“Tớ là Lộc” tuyển người phục vụ ăn uống, buồng phòng, chăm gà cho resort nhưng không lương, hứa cấp chứng chỉ

Mây, Theo Phụ nữ số 16:31 10/07/2024
Chia sẻ

Bài đăng tuyển dụng này đang nhận về ý kiến trái chiều trên mạng xã hội.

Trở thành nhân viên không lương, phải làm những gì?

Mới đây, trên Threads đang hot về một vụ việc khi TikToker Lê Xuân Lộc (nickname: Tớ là Lộc, SN 2000), gia đình có khu nghỉ dưỡng ở Hoà Bình, đăng post tuyển người dọn dẹp với danh xưng tình nguyện viên (TNV).

Cụ thể, Lộc tuyển người làm cho khu nghỉ dưỡng của gia đình rộng 12.000 m2 ở Hoà Bình. Trong 4 tháng, các bạn trẻ gọi là TNV sẽ sống, làm việc, thụ hưởng các giá trị tinh thần ở đây. Trong đó công việc bao gồm: "Tham gia hỗ trợ các công việc tại NA (phục vụ ăn uống, buồng phòng, cảnh quan, bể bơi...)"

Yêu cầu mà Lộc đưa ra cho vị trí TNV này là: "Ngay thẳng, trung thực, có tinh thần tự giác"; "Biết một số kỹ năng đơn giản như dọn dẹp, nấu ăn..."; "Có tinh thần ham học hỏi và sức khoẻ tốt"; "Gắn bó với NA ít nhất 1 tháng".

Song song đó, quyền lợi mà Lộc cung cấp lại bao gồm: "Bao ăn ở"; "Trải nghiệm cuộc sống nhà vườn, chăm gà, chăm cá, đón khách"; "Được tận hưởng một không gian cực kỳ tươi đẹp, văn hoá bản địa đặc sắc"...

Sau khi kết thúc, các bạn sẽ được cấp chứng nhận tham gia dự án tình nguyện mang tên khu nghỉ dưỡng này.

“Tớ là Lộc” tuyển người phục vụ ăn uống, buồng phòng, chăm gà cho resort nhưng không lương, hứa cấp chứng chỉ - Ảnh 1.

Bài đăng gây xôn xao MXH

Tuy có văn phong "chữa lành", song post tuyển TNV này lại đang lan truyền khắp MXH với nhiều ý kiến trái chiều, tranh cãi dữ dội. Trong đó, phần đông netizen ngỡ ngàng trước phong cách tuyển dụng mới lạ này. Mô tả công việc TNV giống như nhân viên dọn dẹp, song lại không được đề cập đến vấn đề lương và các chính sách đãi ngộ khác.

Một lợi ích được Lộc chia sẻ giấy chứng nhận tham gia dự án tình nguyện tại khu nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, tờ giấy này dường như không có mấy tác dụng vì khu nghỉ dưỡng của gia đình Lộc không phải tên tuổi quá hot trong ngành du lịch hay khách sạn.

Bấy lâu nay, việc tuyển vị trí intern (thực tập sinh) không lương đã gây nên vấn đề bàn cãi vì dù ở vị trí nào cũng nên có sự ghi nhận cho công sức bỏ ra của người làm. Do đó, việc Lộc tuyển TNV cho khu nghỉ dưỡng mà chỉ được 1 tờ chứng nhận, không đề cập lương đã khiến dân tình vô cùng khó hiểu.

“Tớ là Lộc” tuyển người phục vụ ăn uống, buồng phòng, chăm gà cho resort nhưng không lương, hứa cấp chứng chỉ - Ảnh 2.

Chân dung Lê Xuân Lộc với bài tuyển dụng viral mạng xã hội

Netizen phản ứng gay gắt: Muốn tuyển người làm nhưng lại không muốn trả lương, về giúp bố mẹ còn có ích hơn!

Một số bình luận nổi bật của dân mạng bên dưới bài viết chia sẻ về hình thức tuyển "tình nguyện viên" này.

- "Sốc nặng khi đọc bài viết này. Tuyển intern không lương cũng bàn luận sôi nổi lắm rồi, nhưng ít nhất đó là thực tập ở công ty hẳn hoi. Còn đây là cái gì vậy? Đọc xong thấy đúng trá hình bài tuyển nhân viên, mà kiểu muốn có người làm nhưng không muốn trả lương. Bình thường người ta đi làm tình nguyện có ý nghĩa cho cộng đồng một chút chứ còn đây là ý nghĩa cho 1 cá nhân, gia đình rồi. Đọc xong thấy vô nghĩa thật!".

- "Mình không hiểu được cấp giấy chứng nhận thì có tác dụng gì. Chẳng lẽ sau này ghi vào CV là từng tình nguyện viên tại N.A, cụ thể là kinh nghiệm dọn phòng, phục vụ, quản lý bể bơi đó hả. Đọc xong bài mà thấy khó hiểu với suy nghĩ của người tạo content".

