TikTok thà đóng cửa tại Mỹ còn hơn là bị bán cho công ty khác: Tại sao lại như vậy?

Bình Minh, Theo Đời sống Pháp luật 12:06 26/04/2024
Chia sẻ

Hạn chót để TikTok "bán mình" nếu không muốn bị cấm vĩnh viễn tại Mỹ là ngày 19/01/2025. Tuy nhiên, ByteDance không có kế hoạch làm như vậy.

Theo Reuters, ByteDance, công ty mẹ của TikTok, thà đóng cửa ứng dụng đang thua lỗ này hơn là bán nó đi nếu họ đã sử dụng hết tất cả các lựa chọn pháp lý để chống lại đạo luật cấm nền tảng này khỏi các cửa hàng ứng dụng ở Mỹ.

Các nguồn tin thân cận với ByteDance cho biết thuật toán mà TikTok dựa vào để hoạt động được coi là cốt lõi cho toàn bộ hoạt động của ByteDance, điều này sẽ khiến việc bán ứng dụng cùng với thuật toán trở nên rất khó xảy ra.

Họ cho biết, TikTok chỉ chiếm một phần nhỏ tổng doanh thu và lượng người dùng hoạt động hàng ngày của ByteDance, vì vậy công ty mẹ thà chấp nhận đóng cửa ứng dụng này tại Mỹ trong trường hợp xấu nhất còn hơn bán nó cho một người mua tiềm năng người Mỹ.

Các nguồn tin giấu tên vì không được phép tiết lộ thông tin cho biết, việc đóng cửa sẽ ảnh hưởng hạn chế đến hoạt động kinh doanh của ByteDance trong khi công ty không phải từ bỏ thuật toán cốt lõi của mình.

Trong một tuyên bố được đăng trên Toutiao, ByteDance nói không có kế hoạch bán TikTok, để đáp lại bài báo của trang The Information nói rằng ByteDance đang nghiên cứu bán mảng kinh doanh TikTok của Mỹ mà không có thuật toán đề xuất video cho người dùng TikTok.

TikTok thà đóng cửa tại Mỹ còn hơn là bị bán cho công ty khác: Tại sao lại như vậy? - Ảnh 1.

Hạn chót để TikTok "bán mình" là ngày 19/01/2025

Giám đốc điều hành TikTok, Chew Shou Zi, hôm thứ Tư cho biết công ty truyền thông xã hội này dự kiến sẽ thắng kiện chống lại đạo luật cấm được Tổng thống Joe Biden ký thành luật, đạo luật mà ông cho là sẽ cấm ứng dụng video ngắn phổ biến của họ, được 170 triệu người Mỹ sử dụng.

Dự luật được Thượng viện Mỹ thông qua áp đảo vào thứ Ba, được thúc đẩy bởi lo ngại sâu rộng trong số các nhà lập pháp Mỹ rằng Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu của người Mỹ hoặc sử dụng ứng dụng này để giám sát.

Việc Biden ký kết đặt ra hạn chót bán vào ngày 19/01/2025 - một ngày trước khi nhiệm kỳ của ông sắp hết hạn - nhưng ông có thể kéo dài hạn chót thêm 3 tháng nếu thương vụ "bán mình" của ByteDance cho thấy tiến triển.

ByteDance không tiết lộ công khai hoạt động tài chính hoặc chi tiết tài chính của bất kỳ đơn vị nào thuộc sở hữu của họ. Công ty tiếp tục kiếm được phần lớn lợi nhuận ở Trung Quốc, chủ yếu từ các ứng dụng khác của họ như Douyin, phiên bản Trung Quốc của TikTok. Một nguồn tin riêng có biết tin trực tiếp cho biết, Mỹ chiếm khoảng 25% tổng doanh thu của TikTok vào năm ngoái.

Nguồn tin của Reuters cho biết TikTok chia sẻ cùng một thuật toán cốt lõi với các ứng dụng nội địa của ByteDance như nền tảng video ngắn Douyin. Thuật toán của họ được coi là tốt hơn các đối thủ của ByteDance như Tencent và Xiaohongshu.

Việc thoái vốn khỏi TikTok cùng với thuật toán của họ là điều không thể vì giấy phép sở hữu trí tuệ của chúng được đăng ký theo tên ByteDance ở Trung Quốc và do đó khó có thể tách rời khỏi công ty mẹ.

Hơn nữa, việc tách rời thuật toán khỏi tài sản của TikTok ở Mỹ sẽ là một thủ tục cực kỳ phức tạp và ByteDance không có khả năng xem xét lựa chọn đó, các nguồn tin nói thêm.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày