Tính toán tài chính ra sao nếu muốn có con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo?

Nguyễn Quỳnh Trang, Theo Phụ nữ Việt Nam 08:24 10/04/2023

Sinh một đứa trẻ tự nhiên đã tốn kém, giờ đây lại còn phải thụ tinh nhân tạo. Chi phí sinh con chưa bao giờ là rẻ!

Nhiều người trẻ hiện nay lựa chọn không sinh con khi tài chính chưa đủ vững mạnh. Vì sinh con không chỉ cần trách nhiệm là xong. Họ còn cần tiền để cho con một tuổi thơ hạnh phúc, môi trường sống đầy đủ và khả năng phát triển trong tương lai. Nhưng với một số cặp vợ chồng hiếm muộn thì khác. Chưa nghĩ đến sau này, điều họ cần trước mắt là kiếm tiền chạy chữa để có được một đứa con.

Vợ chồng Ngọc Yến (27 tuổi, Phú Thọ) hiếm muộn hơn 2 năm. Thời điểm xác nhận sinh con theo phương pháp thụ tinh nhân tạo, gia đình Yến phải bán mảnh đất tích lũy bao lâu nay. Lúc bán ra thì vợ chồng Yến lời gần 600 triệu. Toàn bộ số tiền này được chia làm 2 phần: Một phần để chạy chữa, phần còn lại là quỹ dự trữ để nuôi đứa trẻ sau này.

Còn Hạnh Lê (24 tuổi, nhân viên văn phòng) phải mất gần 1 năm trời để "kiếm" được một đứa con. Hi sinh thời gian, tiền bạc và công sức chưa đủ, Hạnh còn lựa chọn từ bỏ cả công việc đang làm để giữ con được an toàn nhất.

Đem của để dành nửa đời để đổi lấy một đứa con

Ngọc Yến và chồng khá lo lắng về vấn đề tài chính trước khi lựa chọn thụ tinh nhân tạo: "Công việc ổn định, mỗi tháng 2 vợ chồng đều cố gắng dành dụm 30% để tiết kiệm. Nhưng số tiền này không đủ để thực hiện thụ tinh.

Không bàn về vấn đề thuốc men, khám bệnh, số tiền cần để điều trị theo phác đồ có sẵn là khoảng 120 triệu đồng. Chưa kể nếu xảy ra rủi ro gì, số tiền này còn nhân lên. Rồi các loại chi phí sinh hoạt khi có thai, sinh đẻ và chăm con. Ước tính tụi mình phải có đủ 300 - 350 triệu đồng mới nằm trong vùng an toàn."

Tính toán tài chính ra sao nếu muốn có con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo? - Ảnh 1.

Tính toán chi phí để thụ tinh nhân tạo quả thực là một con số không nhỏ. (Ảnh minh họa Pinterest)

Dù con số này hiện tại nằm ngoài tầm với của Yến, nhưng cô vẫn quyết tâm để có một đứa con: "Bác sĩ bảo nếu tuổi càng lớn thì khả năng phôi phát triển càng kém. Vậy nên thời điểm được tư vấn, vợ chồng mình quyết định bán đất để cấy con." Mảnh đất được bán là khoản tích lũy nửa đời của chồng Yến.

“Cuối năm 2020 là cơn sốt đất, miếng đất khi đó cũng được người ta trả giá hơn 2 tỷ đồng. Nhưng vợ chồng mình lại muốn giữ lại để làm tài sản vì dù sao bất động sản càng để lâu càng lên giá. Tuy vậy, thời thế thay đổi cũng đành rao bán vội để lấy tiền sinh con.” - Cũng có đôi chút tiếc nuối, nhưng Yến cho rằng không phải các khoản tích lũy đều dùng cho việc gấp hay sao?

Lúc chuyển phôi thai gặp vấn đề, Yến phải thực hiện quá trình này đến 2 lần. Đẩy chi phí để có một đứa con lên 180 triệu đồng: "Việc dự phòng rủi ro cho trường hợp xấu nhất xảy ra là điều cực kỳ cần thiết. Ban đầu khi tính chi phí thụ tinh nhân tạo, tụi mình cũng tính dôi ra một ít để dùng vào lúc khẩn cấp thế này. Quả thực nếu tài chính không có thì chuyện con cái đúng là xa vời!"

Mất đi một nguồn thu nhập, phải tính toán tài chính thế nào nếu muốn sinh con?

Không chỉ bán đất, Ngọc Yến còn nghỉ luôn công việc hiện tại để giữ an toàn cho con. Cả Hạnh Lê cũng lựa chọn như vậy. Vì đối với những người hiếm muộn, con cái là tài sản lớn nhất cần được bảo vệ. Tuy vậy, khi vợ nghỉ làm đồng nghĩa với việc gia đình sẽ thiếu đi 1 nguồn thu nhập chính. Trong trường hợp này, phải giải quyết vấn đề tài chính thế nào?

Đây cũng là bài toán khó mà Hạnh Lê cùng chồng phải tìm cách giải quyết trước khi thụ tinh nhân tạo: "Vợ chồng mình thống nhất, nếu chuyển phôi thành công thì phải đặt vấn đề giữ an toàn cho con lên hàng đầu. Nhiều bà mẹ có con tự nhiên chắc sẽ không hiểu được lo sợ của mình. Không chỉ là tiền bạc, công sức, mà đứa con có được nhờ thụ tinh cũng có xác suất gặp nguy hiểm cao hơn rất nhiều. Mình lại là người gặp vấn đề về niêm mạc mỏng. Vậy nên gia đình mình đành phải tìm phương án để khoản tiền lương của chồng mình có thể cân được chi phí sinh hoạt trong 1 năm tới.

Tính toán tài chính ra sao nếu muốn có con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo? - Ảnh 2.

Phải lên kế hoạch tài chính cụ thể trước khi sinh con. (Ảnh minh họa Pinterest)

Tụi mình đều là người sống theo chủ nghĩa tích lũy, không ham cái lợi trước mắt mà tập trung vào lợi ích lâu dài. Thế nên cả 2 đều có thói quen tiết kiệm từ rất sớm. Khoản tiền hơn 200 triệu để thụ tinh nhân tạo cũng được lấy ra từ quỹ tiết kiệm.

Công việc chính của mình là nhân viên bảo hiểm, thu nhập hàng tháng hơn 20 triệu. Còn chồng làm quản lý một xưởng sản xuất, mức lương cũng tương đối ổn định. Tụi mình không mua nhà mua xe nên tạm thời chưa có khoản nợ nào. Tiền làm ra chủ yếu để sinh hoạt và tích lũy sau này xây nhà. Sau khi mình nghỉ việc, toàn bộ chi phí do chồng mình gánh. Nếu không đủ có thể trích thêm từ khoản tiết kiệm dự phòng.

Mình cũng có dự định sau khi sinh em bé xong sẽ tiếp tục làm việc. Vì công việc của mình không nhất thiết phải đến công ty, chỉ cần tìm kiếm khách hàng và nhận bảo lãnh từ cấp trên. Phương án thứ hai, là về nhà ba mẹ ở để bớt đi khoản chi phí sinh hoạt. Ông bà cũng sẵn lòng, nên đến lúc đó phương án nào tiện hơn thì mình sẽ làm. Khi tài chính chưa thực sự ổn định, mình nghĩ có thể dựa dẫm vào ba mẹ một chút!"