Sau bữa tiệc tân gia nhà bạn thân, cặp vợ chồng Hà Nội này đã đi đến quyết định mua nhà. Nhưng điều mà cô vợ thổ lộ với chồng mới khiến anh hoảng hốt.
Trong bài đăng của mình, anh chồng này cho biết: "Mình và vợ năm nay 28 tuổi, cưới nhau đã hơn 5 năm. 2 đứa đều có công việc và mức thu nhập bình thường ở Hà Nội, mình lương 23,5 triệu, vợ mình lương 18 triệu. Vợ mình còn kinh doanh online, thu nhập thêm được khoảng 10 triệu/tháng.
Mình phải thừa mình "con nhà lính, tính nhà quan", thích sống hưởng thụ, đi du lịch, ăn hàng,... Ở nhà thuê nhưng phải thuê chung cư xịn, 1 tháng tiền thuê hết 15 triệu. Nói vậy để mọi người hiểu mình không phải người biết tiết kiệm, có tiền là tiêu hết sạch.
Vợ mình biết tính mình thế, khuyên bảo không được thì cũng đành kệ. Mình lo tiền nhà, còn vợ mình lo các khoản khác (ăn uống, y tế, mua sắm, ...).
Gần 2 năm trước, mình thấy bạn bè rục rịch mua nhà, lương các bạn cũng chỉ sêm sêm lương mình mà đã mua được nhà, còn vợ chồng mình vẫn ở thuê, cũng thấy hổ thẹn. Thế là từ đó mình quyết tâm trích 5 triệu/tháng để tiết kiệm mua nhà. Mình chờ bao giờ có khoảng 100 triệu thì mới nói với vợ.
Đến khoảng hơn 6 tháng sau đó, (tức là 1 năm trước), mình và vợ đi ăn tân gia 1 người bạn về, vợ mới kể là em đã tiết kiệm được hơn 700 triệu rồi. Mình đứng hình luôn vì không thể tin được rằng vợ tiết kiệm hết gần tháng lương suốt mấy năm vừa qua. Mình tiết kiệm 5 triệu/tháng đã thấy khó lắm rồi.
Cuối năm 2024 vừa rồi, bọn mình đã chuyển vào nhà mới, căn nhà trong mơ của 2 đứa. Chủ yếu là tiền vợ tiết kiệm, mình có 1 chút, bố mẹ 2 bên 1 chút nữa, còn lại là vay ngân hàng, mỗi tháng cả gốc lẫn lãi cũng chỉ ngang tiền đi thuê.
Đúng là đằng sau 1 ngôi nhà trong mơ là bóng dáng của người phụ nữ".
Nghe xong tâm sự của anh chồng này, nhiều người phải thốt lên "chị nhà quá đỉnh". 2 vợ chồng cưới nhau được 5 năm mà tiết kiệm được 700 triệu, tính ra trung bình, chị tiết kiệm được 140 triệu/năm, tương đương khoảng 11,6 triệu đồng/tháng với mức thu nhập khoảng 28 triệu từ lương và tiền kinh doanh online.
"Bác nên yêu thương trân trọng vợ hơn nữa và bớt thói chi tiêu phung phí lại bác ạ. Chị vun vén tiết kiệm để 2 vợ chồng mua nhà như thế, không phải ai cũng làm được đâu. Em là con gái, cũng có chồng rồi nhưng tiền tiết kiệm của riêng em là em không bao giờ nói cho chồng biết, cũng phải chừa đường lui cho chính mình. Tài sản chung thì cùng nhau cố gắng mua. Chị tiết kiệm được 700 triệu mà chị nói với anh, chứng tỏ là chị cũng tin tưởng anh lắm đấy" - Một cô gái chia sẻ.
