Hai ngày sau trận hoả hoạn chiều tối 16/7, tại dãy nhà trọ cấp 4 gần Bệnh viện Nhi Trung ương, những hàng chắn barie vẫn được dựng lên. Mặt tiền các hộ kinh doanh dọc tuyến phố Đê La Thành vẫn đang bị phong toả, lực lượng chức năng chốt chặn 24/24. Dự kiến công tác khám nghiệm hiện trường vẫn sẽ được tiếp tục cho đến hết tuần để tìm ra nguyên nhân vụ cháy.
Cảnh tượng tan hoang sau khi bà hoả cướp đi của người dân tất cả. Nhiều người có nhà mà thành ra như không. Họ cố gắng túc trực ngày đêm để mong được vào hiện trường vót vét chút tài sản. Riêng các cửa hàng chăn, ga, gối, và quần áo, hầu như bên trong đều bị thiêu rụi.
Lối vào xóm trọ giá rẻ của hàng trăm bệnh nhi và người thân vẫn bị chốt chặt. Được biết, khu vực này gồm 3 dãy trọ, tập hợp rất đông xóm trọ của các chủ sở hữu khác nhau. Từ đầu ngõ đến cuối ngõ đều cháy sạch.
Khung cảnh cháy đen nhìn từ phía sau dãy trọ.
Tại khu vực cháy, có căn nhà của ông Nguyễn Thế Hiệp (71 tuổi) vốn được biết đến với danh xưng ông Hiệp "khùng". Trước đấy, dãy trọ nhà ông được mệnh danh "5 sao" chuyên dành cho người nghèo. Bây giờ chỉ còn trơ mỗi mái tôn sắt khi nhìn từ trên cao.
Người nhà bệnh nhân được UBND di tản tới nhà văn hoá phường Ngọc Khánh trú tạm, mấy hộ tiểu thương bán quần áo đi xin ngủ nhờ nhà người thân. Sau một đêm, phía bệnh viện Nhi Trung ương đã tạo điều kiện để họ được chuyển đến nơi ở mới rộng khoảng 25m2 với 16 chiếc giường tầng. Ngoài cổng viện, rất nhiều các nhóm, tổ chức tình nguyện đã đứng ra phát thức ăn, nước uống và quần áo cho người dân.
Chị Minh - 27 tuổi, quê Hải Dương. Chị đang bế đứa con trai bị bệnh ngồi chờ được phát bữa cơm tối. Thời điểm xảy ra hoả hoạn, rất may chị cùng con đang ở phía ngoài. Tạm thời chị được bố trí ở tại tầng 6 của viện Nhi. "Chị mất vài triệu tiền chữa bệnh cho con, và đồ đạc cũng chưa lấy được gì ra. Nói chung đây là điều không ai mong muốn..."
Rất nhiều em nhỏ hiện đang khám tại viện Nhi theo chân bố mẹ, người thân đi xin bữa cơm và vài bộ quần áo để thay.
Anh Nguyễn Văn Được (47 tuổi, quê Nghệ An) bế đứa con trai viêm não Nhật Bản ngồi chờ xin cơm từ thiện. Đêm xảy ra cháy, 2 bố con anh ngủ ngoài vỉa hè, dưới mưa. Vì không kiếm được chỗ nào để đi, anh cắn răng thuê căn nhà trọ mới giá gấp đôi (100.000 đồng/đêm). "Người ta cho gì thì mình lấy, từ hộp sữa, bánh mì đến quần áo. Con anh chữa trị mấy tháng rồi, cũng mất gần mấy trăm triệu nhưng không biết có chữa được hoàn toàn cho con không, làm sao anh biết được. Ban ngày hai bố con lang thang, buổi tối về nhà trọ nghỉ. Con anh tên Nguyễn Văn Nhân, năm nay cháu 10 tuổi nhưng bé quá vì ốm suốt".
Người nhà bệnh nhân đứng phía ngoài barie chờ nhận đồ ăn từ thiện. Sau vụ cháy, nhiều người thậm chí chẳng có một đồng trong túi.
Em bé người dân tộc được mẹ địu đến nhận cơm. Mẹ con chị đã đợi gần khu vực dẫn vào xóm trọ bị phong toả từ khá sớm.
Trận hoả hoạn đã cướp đi của người dân tất cả, từ số tiền tích cóp chữa bệnh cho con đến những thiết bị y tế đắt đỏ mới mua về. Cả quần áo và sữa cho cháu cũng chẳng còn. Họ đều là những người xa xứ cô đơn, chỉ có mái nhà trọ là nơi nương tựa trong hành trình vất vả.
Những suất cơm từ thiện được chuẩn bị cho bà con nơi xóm trọ giá rẻ.
Chị La Thị Thu (quê Sơn Động, Bắc Giang) hớn hở khi tìm được bộ quần áo mới cho con trai. 2 ngày qua chị xin đi tá túc nhà trọ người thân, trên người chị mặc độc bộ đồ từ đêm 17/9. Chị đưa con trai là bé Ngọc Huy Vũ lên Hà Nội chữa bệnh đã 10 tháng nay. Bé Vũ 14 tháng tuổi thì 10 tháng trong viện. "Lúc thấy khói lửa chị chỉ biết bế con rồi chạy đi chứ tiền bạc, điện thoại, quần áo không mang được gì hết" - chị Thu nhớ lại.
Bé Hà Ngọc Vũ lớn lên từ viện nhi. Suốt 2 ngày qua, chị Thu biết ơn những người xa lạ vì đã cưu mang mẹ con chị. "Hôm bắt đầu cháy, chị không cầm điện thoại ra, tiền thì không có, không một cái gì cả. Đúng 2 mẹ con mặc nguyên bộ quần áo, trong khi đó thằng cu bị ốm. Trời mưa, chị chạy suốt dọc đường đê. Chị sợ quá, cứ đứng ở ngoài đường rồi khóc. May có chị nào gần đó chạy ra, cho mẹ con chị 100.000 đồng ăn cháo".
Từ sau vụ cháy, nhiều nhà trọ dọc đường Đê La Thành bắt đầu dán các biển cảnh báo cháy nổ.
Cuộc sống của người nhà bệnh nhân đang rất bấp bênh, hầu hết đều là những người xa xứ chạy vạy kiếm tiền chữa bệnh cho con, cho cháu. Tuy mất hết tài sản, tiền bạc, thiết bị, máy móc y tế, nhưng họ vẫn rất lạc quan. "Dẫu sao mất tiền còn làm lại được, cái may lớn nhất là chị và con không sao. Đúng là trong hoạn nạn mới biết có nhiều người tốt thế" - chị Thu cười hạnh phúc nhìn bé Vũ.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Bệnh viện Nhi cho hay, ngay trong đêm 17/9 khi phát hiện hoả hoạn, bệnh viện đã tiếp nhận khá đông người bệnh tới ở tạm. Tại tầng 8 Khoa Ung Bướu và Khoa Ngoại, người dân tập trung khá đông, nằm xen kẽ giữa các phòng bệnh.
Đại diện công an phường Ngọc Khánh cho biết, quý độc giả có thể ủng hộ, quyên góp cho người dân trong vụ hoả hoạn chiều tối 16/7 qua 2 địa điểm.
- Tầng 8, Bệnh viện Nhi Trung ương.
- UBND phường Ngọc Khánh (525 đường Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội).