Tổ chức quốc tế lên tiếng vụ làm hầm nuôi nhốt hổ như "nuôi heo"

Ngọc Vân, Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị 14:31 06/08/2021

WWF chúc mừng lực lượng chức năng của tỉnh Nghệ An đã triệt phá vụ vận chuyển, nuôi nhốt hổ trái phép và khẳng định việc nuôi nhốt hổ làm gia tăng nạn săn bắn trong tự nhiên.

Ngày 6/8, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã phát đi thông báo bày tỏ quan điểm về vụ việc các lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An liên tiếp bắt giữ hai vụ vận chuyển 7 cá thể hổ vào ngày 1/8 và phát hiện vụ nuôi nhốt hổ trái phép như "nuôi heo" với 17 cá thể hổ vào ngày 4/8.

Ông Benjamin Rawson, Giám đốc Bảo tồn và Phát triển Chương trình WWF Việt Nam, chúc mừng các lực lượng chức năng của tỉnh Nghệ An đã liên tiếp triệt phá hai vụ vận chuyển và nuôi nhốt hổ trái phép.

"Những hành động này thể hiện quyết tâm cao của cơ quan chức năng trong đấu tranh chống buôn bán bất hợp pháp hổ và các bộ phận của hổ.

Chúng tôi khuyến khích những nỗ lực này được tiếp tục thể hiện qua việc truy tố và kết án những kẻ phạm tội ở khung hình phạt cao nhất là 15 năm tù giam", ông Benjamin Rawson phát biểu.

Tổ chức quốc tế lên tiếng vụ làm hầm nuôi nhốt hổ như nuôi heo - Ảnh 1.

Khu vực hầm nuôi nhốt hổ như nuôi heo vừa bị triệt phá ở Nghệ An

Theo WWF, các vụ việc bắt giữ trên thể hiện tình trạng nuôi nhốt hoặc nuôi sinh sản hổ với ý đồ cung cấp hổ, các bộ phận và sản phẩm của hổ phục vụ mục đích thương mại vẫn đang tiếp diễn. WWF cho biết những trang trại hổ này không có giá trị bảo tồn và góp phần hủy hoại những nỗ lực thực thi pháp luật và bảo tồn.

"Những cơ sở này cũng tạo ra rào cản lớn cho công cuộc bảo vệ và phục hồi các quần thể hổ hoang dã thông qua việc kích cầu thị trường hổ và các sản phẩm từ hổ, cũng như bình thường hóa việc buôn bán và sử dụng hổ.

Tình trạng này có thể dẫn đến kết cục làm gia tăng nạn săn bắt hổ trong tự nhiên", WWF nhận định.

Tổ chức quốc tế lên tiếng vụ làm hầm nuôi nhốt hổ như nuôi heo - Ảnh 2.

WWF ước tính Việt Nam có khoảng 300 cá thể hổ đang nuôi nhốt

WWF ước tính có khoảng hơn 8.000 cá thể hổ ở hơn 300 cơ sở nuôi nhốt trên toàn châu Á, với khoảng hơn 300 cá thể hổ nuôi nhốt ở Việt Nam. Tổ chức này bày tỏ mong muốn Việt Nam đình chỉ việc nuôi sinh sản hổ không đóng góp cho các nỗ lực bảo tồn và cần xóa bỏ những trang trại hổ này theo các cam kết quốc tế của Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài Động, Thực vật Hoang dã Nguy cấp (CITES) mà Việt Nam là thành viên.

WWF cũng đề xuất tiến hành kiểm tra, nhận dạng tất cả các cá thể hổ nuôi nhốt bằng gắn chip điện tử, thu thập mẫu gen và chụp ảnh nhận dạng sọc vằn đặc trưng của từng cá thể để tổng hợp thành cơ sở dữ liệu chung về hổ nuôi nhốt.

Theo đó, biện pháp này giúp các cơ quan quản lý có thể tìm ra nguồn gốc của các cá thể hổ bị tuồn ra ngoài thị trường dựa vào cơ sở dữ liệu, đồng thời đảm bảo rằng các cơ sở nuôi nhốt hổ không phục vụ nhu cầu về hổ và các sản phẩm bất hợp pháp từ hổ.