"Ai nói mình ích kỉ thì mình cũng chịu. Nhưng nếu mình là người vợ thì mình sẽ không vội tiết lộ ra là có 700 triệu đâu. Từ từ lên kế hoạch rồi bảo là 2 vợ chồng cùng cố gắng góp thêm, cho người chồng biết sớm thế không tốt. Rồi khi bạn ấy biết vợ mình giỏi tiết kiệm thì lại sinh ra cái tính ỷ lại, chuyện gì cũng đổ lên vai người vợ. Cái gì có 1 cách dễ dàng thì lại không biết trân trọng. Trong hôn nhân người hiểu chuyện thường là người thiệt thòi" - Một người khác nhận định.
"Lên mạng khoe vợ thấy cute ghê, giờ bác chỉ cần tem tém lại việc chi tiêu, hưởng thụ của bản thân để cùng vợ trả nợ vay mua nhà là ổn. Chứ con người ai mà không có điểm yếu, được cái này mất cái kia thôi, quan trọng là biết thay đổi, biết phấn đấu. Chúc mừng 2 vợ chồng" - Một người khuyên.
Nếu quyết định vay tiền mua nhà, bạn cần lưu tâm 3 vấn đề dưới đây, để phòng trường hợp mua nhà xong, áp lực trả nợ lại trở thành gánh nặng quá lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống.
1 - Phương án tính toán khoản vay mua nhà
Để khoản vay mua nhà không ảnh hưởng tới chi tiêu, sinh hoạt chung của bản thân hoặc gia đình, bạn có thể áp dụng quy tắc 28/36.
Quy tắc 28/36 có nguồn gốc từ các ngân hàng Mỹ, thường được dùng để xem xét các khoản vay thế chấp mua nhà không được chính phủ hậu thuẫn. Quy tắc này vừa giúp phía ngân hàng chọn lọc được khách vay có khả năng chi trả tốt, vừa giúp người đi vay mua nhà tự cân nhắc, đánh giá khả năng tài chính của bản thân, để việc vay tiền không vượt quá khả năng chi trả, gây ảnh hưởng tới cuộc sống.
Theo quy tắc 28/36: Bạn chỉ nên dành tối đa 28% tổng thu nhập hàng tháng của mình cho khoản vay mua nhà, và tối đa 36% thu nhập cho toàn bộ các khoản vay khác.
Ví dụ: Thu nhập hàng tháng của bạn là 38.000.000 đồng. Như vậy, trong 1 tháng:
- Số tiền tối đa mà bạn nên dành cho khoản vay mua nhà là: 38.000.000 x 28% = 10.640.000.
- Số tiền tối đa mà bạn nên dành cho tất cả các khoản nợ khác (bao gồm cả nợ vay mua nhà) là: 38.000.000 x 36% = 13.680.000.
Trong trường hợp, bạn không có khoản nợ nào khác ngoài nợ vay mua nhà, vậy thì có thể tăng tỷ lệ tiền vay mua nhà lên thành 36% thu nhập/tháng.
2 - Ưu tiên vay tiền người thân trước khi vay ngân hàng
Nếu bắt buộc phải vay tiền mua nhà, hãy ưu tiên vay người thân trước khi vay ngân hàng, vì thông thường, vay người thân sẽ không mất lãi; hoặc nếu lãi, khoản lãi có thể cũng sẽ "nhẹ nhàng" hơn nhiều lãi vay ngân hàng.
Vậy nên, cố gắng vay tiền người thân, đồng thời lên kế hoạch tiết kiệm để trả nợ cho họ, rồi xem còn thiếu bao nhiêu, hãy vay ngân hàng.
3 - Vay ngân hàng thời hạn dài
Khoản vay thời hạn càng lâu, số tiền lãi bạn phải trả sẽ càng nhiều. Tuy nhiên, với những khoản vay lớn như vay mua nhà, bạn vẫn nên vay với thời hạn 5, 10 hoặc 15 năm. Vì như vậy, số tiền phải trả ngân hàng mỗi tháng (bao gồm cả tiền gốc và tiền lãi) sẽ giảm. Nếu không may bị giảm thu nhập trong thời gian đang phải trả nợ vay nhà, gánh nặng và áp lực nợ nần, cũng sẽ nhẹ đi phần nào.