Bài viết đăng tải trên diễn đàn Toutiao (MXH của Trung Quốc) gây chú ý khi chia sẻ câu chuyện của bà Phương:
Tôi tên là Hạo Phương, năm nay 70 tuổi. Mùa hè năm nay là mùa hè tôi vui nhất vì cháu nội và cháu ngoại của tôi đều đã đỗ đại học.
Con rể tôi ngày xưa học rất giỏi, cháu ngoại cũng thừa hưởng điều đó, từ nhỏ đến lớn đều đứng đầu, năm nay đã đỗ vào một trường đại học top đầu. Con trai tôi ngày xưa học không giỏi, bây giờ cháu nội đỗ đại học, tôi đã rất mãn nguyện rồi. Ở quê tôi có một phong tục, trong nhà có trẻ đỗ đại học thì người lớn đều phải tặng một bao lì xì. Đây được coi là lời chúc cho các cháu, hy vọng sau này học tập tiến bộ, học hành thành công.
Sau khi con trai và con gái báo tin vui, tôi bắt đầu chuẩn bị bao lì xì. Tôi thường thích dùng điện thoại để chuyển khoản, nhà cũng không có nhiều tiền mặt nên tôi đi rút 20.000 NDT (khoảng 70 triệu đồng), còn đặc biệt nhờ nhân viên ngân hàng chia làm 2 phần. Tôi không trọng nam khinh nữ, cháu nội và cháu ngoại mỗi đứa 10.000 NDT (khoảng 35 triệu đồng). Chuẩn bị xong, tôi muốn mời hai gia đình về nhà ăn cơm, ăn mừng một chút. Tuần trước, thứ bảy họ đều rảnh, nên tôi hẹn vào ngày đó.
Sáng thứ bảy, khoảng hơn 7 giờ, tôi ăn sáng xong thì kéo xe đẩy đi chợ mua đồ. Trước đây tôi sống một mình, luôn tiết kiệm, mỗi ngày tiền ăn không bao giờ quá 20 NDT (khoảng 70.000 đồng). Việc hai cháu đỗ đại học là chuyện đáng mừng, mua nhiều đồ ngon một chút, tôi ở chợ gần một tiếng, mua hết gần 2.000 NDT (khoảng 7 triệu đồng). Đó đã là tiền ăn ba tháng của tôi, phần lớn là tiền hải sản, tôi mua tôm hùm và cua lớn. Tôi hẹn các con, cháu ăn lúc 5h30 chiều nên tôi bắt đầu chuẩn bị từ 2h chiều, dù sao thì tôi cũng ở một mình và có rất nhiều món nếu không chuẩn bị sớm thì sẽ muộn.
Ảnh minh họa.
Đang làm cua, tôi nghe thấy tiếng chuông cửa, vội chạy ra mở, đã thấy con gái và con rể đang ôm 1 thùng sữa và 2 túi trái cây. Các con chào tôi, cháu gái đứng phía sau lao tới ôm tôi: “Bà ơi, con đã không gặp bà một tuần rồi. Con nhớ bà lắm!”
Tôi mỉm cười nói: “Cháu ngoan, không phải bà đã nói 5h30 chiều mới ăn cơm sao? Sao đến sớm vậy? Bây giờ ngoài trời nóng lắm, đường đến đây chắc là nắng lắm nhỉ? Mau vào nhà, bà mua một quả dưa hấu để trong tủ lạnh, bây giờ lạnh rồi, để mẹ cháu cắt ra ăn, mùa hè ăn dưa hấu mới mát”.
Con gái tôi nở nụ cười nói: “Mẹ ơi, ở nhà chúng con không có việc gì làm, thà đến sớm giúp mẹ, không thì một mình mẹ lo bữa cơm lớn này vất vả quá”. Có sự giúp đỡ của con gái và con rể, tiến độ chắc chắn sẽ nhanh hơn nên tôi cũng không quá lo lắng mà chỉ ngồi trên sofa cùng các con ăn dưa hấu và trò chuyện. Lúc 3h30, tôi cùng con gái và con rể vào bếp chuẩn bị bữa tối. Con rể nấu ăn rất giỏi, tôi quyết định để con rể xào nấu, còn tôi và con gái phụ trách rửa và cắt rau. 3 người cùng hợp tác, tốc độ cũng nhanh, tổng cộng 10 món, chưa đến 5h30 đã xong hết.
