm túc và kỷ luật, tôi không thể nhớ nổi đã có bao nhiêu lần tôi muốn shopping dù tủ đồ đã chẳng còn nhiều chỗ trống, nhưng vì thẻ tín dụng đã hủy, tiền đã chuyển vào tài khoản tiết kiệm và không thể rút ra, nên tôi đành phải chịu đựng và dập tắt ham muốn ấy.
Kết quả, tôi không những vẫn sống sót mà còn tiết kiệm được tiền. Việc không cho phép bản thân sống hưởng thụ trong vòng vài tháng, hay thậm chí là 1 năm, chắc chắn sẽ không làm bạn tổn thọ! Đừng quá nuông chiều bản thân.
3 - Không tiêu quá 1/4 thu nhập
Trong suốt 3 năm qua, tôi luôn có ít nhất 2 nguồn thu nhập. Trung bình mỗi ngày, tôi làm việc 13-15 tiếng nhưng chưa có tháng nào tôi tiêu quá 1/4 số tiền tôi kiếm được. Chia sẻ như vậy để bạn hiểu rằng, việc tiết kiệm 300.000 NDT (khoảng 1 tỷ đồng) trong 3 năm là thành quả của 2 yếu tố: Kiếm tiền tối đa, chi tiêu tối thiểu.
Ngoài tiền thuê nhà, tiền ăn và một khoản nhỏ cho việc đi lại, tôi gần như không mua sắm, không đi du lịch trong suốt 3 năm. Đặt ra một mức ngân sách tối thiểu và ép bản thân phải sống sót bằng được mà không vượt ngân sách giúp tôi nhận ra nhiều điều thú vị. Một trong số đó chính là việc chạy bộ trong công viên để rèn luyện sức khỏe mà không cần tốn tiền cho phòng gym, hoặc ngồi thiền, tập trung vào hơi thở để điều hướng tâm trí khỏi cái nóng của mùa hè khi không bật điều hòa,...
Có rất nhiều điều thú vị mà bạn sẽ nhận ra trong quá trình nỗ lực tiết kiệm tiền. Đôi khi, bạn sẽ nghiện tiết kiệm từ những sự thật như vậy, chứ không hẳn là vì số tiền đang tăng dần đều trong tài khoản.