Ngày Tết bị mẹ lục balo lấy hết tiền, cảm giác như cây ATM của gia đình dù lương 3 cọc 3 đồng

Ngọc Linh, Theo Đời sống pháp luật 08:19 03/02/2025
Chia sẻ

Tâm sự của cô gái này khiến nhiều người nghe xong mà thấy xót xa thay…

Tết với nhiều người là niềm vui, nhưng với không ít người khác, đó lại là khoảng thời gian áp lực, mệt mỏi hơn bao giờ hết. Tết tuy đã hết rồi, nhưng những nỗi buồn trong những ngày nghỉ Tết thì vẫn chưa.

Cô gái sinh năm 2002 trong câu chuyện dưới đây cũng vậy.

Buồn tủi vì cảm giác bản thân giống như cây ATM của cả nhà

“Em sinh năm 2002, đi làm lương tháng 3 cọc 3 đồng nhưng vì là con một nên bị kì vọng nhiều…

Ngày Tết bị mẹ lục balo lấy hết tiền, cảm giác như cây ATM của gia đình dù lương 3 cọc 3 đồng- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tết em biếu mẹ em 2 triệu, đổi hết thành 40 tờ 50k để mẹ đi lì xì. Khoản này em đã để riêng, còn tiền để em đi lì xì người khác thì em cũng đổi 1 triệu thành tiền 50k để mừng các cháu thân quen. Khoản tiền em này em đã đút sẵn vào bao lì xì, để trong balo. Tuy nhiên, khi em ra ngoài thì mẹ em lục balo em, cầm nốt mấy tờ 50k còn sót lại (khoảng 3-4 tờ). Nhưng khi em kiểm tra thì không còn tờ nào, em hỏi mẹ thì mẹ cứ chối. Tới lúc em bảo em đổi riêng tiền đó để mừng tuổi thì mẹ mới đưa cho em 1-2 tờ.

Em nghĩ lại thì đúng là mẹ lấy của em và 100% là thật vì chỗ tiền 50k em tặng mẹ, em đã để riêng trước đó rồi. Tự nhiên em thấy mình như cây ATM của gia đình, stress áp lực đủ điều vì gia đình.

Cái em buồn ở đây là tình thân. Em chẳng có điều đó mà gần như tự nuôi mình từ năm 18 tuổi đi học, em ngồi làm việc tới 2-3h sáng tích từng đồng tiền nộp học và gửi về nhà phụ mẹ hàng tháng. Mẹ em chưa từng hỏi em có mệt không, gọi điện thì luôn than hết tiền này kia. Em stress vì mẹ em và bị tủi thân vì túi balo của mình bị lục và mẹ chối không lấy tiền trong khi em biết chắc mẹ lấy. Chính vì thế em có cảm giác bị trộm và bất an trong chính căn nhà của mình” - Cô viết.

Trong phần bình luận của bài đăng, phần lớn mọi người đều bày tỏ sự thương xót và cảm thông cho tâm trạng của cô gái này, nhưng bên cạnh đó cũng có người cho rằng cô nghĩ như vậy là có phần chưa đúng.

“Thanh niên giờ mạnh miệng nhỉ? Biếu ba mẹ có mỗi 2 triệu mà nghĩ mình là ATM. Tui có con, nuôi con 1 tháng riêng nó đã phải gần 20 triệu, mốt nó cho mình 2 triệu dịp Tết mà nghĩ mình nghĩ nó là ATM chắc xỉu mất” - Một người chia sẻ suy nghĩ.

“Mẹ lấy có mấy tờ 50k đã hằn học, không biết cho mẹ được bao nhiêu tiền rồi mà nghĩ mình là cây ATM của gia đình?” - Một người thẳng thắn.

“Em nó vừa mới tốt nghiệp xong, mới đã đi làm, lương thì ít, bố mẹ không thương, không vun vén cho con, còn TỰ Ý lấy hết sạch tiền của con, con hỏi thì lại CHỐI, nên bé nó mới buồn, tủi thân. Vậy mà một số bình luận của các anh chị lớn tuổi, đã có con, lại cứ chỉ trích em nó thế, lạ thật!