Cháu ngoại cũng đã chuẩn bị sẵn bát đũa và còn bổ một đĩa dưa hấu. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, tôi xem đồng hồ đã 5h30 nhưng con trai và gia đình vẫn chưa đến, cũng không có cuộc gọi nào, nên tôi gọi cho con trai. Con trai nhấc máy, nói: “Mẹ, có phải bữa tối đã sẵn sàng không? Chúng con đang ở dưới khu chung cư, chỉ mất 2 phút nữa là đến, con không nói chuyện với mẹ nữa”.
Ảnh minh họa.
Con trai, con dâu và cháu trai đến tay không. Mọi người nói chuyện một chút rồi bắt đầu ăn cơm. Trên bàn ăn, mọi người đều nói về việc cháu nội và cháu ngoại đỗ đại học, tôi rất vui. Sau bữa cơm, con trai và con rể nói chuyện, con dâu nằm trên sofa lướt điện thoại, cháu trai chơi game. Con gái và cháu ngoại thì giúp tôi dọn dẹp bát đĩa. Căn nhà vốn yên tĩnh trở nên náo nhiệt.
Sau khi thu dọn xong mọi thứ, tôi quay trở lại phòng lấy ra hai chiếc phong bao lì xì đã chuẩn bị sẵn rồi đưa lần lượt cho cháu ngoại và cháu nội. Tôi gọi 2 cháu đến và nói: “Nam Nam, Tiểu Hạo, hai đứa đều đỗ đại học, mang lại vinh dự cho gia đình. Đây là bao lì xì bà chuẩn bị, mỗi đứa 10.000 NDT (khoảng 35 triệu đồng). Mong hai đứa cố gắng học hành chăm chỉ ở đại học, sau này cống hiến cho xã hội". Người lớn lì xì, không thể từ chối, đây là điều tôi đã dạy các cháu từ nhỏ, nên 2 cháu đều nhận lấy.
Lúc này, con dâu bỗng nói một cách mỉa mai, ý muốn phản đối: “Mẹ, mẹ làm thế không đúng đâu, cháu ngoại sao có thể so với Tiểu Hạo nhà mình? Tiểu Hạo là cháu đích tôn duy nhất của nhà họ Triệu, sau này chúng ta đều phải trông cậy vào Tiểu Hạo. Cháu ngoại cũng có ông bà nội ngoại lo, mẹ cho nhiều như vậy làm gì? Bao 200 NDT (khoảng 700.000 đồng) tượng trưng là được rồi.”
Con gái tôi cũng không phải người dễ bắt nạt, nghe xong liền đáp lại ngay: “Mẹ đúng là không công bằng, con gái con đỗ vào trường đại học top đầu, đó là chuyện lớn. Tiểu Hạo chỉ vừa đủ điểm vào một trường đại học bình thường, con còn chưa nghe tên, sao so với Nam Nam được. Theo con, ai đỗ đại học tốt hơn thì nhận lì xì nhiều hơn. Bây giờ là xã hội mới, nam nữ bình đẳng, con tuy là con gái đi lấy chồng, nhưng con cũng có nghĩa vụ chăm sóc mẹ, nên cháu ngoại của mẹ cũng phải được nhận phần”.
Ảnh minh họa.
Con dâu cười khẩy, nói: “Hừ, thật là không biết xấu hổ, tôi chưa thấy ai nghĩ tới của cải nhà mẹ đẻ như chị. Nhà người khác thế nào tôi không quan tâm nhưng đồ của mẹ phải để lại cho Tiểu Hạo, nếu không sau này chuyện dưỡng lão sẽ không liên quan đến chúng tôi.”
Con trai tôi không có chính kiến, việc trong nhà toàn là con dâu quyết định. Khi con dâu nói vậy, con trai không nói một lời mà chỉ ngồi nhìn. Con rể mấy lần khuyên nhủ nhưng không ai nghe, con dâu và con gái vẫn cãi nhau, tôi cũng tức giận. Sau khi mắng cả hai, tôi vội vàng bảo họ về.
Con dâu và con gái tôi vốn không hợp nhau, luôn cãi nhau vì những chuyện vụn vặt nên tôi hiếm khi cho cả hai về nhà cùng lúc. Lần này, tôi gọi chúng về vì quá vui và muốn cùng nhau ăn mừng, không ngờ lại xảy ra cãi vã về tiền lì xì. Tôi đã cố gắng đối xử công bằng, nhưng con dâu và con gái luôn không hài lòng, tôi rất buồn.
Theo Toutiao