TLinh, Suboi và câu chuyện nữ quyền: Hãy bắt đầu từ những câu nói tôn trọng hơn khi nhắc về phụ nữ

Minh Đức, Theo Trí Thức Trẻ 10:20 18/11/2020
Chia sẻ

Từ câu chuyện của một màn trình diễn trong đêm Chung kết Rap Việt, có nhiều điều khiến người ta phải suy ngẫm hơn một màn biểu diễn thành công.

Không chỉ nóng lên bởi kết quả khiến cư dân mạng chia rẽ, đêm Chung kết Rap Việt còn được thổi bùng lên bởi câu nói của MC Trấn Thành sau màn trình diễn của Tlinh và Suboi. Sự xuất hiện của Tlinh và Suboi trong sân chơi Rap Việt đã khiến nhiều người chú ý nhưng câu chuyện của hai nữ rapper trên còn nóng hơn sau khi MC Trấn Thành thả nhẹ câu nói.

"Phụ nữ mà tự tin hay ho như thế thì làm gì phải đi đòi nữ quyền".

Làn sóng phản đối Trấn Thành xuất hiện trên mạng rất nhanh sau đó; đặc biệt là với phụ nữ khi câu nói này một lần nữa lại động chạm tới vấn đề thâm căn cố đế: Phân biệt giới tính và câu chuyện nữ quyền.

Tôi tin Trấn Thành không cố ý xúc phạm tới bất cứ ai, cũng như mọi lần Trấn Thành thể hiện quan điểm về phụ nữ trong các chương trình khác (như cách Trấn Thành từng khuyên một cô gái cần yêu đúng cách hơn để không chia tay trong chương trình Người Ấy Là Ai). Trên thực tế, đây một lời khen của Trấn Thành dành cho Tlinh và Suboi. Dù vậy, trên sóng truyền hình, Trấn Thành và nhiều người nổi tiếng khác là đại diện của cái chúng ta gọi là "truyền thông", một lỗi sai như vậy sẽ gây cười với người này nhưng lại khiến người khác khó chịu, đặc biệt là phụ nữ. Những câu nói kiểu như vậy vẫn xuất hiện rất nhiều trên truyền thông, từ chính những người nổi tiếng, núp bóng dưới nhiều hình thức đôi khi tưởng chừng như không hề vô hại.

Chúng ta mong muốn có nhiều Suboi hay Tlinh hơn trên những "sân chơi" vốn luôn được coi là mảnh đất của nam giới và ngược lại, hy vọng sẽ có ít hơn những câu nói như của Trấn Thành, dù vô tình hay hữu ý.

Câu nói của Trấn Thành khiến nhiều người không thoải mái vì 2 lý do. Một, nó ngầm ám chỉ rằng nữ quyền chỉ dành cho một số người phù hợp hay xứng đáng, mà ở đây là những người phụ nữ hay ho, tài giỏi. Hai, nữ quyền vẫn gắn liền với chữ "đòi" như cách những người phản đối các phong trào nữ quyền vẫn sử dụng trong hàng chục năm qua.

TLinh, Suboi và câu chuyện nữ quyền: Hãy bắt đầu từ những câu nói tôn trọng hơn khi nhắc về phụ nữ - Ảnh 1.

Thuật ngữ "nữ quyền" dù sử dụng uyển ngữ đi thế nào vẫn quy chung về những nỗ lực tạo ra sự bình đẳng hơn cho phụ nữ trong xã hội. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, "nữ quyền" đôi khi bị hiểu theo những nghĩa tiêu cực. Không ít người cho rằng, thế giới này đã bình đẳng và phụ nữ đang cố gắng "thượng đẳng" hơn, muốn "ngồi lên cổ nam giới" hơn nên liên tục "đòi" quyền bình đẳng. Nữ quyền hay quyền nữ - dù bạn sử dụng thuật ngữ nào đi chăng nữa cũng cần nhớ rằng, đó là mong muốn tạo ra thế cân bằng hơn của phụ nữ trong xã hội. Ở mức độ đơn giản, hãy bắt đầu từ những câu nói tôn trọng hơn dành cho phụ nữ.