- "Mình thấy đang có sự đánh tráo khái niệm ở đây. Rõ ràng là kinh doanh homestay xong lại tuyển tình nguyện viên. Công việc giống 1 nhân viên thực thụ nhưng không được trả lương. Ai mà đi nổi công việc này đây?".

- "Intern thì tuỳ vào chính sách mỗi công ty có hỗ trợ hay không, chọn công ty phù hợp nào với mình, có đem lại tên tuổi hay điểm mạnh viết trong CV không. Sinh viên năm nhất đi thực tập cũng phải nhận thức rõ chỗ mình làm là gì. Không hiểu với những gì ghi trong bài viết, các bạn trẻ tình nguyện ở đây sẽ nhận được lợi ích nào hay không".

- "Mình thấy về nhà phụ bố mẹ còn có ích hơn. Gì mà trải nghiệm cuộc sống nhà vườn, chăm gà, còn cả đón khách nữa. Đọc xong khác gì phục vụ full-time không hả trời. Cho dù mấy bạn đang học Quản trị Khách sạn muốn có kinh nghiệm cũng chẳng học hỏi được gì ở đây. Thêm quả chứng nhận tình nguyện viên cũng thật vô nghĩa".

Đứng trước cơn bão bình luận của cộng đồng mạng, hiện bài tuyển dụng này đã bị xoá trên trang cá nhân của Lê Xuân Lộc, song vẫn còn ở trên page chính thức của khu nghỉ dưỡng NA.

“Tớ là Lộc” tuyển người phục vụ ăn uống, buồng phòng, chăm gà cho resort nhưng không lương, hứa cấp chứng chỉ - Ảnh 3.

Khu nghỉ dưỡng NA.

Hình thức tuyển TNV cho homestay, nông trại là gì?

Bên cạnh những ý kiến tiêu cực, một số người khác cũng cho rằng hình thức tuyển tình nguyện viên này không mới, đã được nhiều nông trại lẫn homestay ở Việt Nam và trên thế giới áp dụng.

Trên thế giới, khi search từ "farm volunteer" sẽ cho ra rất nhiều kết quả trên Google. Đây là hình thức mà các bạn trẻ sẽ đi tình nguyện tại nông trại hữu cơ ở các quốc gia trên thế giới, với mục đích vừa trải nghiệm cuộc sống, vừa hiểu hơn về nông nghiệp. Tuỳ vào chế độ của mỗi trang trại mà sẽ có lương hay không.

Ở Việt Nam, cũng có một group tương tự như vậy với tên "Tình nguyện viên nông nghiệp xanh" với khoảng 109.000 thành viên trên Facebook. Trong group cũng có rất nhiều bài đăng của các chủ homestay, trang trại ở Việt Nam chia sẻ về việc tuyển tình nguyện viên với các công việc như dọn dẹp buồng, phụ bếp... Bù lại, các bạn trẻ sẽ được trải nghiệm cuộc sống ở địa phương, hiểu về mô hình khách sạn.

“Tớ là Lộc” tuyển người phục vụ ăn uống, buồng phòng, chăm gà cho resort nhưng không lương, hứa cấp chứng chỉ - Ảnh 4.

Nhiều chủ homestay và farm ở Việt Nam cũng tuyển tình nguyện viên với hình thức tương tự.

Xu hướng người trẻ làm "tình nguyện viên" nông nghiệp cũng đang phát triển giữa lúc nhiều người mong muốn có cơ hội được chữa lành trong thiên nhiên.

Có thể thấy, mô hình Lộc đưa ra tuyển tình nguyện viên về cho NA không mới, nhưng cũng không được phổ biến quá rộng rãi nên đã tạo ra phản ứng trái chiều trên mạng xã hội. Một số netizen khác cũng đã lên tiếng về mô hình này:

- "Ở bên Tây hay có mấy vụ này, kiểu tình nguyện viên cộng đồng. Cái chính là đi trải nghiệm, học hỏi. Giấy chứng nhận thì có nhưng cái farm đấy nằm trong liên kết của trường đại học, trường trung học hoặc được trường giới thiệu. Học sinh, sinh viên bên đấy hay đi làm mấy cái này để hỗ trợ cho công cuộc học tập hoặc tổ chức trại hè. Nhưng giấy chứng nhận có tác dụng lâu dài".

- "Mình cũng thấy tình nguyện viên farm này phổ biến. Đọc qua post của Lộc cũng tương tự bên đó, nhưng mà không hiểu sao bị mọi người phản ứng dữ vậy. Thực ra tình nguyện viên làm ít lắm, đến trải nghiệm học hỏi là chủ yếu thôi, vì đã có nhân viên rồi".

- "Mình đi du lịch Đà Lạt thì mấy một số nơi như farm hoặc homestay cũng tuyển tình nguyện viên thế này. Có nơi còn cần đóng 80.000 đồng tiền ăn một ngày nữa. Mình cũng thắc mắc không biết cụ thể cách vận hành chương trình tình nguyện viên nhà bạn Lộc như nào mà bị phản đối gay gắt như vậy".

Còn bạn, bạn nghĩ sao về hình thức tuyển chọn tình nguyện viên này?

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày