Trong túi chẳng còn bao nhiêu tiền nhưng vẫn thấy phấn khởi, khoan khoái, việc tưởng chừng phi lý này, có lẽ chỉ những người đã từng mắc nợ và trả nợ thành công, mới có thể hiểu được.
Đó cũng chính là cảm giác của Châu Giang (28 tuổi) ngay lúc này.
Châu Giang cho biết Tết năm nay, cô không sắm sửa được cho bản thân bất kỳ thứ gì mới: Không làm nail, không làm tóc, không váy vóc lụa là. Toàn bộ tiền lương tháng 1 và tiền thưởng Tết, cô đều dùng để biếu Tết bố mẹ, và trả nợ.
Hành trang về quê đón Tết của cô gái 28 tuổi này chỉ còn đúng 500k nhưng chưa bao giờ, cô lại thấy vui như lúc này.
“Mình chưa lập gia đình nên Tết cũng không có quá nhiều khoản phải chi, chủ yếu là tiền biếu Tết bố mẹ và tiền lì xì ông bà, các cháu trong gia đình. Năm nay, mình vẫn biếu bố mẹ mỗi người 5 triệu. Nhà mình ít họ hàng nên tiền lì xì cũng chỉ khoảng 2 triệu.
Lo được 2 khoản lớn nhất như mọi năm, đóng được tiền thuê nhà 2 tháng, trả xong hết nợ, mình chỉ còn đúng 500k trong tài khoản, nhưng chưa bao giờ thấy nhẹ lòng như vậy” - Châu Giang chia sẻ.
Cô tiết lộ tổng số nợ cần phải trả trước Tết là 92 triệu đồng, bao gồm nợ vay thấu chi, nợ thẻ tín dụng và một vài khoản nợ vay bạn bè. Để có thể trả hết số nợ này, Châu Giang đã phải “thắt lưng buộc bụng” suốt cả năm qua, cộng thêm 60 triệu tiền thưởng Tết nữa mới đủ.
So với nhiều người, Châu Giang cũng tự thừa nhận bản thân may mắn vì có công việc ổn định, lương thưởng chưa năm nào thiếu hay bị cắt giảm dù tình hình kinh tế khó khăn chung. Dẫu vậy, cũng phải đến 3 năm, cô mới có đủ động lực và đủ quyết tâm để một lần trả hết khoản nợ 92 triệu mà không tạo ra thêm khoản nợ nào mới.
Về phần nợ bạn bè, vì khoản vay không bị tính lãi, cộng thêm việc bạn chẳng bao giờ đòi, nên Châu Giang cũng có phần “chây ì”. Còn các khoản nợ thấu chi và nợ thẻ tín dụng, bản chất là những khoản vay có lãi, nhưng chỉ cần trả lãi đủ hàng tháng và tất toán đúng hạn, thì lại có thể “mở khoản vay mới” sau đó. Thế nên thành ra vòng lặp nợ nần cứ tái hồi gần 3 năm không dứt nổi.
“Trước đây có 1 khoảng thời gian mình thất nghiệp 3 tháng, cũng phải sống dựa vào thẻ tín dụng suốt. Sau đó, mình lại hùn tiền buôn hàng quần áo với bạn, nhưng cũng lỗ nhiều, nên mới thành ra nợ nần. Những năm trước, vì không nghiêm túc tiết kiệm tiền trả nợ, nên trả nợ xong là mình hết sạch tiền tiêu. Thế là lại phải mở khoản vay thấu chi mới, hoặc tiêu lẹm vào khoản nợ vừa trả thẻ tín dụng. Cứ như vậy nên thành ra nợ nần không dứt suốt 3 năm” - Châu Giang thừa nhận.
Dự định kết hôn cùng bạn trai chính là một trong những động lực lớn nhất để Châu Giang quyết tâm chấm dứt vòng lặp nợ nần. Hiện tại, cô và bạn trai đã làm lễ dạm ngõ và sẽ tổ chức lễ cưới vào tháng 10/2025.
Trước khi quyết định về chung 1 nhà, Châu Giang cũng mất 1 khoảng thời gian không ngắn để thành thật với chồng tương lai về tình hình tài chính của bản thân.
“Anh cũng khá shock khi biết mình có nợ, vì lúc còn hẹn hò, thì mình không có vẻ gì là khó khăn cả, ngoài khoảng thời gian 3 tháng thất nghiệp trước đây. Nhưng anh cũng thông cảm và động viên mình cố tiết kiệm tiền để trả nợ, còn cùng mình lên kế hoạch phân bổ chi tiêu, để tiết kiệm được 40 triệu trong năm 2024, cộng thêm lương thưởng Tết thì đủ trả nợ. Nếu không có sự đồng hành của chồng tương lai thì có khi nợ vẫn cứ nối nợ thôi. Mình cũng thấy thanh thản và tin tưởng anh hơn sau chuyện này” - Châu Giang bộc bạch.
Cô cho biết bản thân không kỳ vọng việc chồng tương lai phải hỗ trợ mình trả nợ, vì đó hoàn toàn là khoản nợ do cô tự gây ra khi 2 người chưa kết hôn. Cặp đôi này có vẻ khá rạch ròi trong vấn đề tài chính.
Hiện tại, sau khi đã trả hết được các khoản nợ và không tạo ra thêm khoản nợ nào mới, Châu Giang cho biết cô và chồng tương lai sẽ bắt đầu dọn vào sống chung ngay sau Tết, và cùng nhau lý chi tiêu, tiết kiệm vì mục tiêu mua nhà trong tương lai.
Tình hình tài chính cũng như dự định chi tiêu, tiết kiệm của cặp “vợ chồng son” này trong 1 tháng có thể tóm tắt như sau:
- Tổng thu nhập: 32 triệu
- Tiền thuê nhà: 5,5 triệu
- Ăn uống: 5 triệu
- Sắm sửa đồ dùng gia đình (bao gồm tất cả các khoản chi phục vụ cuộc sống chung): 2 triệu
- Chi tiêu cá nhân (xăng xe, gặp gỡ, giao lưu bạn bè, phát sinh,...): 1,5 triệu/người
- Dự phòng: 3 triệu
- Tiết kiệm: 13,5 triệu
“Chúng mình thống nhất quy tiền về 1 mối, và 2 tháng đầu tiên sẽ chi tiêu, tiết kiệm như vậy để xem tình hình thực tế thế nào thì sẽ bàn bạc, thay đổi. Nói chung cả 2 đứa đều không có nhiều kinh nghiệm quản lý chi tiêu hay tài chính cá nhân, nên quan trọng nhất là cùng nhau thực hành, cùng nhau bàn bạc” - Châu Giang chia sẻ.