Cuối tuần vừa trước, tôi nhận được cuộc điện thoại của một người bạn cũ từ thời trung học. Cậu ấy nhờ tôi mang giúp vài giỏ quà Tết về cho gia đình. Trong lúc trò chuyện, tôi mới biết Tết năm nay, chỉ có vợ con cậu về quê đón Tết. Mà cũng phải tới sáng mùng 1, vợ con cậu mới bắt chuyến xe về quê, mới chính thức nghỉ Tết.
Cả 2 vợ chồng cậu đều là nhân viên thời vụ trong siêu thị ở thành phố Thẩm Quyến. Đó là một trong những nơi không bao giờ đóng cửa. Và vợ chồng cậu cũng là một trong số ít những người chủ động đăng ký làm xuyên Tết, vì lương dịp này thường được nhân gấp đôi, gấp ba.
Vợ cậu đăng ký làm hết 30 Tết, rồi sẽ cùng con về quê vào sáng mùng 1. Còn cậu thì ở lại, làm từ năm cũ sang năm mới, không nghỉ.
Cậu nói với tôi vé tàu về quê cho 4 người quả thực là một gánh nặng, chưa kể các khoản chi khác dịp Tết. Năm nay kinh tế khó khăn, nên vợ chồng cậu đành phải “mỗi người một nơi” vào dịp mà ai ai cũng hối hả về quê, đoàn tụ cùng gia đình.
Cách đây 3 năm, tôi cũng từng trải qua hoàn cảnh tương tự như cậu bạn này. Việc kinh doanh không thuận lợi, sau khi trả lương cho nhân viên, tôi quả thực không còn đủ tiền để đặt vé máy bay về nhà, chứ không nói tới chuyện biếu được tiền sắm Tết cho bố mẹ. Năm đó, tôi chấp nhận mình đã thất bại, đóng cửa quán ăn, xin 1 công việc thời vụ để kiếm tiền ăn sau khi đã gửi toàn bộ số tiền ít ỏi còn lại trong tài khoản cho mẹ.
Đó là lúc tôi thấm thía hơn bao giờ hết: Với người trưởng thành, đường về nhà ăn Tết được tính bằng nhiều tháng lương, không có tiền đồng nghĩa với không có Tết. Năm đó, tôi chấp nhận lủi thủi 1 mình ở thành phố, dù biết gia đình đang mong ngóng, nhưng tình cảnh rỗng túi như một tảng đá chặn lối về. Cậu bạn của tôi có lẽ cũng vậy, và hẳn không ít người cũng thế.
Chúng ta có thể trở thành một người thực dụng nếu cứ luôn nói đến tiền, quanh năm suốt tháng chỉ đau đáu với việc kiếm tiền. Nhưng cũng thật khó để gạt suy nghĩ ấy ra khỏi tâm trí, nhất là với những người đã từng không thể về quê đón Tết chỉ vì không có tiền như tôi, hoặc như bạn tôi.
Chắc chắn nếu được lựa chọn, không ai trong chúng ta muốn bản thân rơi vào tình cảnh ấy. Nhưng nghĩ theo hướng tích cực hơn, một năm không thể về quê đón Tết cùng gia đình đã khiến tôi thay đổi hoàn toàn.
Trước đó, tôi luôn nghĩ “làm gì cũng phải hết sức, phải tới bến”. Còn bây giờ, dù có làm gì, tôi cũng chuẩn bị trước cho mình 1 đường lui. Quả thực, không có tiền, chúng ta không thể làm gì được, hoặc là không thể tự tin để làm gì cho được.
Một người con 30 tuổi đầu, làm sao dám về quê ăn Tết với bố mẹ khi không mua nổi 1 giỏ quà, vì tiền trong túi đã dùng để mua vé tàu, vé máy bay mất rồi?
Người khác có thể nghĩ tôi thực dụng, nhưng quả thực, đường về nhà ăn Tết chính là nhiều tháng lương, là sự nỗ lực không ngừng nghỉ suốt 365 ngày để đổi lấy 1 tấm vé khứ hồi, để có được sự tự tin và háo hức sum vầy, đoàn tụ. Có tiền trong túi, nhà cách xa cả vạn km cũng hóa thành gần. Không có gì trong tay, khoảng cách vài chục km cũng thành xa xôi.
Sau một năm ngắm pháo hoa đêm giao thừa mà trào nước mắt vì nhớ nhà, vì cảm giác áy náy với bố mẹ, tôi nhận ra không riêng gì dịp Tết, mọi khoảnh khắc đáng giá, mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta, đều cần đến tiền.
Và cách duy nhất để có thể sống mà không hối hận, chính là không ngừng nỗ lực. Nỗ lực kiếm tiền, nỗ lực tiết kiệm, nỗ lực để bản thân luôn khỏe mạnh, nỗ lực để không vắng mặt trong những lần đoàn tụ,... Sự nỗ lực không ngừng nghỉ suốt 365 ngày, có thể vất vả, có thể không dễ dàng nhưng xứng đáng để chúng ta đánh đổi.
Nếu giờ này, bạn đang ở nhà, phụ cha mẹ nấu cơm, dọn nhà, tôi thực lòng chúc mừng bạn. Đó là thành quả hữu hình nhất cho 365 ngày không ngừng nỗ lực.
Nếu giờ này, bạn vẫn còn đang làm việc, và năm nay không thể về quê đón Tết dù vì bất cứ lý do gì, tôi chúc bạn có đủ sự kiên tâm và có đủ mạnh mẽ để nhớ lấy cảm giác có phần cô đơn, tủi hờn khi một mình đón giao thừa. Đó là bài học giúp tôi trưởng thành, và tôi tin nó cũng giúp bạn trưởng thành. Một năm xa nhà, để những năm về sau, năm nào cũng về nhà sớm đón Tết!