"Hay ho như thế" là như thế nào?

Giới tính không phải là giới hạn là câu nói phù hợp nhất với màn biểu diễn của Tlinh và Suboi trong chương trình Rap Việt và xa hơn, là sự xuất hiện của các nữ Rapper trong sân chơi vốn tưởng chừng như sự độc chiếm của nam giới. Phần trình diễn của Tlinh và Suboi không phải để chứng minh rằng chúng tôi là những người phụ nữ hay ho, tự tin - đó là điều không cần phải bàn cãi dù có hay không một màn biểu diễn Chung kết xuất sắc. Chọn tiết mục như vậy trong đêm Chung kết, họ muốn nói nhiều hơn cho những người phụ nữ: Rằng phụ nữ cũng có thể rap, rằng phụ nữ cũng có thể làm những điều tưởng chừng như độc quyền của nam giới và giới tính không phải là giới hạn cản trở bất cứ cô gái nào.

Nữ quyền không phải một đặc ân hay một cái khuôn mẫu để các cô gái phải gò mình cho "hay ho và tự tin". Nữ quyền mang tới vô vàn sự lựa chọn mà mỗi người phụ nữ đều đang tìm cho mình một hướng đi riêng, thách thức khuôn mẫu và những giới hạn được đặt ra cho họ.

TLinh, Suboi và câu chuyện nữ quyền: Hãy bắt đầu từ những câu nói tôn trọng hơn khi nhắc về phụ nữ - Ảnh 2.

Vị thế của nữ giới trong làng Rap trước giờ vẫn bị coi nhẹ với ít các rapper nữ thành công. Trên sân khấu với tiết mục Tèn Tèn Girls, người ta thấy một thách thức mới cho những người vẫn hiểu sai nữ quyền: Phụ nữ không cố gắng gồng mình để giống như nam giới. Nam giới không phải chuẩn mực để họ soi vào; Suboi và Tlinh cũng không cần phải gồng mình, cool ngầu hay mạnh mẽ, theo đuổi phong cách như những ông hoàng nhạc Rap. Họ vẫn có thể chọn lựa nữ tính hay bất cứ thể hiện giới nào mong muốn và làm cháy bừng sân khấu Rap Việt. Những người yêu nhạc Rap hẳn sẽ thấy sự khác biệt, một "tính nữ" trong từng câu từ, giai điệu hay vũ đạo.

"Phụ nữ mà tự tin, hay ho như thế" - như thế là như thế nào? có phải là như những người nam giới hay các tiết mục biểu diễn của các thí sinh nam trong chương trình? Không, họ có một kiểu hay riêng, một vị thế riêng không cần giống nam giới nhưng vẫn xuất sắc, như cách Tlinh từng nói.

"Để em định nghĩa lại những quan điểm như thế nào là phái yếu".

Từ sân chơi âm nhạc tới lời nói thường ngày

Suboi đã từng chia sẻ quan điểm về việc feminism (phong trào nữ quyền) có thể được dịch là "quyền nữ" (thay vì "nữ quyền") khi nó thể hiện được người phụ nữ có quyền được lựa chọn, thay vì sử dụng cụm "nữ quyền" gây hiểu nhầm khi phụ nữ phải giống như đàn ông, phải làm những việc đàn ông làm - rốt cuộc chỉ là một cách khác để nâng cao vị thế của đàn ông và hạ bệ vai trò phụ nữ. Những người hiểu biết sẽ không "bắt nọn" như vậy; dù là nữ quyền hay quyền nữ, đó vẫn là một con đường dài khi còn gắn với chữ "đòi".

Không lạ khi chúng ta thấy ai đó dùng từ "đòi" cho các phong trào bình quyền trên thế giới. Một là họ không ở vị thế thiệt thòi, hai là họ ở vị thế thiệt thòi nhưng đã mặc định những yếu thế đó là việc bình thường. Các phong trào nữ quyền dù ở quy mô lớn hay ở quy mô nhỏ (như một sân chơi âm nhạc) đều đang cố gắng để cả hai đối tượng đó nhìn nhận được về vấn đề nữ quyền, tường minh và chính xác. Trong cuộc sống đời thường và những lời nói thường ngày, khi ứng xử với phụ nữ, ranh giới giữa những lời đùa và sexism cũng rất đỗi mong manh.

TLinh, Suboi và câu chuyện nữ quyền: Hãy bắt đầu từ những câu nói tôn trọng hơn khi nhắc về phụ nữ - Ảnh 3.

Chúng ta đang sống trong một thời đại trao quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng lớn và ở đó, người ta cũng thấy quá nhiều định kiến với phụ nữ. Ở mức độ vô ý, đó là những lời khen các cô bé chơi thể thao giỏi như con trai hay ngăn cản con gái chọn những công việc mà chỉ có con trai làm. Nhiều người vẫn ca ngợi phụ nữ công sở "giỏi như đàn ông" khi làm các vị trí như CEO, CFO. Hoặc gần đây, là khi một người thầy giáo phát biểu chỉ phụ nữ nên mặc áo dài còn nam giới không nên mặc vì không phù hợp, nam giới cần vận động mạnh, nô đùa chơi thể thao. "Cái lũ con gái chỉ thế này", "Đúng là đồ đàn bà",... còn phải nói bao nhiêu lần về những câu nói đời thường này nữa mới chấm dứt?

Khi không thực sự hiểu như nào là trò đùa, như nào là sự kém duyên, tục tĩu và định kiến, chúng ta sẽ trở thành những kẻ phân biệt giới tính lúc nào không hay.

Có nhiều cách để Trấn Thành và nhiều người trong chúng ta có thể thể hiện sự tôn vinh, trân trọng phụ nữ và không khiến ai khó chịu.

Thứ nhất, hãy bỏ những từ và thuật ngữ như "đòi quyền", "giống như nam giới", "được như nam giới"... ra khỏi các câu nói.

Thứ hai, nếu không chắc những gì mình đang nói về nữ quyền hay phụ nữ, tốt nhất nên im lặng.

Thứ ba, đừng bao giờ so sánh năng lực phụ nữ với nam giới và hãy tôn vinh họ như cách họ mong muốn hoặc ít nhất, trân trọng phụ nữ vì con người của họ chứ không phải vì giống ai.

Thứ tư, hãy thực sự hiểu về nữ quyền - quyền nữ, về bình đẳng vì ngôn từ chỉ là một khía cạnh của sexism, nếu những hành động cũng mang tính phân biệt với phụ nữ thì khó có thể biện minh.

Tất nhiên, nói luôn dễ hơn làm và con đường đạt được những điều kể trên vẫn như trong một thế giới không tưởng. Nữ quyền vẫn là một tấm chăn mà nếu một nửa thế giới co thì nửa còn lại không được cuộn mình ấm áp. Trên sân khấu Rap Việt, Suboi và Tlinh đã dần thu hẹp những khoảng cách bất bình đẳng, trên quy mô nhỏ là làng nhạc rap, trong một bình diện lớn hơn là những người theo dõi chương trình và xã hội nói chung. Họ tự tạo ra sân chơi của bản thân, không cố gắng để hòa nhập hay tuân theo các luật chơi được định đoạt bởi nam giới.

TLinh, Suboi và câu chuyện nữ quyền: Hãy bắt đầu từ những câu nói tôn trọng hơn khi nhắc về phụ nữ - Ảnh 5.

Con đường nữ quyền - quyền nữ cần có dấu chân của nhiều hơn những người nổi tiếng bởi sức nặng của tiếng nói và giá trị của truyền thông. Và ở một chiều cạnh khác, những người nổi tiếng cũng cần có ý thức hơn để mỗi phát ngôn của mình không khiến người khác bị coi nhẹ về nữ tính.

Và thế giới từ đó chung sống hòa bình, không có các "cuộc chiến" trên mạng xã hội.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày