"Tiểu Thuyết Sát Nhân": Phim Hàn mang tham vọng châm biếm nhưng chưa đủ sâu cay

Minh Quân, Theo Trí Thức Trẻ 16:10 03/08/2018

Điện ảnh Hàn đang ở trong những năm giàu năng lượng và sức sáng tạo nhất nhưng có lẽ họ vẫn cần thêm một vài năm nữa để biến những ý tưởng như của True Fiction (Tiểu Thuyết Sát Nhân) trở thành một bộ phim hấp dẫn và nặng ký.

Bộ phim năm 2018 của đạo diễn Kim Jin Muk True Fiction (Tiểu Thuyết Sát Nhân) là một trong những tác phẩm đi theo trào lưu phản ánh và đả kích chính trị đang rất hot của điện ảnh Hàn hiện nay. Những bộ phim thuộc thể loại này đã phát triển ra thành nhiều chủ đề rất đa dạng, từ sự kiện đàn áp trong những năm 80 cho đến các scandal chính trị gần đây, từ hư cấu cho đến dựa trên sự kiện có thật, từ bom tấn kinh phí cao cho đến những phim kinh phí thấp như True Fiction.

Đây là thời điểm mà dòng phim chính trị Hàn Quốc trở nên dồi dào và phong phú nhất trong ngôn ngữ và cách thể hiện và True Fiction chính là một trong số những cái tên đem lại sự mới mẻ trong cách thể hiện đó, dù vẫn còn yếu kém về mặt kinh nghiệm.

Tiểu Thuyết Sát Nhân: Phim Hàn mang tham vọng châm biếm nhưng chưa đủ sâu cay - Ảnh 1.

Bộ phim xoay quanh buổi đi chơi của Kyeong Seok (Oh Man Seok), một chính trị gia trẻ tuổi đầy tham vọng. Dù tiến thân nhờ dựa vào vai vế của bố vợ nhưng Kyeong Seok vẫn ngoại tình với cô bạn cùng lớp của vợ mình ngày trước. Trong khi đôi tình nhân đang tìm chỗ để "vui vẻ" thì họ bị một gã ăn mặc bí ẩn tên là Soon Tae (Ji Hyun Woo) bắt gặp. Hai bên bắt chuyện và rủ nhau ăn thịt nướng trên bãi cỏ. Soon Tae tuy luôn tỏ ra thoải mái và dễ gần nhưng những câu chuyện mà cậu ta kể thì lại cực kỳ bất thường và mang màu sắc kỳ quái.

True Fiction đặc biệt ở chỗ nó chọn một khung thời gian rất hẹp để truyền tải thông điệp của mình. Từ lúc bắt đầu cho đến điểm kết thúc chỉ vỏn vẹn trong một đêm nhưng có đủ thứ từ ghê rợn đến hoang dại diễn ra. Ân oán, trả thù, biển thủ, giết người,... tất cả đều có đủ. Ban đầu, Kyeong Seok chỉ coi Soon Tae như một gã ngốc nhiều chuyện và tận hưởng việc giết thời gian bên cạnh nồi thịt chó. Tuy nhiên, càng lúc thái độ và những câu chuyện của Soon Tae càng mang thiên hướng khiêu khích và khiến Kyeong Seok phải nóng mặt. Lúc này, sự khác biệt giữa hai nhân vật chính dần lộ ra.

Tiểu Thuyết Sát Nhân: Phim Hàn mang tham vọng châm biếm nhưng chưa đủ sâu cay - Ảnh 2.

Soon Tae tưởng như là gã ngốc hoá ra lại là một người thâm hiểm. Kyeong Seok tưởng như là thâm hiểm nhưng rốt cuộc lại là gã ngốc. Soon Tae cao to, ăn mặc hầm hố nhưng hành động dựa vào trí óc, trong khi Kyeong Seok càng lúc càng lộ bản chất là một tay não ngắn, chỉ biết hành động dựa vào bản năng. Anh ta nhận ra rằng mình có làm gì đi nữa thì cũng không thể gạt cái nụ cười rất đểu cáng khỏi khuôn mặt của gã Soon Tae kia. Càng bất lực, Kyeong Seok càng muốn tìm đến bạo lực để làm biện pháp giải quyết.

Tiểu Thuyết Sát Nhân: Phim Hàn mang tham vọng châm biếm nhưng chưa đủ sâu cay - Ảnh 3.

Đó cũng là lúc những góc khuất trong đời sống chính trị và hoạt động bầu cử của giới chính khách thành phố bắt đầu bộc lộ ra. Chất châm biếm của True Fiction nằm ở cái tính hống hách, thích bắt nạt của Kyeong Seok. Biên kịch muốn đặt vấn đề bằng cách đưa anh ta vào một tình huống oái oăm, ép nhân vật phải bộc lộ ra tất cả những điểm xấu xí và lố bịch trong con người mình – một chính trị gia dốt nát, không có gì ngoài sĩ diện và chí tiến thủ mù quáng.

Tuy nhiên, điểm khó của kịch bản chính là làm sao để cốt truyện liền mạch và thông suốt từ đầu đến cuối mà vẫn hấp dẫn khán giả liên tục không ngừng dù chỉ một phút. Điều này thì True Fiction chưa đủ khả năng để làm được. Những câu chuyện phiếm cài cắm vào trong phim phần lớn mang cảm giác nông cạn và ít tính gợi. Phần mở đầu thì hơi vụng và vội vã, dẫn đến sự căng thẳng chưa được xây dựng đủ tốt để thuyết phục khán giả về mối đe doạ sắp xảy ra. Chất châm biếm được đưa ra khá rõ ràng nhưng chưa đủ sâu cay hoặc dí dỏm để làm người xem phải nhớ lâu.

Tiểu Thuyết Sát Nhân: Phim Hàn mang tham vọng châm biếm nhưng chưa đủ sâu cay - Ảnh 4.

Cách dẫn dắt nội dung bằng những câu chuyện nhỏ lẻ và phi tuyến tính có vẻ mang hơi hướng Tarantinoesque nhưng quả thực, True Fiction mới chỉ giống phim Quentin Tarantino theo kiểu trẻ con vẽ nguệch ngoạc giống tranh Picasso. Bộ phim giống như một bức phác thảo rời rạc hơn là một tác phẩm hoàn chỉnh, có cá tính và chiều sâu xứng tầm.

True Fiction cũng muốn tạo sự khác biệt bằng cách để cho các nhân vật đều không hoàn hảo và có vẻ hơi xấu tính, sân si quá mức. Điều này khiến người xem không hoàn toàn đứng về phe nào mà chỉ điềm nhiên quan sát những gì đang diễn ra trên quan điểm châm biếm của biên kịch. Thường thì những nhân vật tâm lý bất thường trên phim hoặc là quyến rũ một cách lạ kỳ, hoặc là điên loạn một cách không cần thiết. True Fiction đặt nhân vật của mình nằm giữa hai hướng đi đó.

Tiểu Thuyết Sát Nhân: Phim Hàn mang tham vọng châm biếm nhưng chưa đủ sâu cay - Ảnh 5.

Tuy nhiên, cách này đòi hỏi nhiều hơn ở cả kịch bản và diễn xuất. Nhân vật Soon Tae có vẻ được xây dựng như một gã bê tha hận đời nhưng khuôn mặt và biểu cảm đậm chất phim rom-com của diễn viên Ji Hyun Woo đã khiến cho bản chất nhân vật đã rối lại càng thêm rối. Diễn xuất của Oh Man Seok trong vai Kyeong Seok cũng mờ nhạt và không có gì đột phá, kể cả trong những phút bốc đồng nhất. Điểm đáng khen nhất của True Fiction có lẽ nằm ở sự mới mẻ trong phong cách mà bộ phim lựa chọn.

Trailer "True Fiction"

Điện ảnh Hàn đang ở trong những năm giàu năng lượng và sức sáng tạo nhất nhưng có lẽ họ vẫn cần thêm một vài năm nữa để biến những ý tưởng như của True Fiction trở thành một bộ phim hấp dẫn và nặng ký.