Tổ hợp không gian khoa học (đại lộ Khoa Học, Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) có diện tích khoảng 12,6 ha, tổng vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Chiều 29/4/2022, công trình được khánh thành, đi vào hoạt động với mục đích nghiên cứu kết hợp du lịch sau hơn 7 năm xây dựng. Trong lễ khánh thành, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết Tổ hợp không gian khoa học được xem là "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam. Ở Đông Nam Á, chỉ Singapore là có công trình tương tự.
Tổ hợp không gian khoa học bao gồm 3 hạng mục chính: nhà mô hình vũ trụ, bảo tàng khoa học và đài quan sát thiên văn. Dự án do hai kiến trúc sư Jean-Francois Milou (Pháp) và Nguyễn Thành Trung (Việt Nam) chịu trách nhiệm thiết kế.
Tòa nhà chính của khu tổ hợp có diện tích khoảng 7.200 m2, gồm hai hạng mục là Nhà chiếu hình vũ trụ và Khu khám phá khoa học. Mỗi chủ đề như Hệ Mặt trời, Khám phá vật chất, Khám phá sao Hỏa, Chơi mà học, Vì sao lại thế… được tái hiện sinh động trong các phòng trưng bày. Trong ảnh là khu chủ đề hệ Mặt trời, với điểm thu hút chính là quả cầu mô phỏng Trái đất và các hành tinh xung quanh.
Thông qua căn phòng này, các chủ đề về biến đổi khí hậu: Nồng độ khí CO2 trong không khí, mực nước biển dâng, đặc điểm bề mặt của các thiên thể trong hệ Mặt trời sẽ được thể hiện một cách trực quan và ấn tượng.
Khu chủ đề được trang bị đầy đủ các thiết bị cung cấp thông tin hiện đại, giúp người xem dễ dàng tiếp cận những kiến thức về vũ trụ.
Không gian hệ Mặt trời thu hút nhiều "phi hành gia" nhí. Các vị phụ huynh đưa con mình đến đây để vừa vui chơi, vừa mở mang kiến thức về thế giới xung quanh. Ngoài ra, du khách không khỏi bất ngờ khi tận mắt chứng kiến cả vũ trụ bao la trong một căn phòng. Chị Liên (20 tuổi) chia sẻ: "Tôi bị ấn tượng bởi sự lấp lánh của các vì sao. Cảm giác được 'đi vào vũ trụ' này thật tuyệt".
Bên cạnh đó, khu Khám phá sao Hỏa trưng bày mô hình xe tự hành thám hiểm sao Hỏa với tỷ lệ thật. Chiếc xe được phóng lên Sao Hỏa vào năm 2012 với nhiệm vụ phân tích khí hậu, địa chất của hành tinh Đỏ. Từ đó, các nhà khoa học có thể đánh giá được khả năng tồn tại sự sống trên hành tinh này.
Tổ hợp không gian khoa học thường xuyên diễn ra các buổi trình diễn. Khách tham quan được trực tiếp chứng kiến và trải nghiệm những hiện tượng diễn ra bên ngoài thế giới tự nhiên. Trong hình là phòng thí nghiệm về tia lửa điện, sấm sét.
Nhà chiếu hình vũ trụ của tổ hợp có sức chứa khoảng 80 người. Điểm đặc biệt của rạp chiếu này là màn hình dạng vòm bán cầu, đường kính 12 m và hệ thống máy chiếu có độ phân giải 4K. Thiết kế đặc biệt kết hợp việc ứng dụng các công nghệ mô phỏng hiện đại đã mang đến cho khán giả những trải nghiệm sống động, mới mẻ về khoa học.
Hạng mục Trạm quan sát thiên văn phổ thông sử dụng kính thiên văn quang học đường kính ống 60 cm (là loại kính thiên văn lớn nhất tại Việt Nam hiện nay). Ngoài kính thiên văn chính, trạm còn có các kính thiên văn phổ thông cũng như các máy móc hỗ trợ khác giúp quan sát các hành tinh của hệ Mặt trời và thiên hà.
Nhiều bạn trẻ vượt hơn 10 km đến check-in tổ hợp không gian khoa học này. Hạ Chi (25 tuổi) chia sẻ: "Trung tâm này để lại cho tôi cảm giác dễ chịu, thoải mái, cũng như học được nhiều điều hay. Tôi hy vọng trong tương lai, nơi đây sẽ phát triển hơn nữa và được nhiều bạn trẻ biết đến".
Khách cá nhân có thể đến tự do tham quan Tổ hợp không gian khoa học mà không cần đăng ký trước vào thứ 3 hàng tuần, sáng từ 8h30-11h, chiều từ 14h30-17h.
Khách đoàn từ 30 đến 50 người có thể đến tham quan từ thứ 4 đến chủ nhật hàng tuần, sáng từ 8h30-10h30, chiều từ 14h30-16h30. Trưởng đoàn cần liên hệ và đăng ký trước qua hotline 0256 2478 999 để xác nhận các thông tin cần thiết.