Khi các anh chị dạy con, chắc ai cũng dạy con không được tự ý động vào đồ của người khác, không được lấy tiền của bố mẹ khi chưa hỏi, chưa xin phép. Rồi chính mình lại làm thế với con mình, thì coi có được không? Các chị bình luận chê con bé thì thử làm hành động đấy với chính con mình xem. TỰ TIỆN lục túi, lục tủ rồi lấy tiền hay đồ của con, đến lúc con hỏi thì CHỐI, xem con nó phản ứng thế nào? Bây giờ nhiều đứa vào phòng nó mà không gõ cửa, cứ xồng xộc vào thì nó cũng phản bác lại bố mẹ ngay đấy. Bọn trẻ lớn rồi cũng cần được tôn trọng như cái cách mình bắt nó tôn trọng mình các bác ạ.

Chúc em gái mạnh mẽ nhé” - Một người khác bày tỏ.

3 việc cần làm để ổn định tài chính trong năm mới

1 - Quản lý chi tiêu chặt chẽ

Đây là nền tảng, cũng là bước đầu tiên cần làm càng sớm càng tốt, vì nếu không quản lý được chi tiêu, bạn sẽ rất dễ rơi vào cảnh chẳng hiểu tiền mình làm ra đã "chạy" đâu mất. Thậm chí, còn có thể nợ nần vì chi nhiều hơn thu.

Ngày Tết bị mẹ lục balo lấy hết tiền, cảm giác như cây ATM của gia đình dù lương 3 cọc 3 đồng- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Hãy bắt đầu quản lý chi tiêu bằng cách ghi chép lại từng khoản chi trong 1 ngày. Sau 1-2 tháng, nhìn lại danh sách ấy, bạn sẽ ngay lập tức nhận ra đâu là những khoản chi tốn kém một cách không cần thiết, cần tiết chế lại. Phải biết "tiền chạy đi đâu" thì mới quản được tiền, thế nên, đừng lười!

2 - Tiết kiệm hàng tháng ngay cả khi thu nhập chưa cao

Ranh giới giữa "đợi lương cao rồi tiết kiệm" và "không bao giờ tiết kiệm" thực ra rất mong manh. Lương bao nhiêu là cao? Chắc chắn chẳng ai có thể đưa ra một con số cụ thể, đúng với tất cả, vì nhu cầu chi tiêu của mỗi người là khác nhau.

Chưa kể, cũng không có gì đảm bảo thu nhập tăng mà mức chi tiêu không tăng. Thế nên, đừng đợi lương cao mới tiết kiệm. Lương chưa cao thì tiết kiệm ít, từng chút, từng chút một. Trước tiên là để hình thành thói quen tiết kiệm rồi sau đó mới bàn tới con số.

Yếu tố quan trọng nhất, quyết định bạn có tiết kiệm thành công hay không, chính là tính bền bỉ. Mỗi ngày tiết kiệm 30k mà duy trì được liên tục trong 365 ngày vẫn tốt hơn là hôm nay tiết kiệm hẳn 500k, rồi mai thấy oải quá nên "tiêu bù" và chẳng thèm tiết kiệm nữa.

3 - Xây dựng quỹ dự phòng

Nếu bạn chưa biết: Quỹ dự phòng (hay còn gọi là quỹ khẩn cấp) là khoản tiền được trích ra từ thu nhập hàng tháng, dùng để phục vụ cho những sự kiện rủi ro bất ngờ. Số tiền này không phải là tiền tiết kiệm để mua xe, mua nhà, hay cho những chuyến du lịch,...

Nói cách khác, quỹ dự phòng không phải là khoản quỹ dùng để chi tiêu cho các nhu cầu đã hoạch định từ trước, cũng không phải là khoản tiền phục vụ các mục tiêu lớn trong tương lai dài hạn.

Quỹ dự phòng nên tương đương với tiền sinh hoạt phí trong vòng ít nhất 6 tháng. Vì mỗi người có một mức sống, mức chi tiêu khác nhau nên cũng không có một con số cụ thể nào cho tiền trong quỹ dự phòng. Tuy nhiên, bạn có thể bắt đầu xây dựng khoản quỹ này bằng cách trích 10% thu nhập mỗi tháng, làm đều đặn hàng tháng và không dừng lại ngay cả thi đã có đủ 6 tháng tiền sinh hoạt phí trong quỹ dự phòng.

Việc xây dựng quỹ dự phòng giúp chúng ta sống an tâm hơn, và có tiền để trang trải cho những tình huống bất ngờ mà không tiêu lẹm vào tiền tiết kiệm.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày