Thu Hằng (23 tuổi, Hà Nội) đang làm nhân viên truyền thông. Bên cạnh công việc văn phòng, cô còn nhận thêm job bên ngoài tuy nhiên nguồn thu nhập này không cố định.
Từ khi còn là sinh viên năm nhất, Thu Hằng đã chủ động tìm hiểu cơ hội và đi làm công việc đúng chuyên ngành học. Những công việc ban đầu của cô nàng cũng chỉ ở mức thực tập sinh hoặc cộng tác viên, nhận lương dưới 2 triệu đồng/tháng. Dù nhận thu nhập không cao nhưng Thu Hằng học được rất nhiều kinh nghiệm chuyên môn và kỹ năng từ công việc này.
“Bấy giờ, mình đi làm mà không quan tâm quá nhiều chuyện tiền lương. Mình chỉ đăng ký vào công ty lớn, đã có tên tuổi trong ngành mình làm. Nhờ đó, mình học hỏi được nhiều thứ từ sếp. Những kỹ năng và chuyên môn đó đều đã theo mình và giúp đỡ bản thân trên con đường thăng tiến sau này rất nhiều", cô kể.
Lên năm hai, Thu Hằng được trở thành nhân viên chính thức trong một công ty lớn - điều khiến cô tự hào về bản thân và bắt đầu trên con đường tự chủ tài chính.
“Từ khi vào Đại học, mình đã làm rất nhiều công việc. Năm nhất, mình tự đóng hết tiền đóng học, còn sinh hoạt phí vẫn nhận 1-2 triệu đồng/tháng từ bố mẹ. Sang năm hai, mình không cần xin tiền từ phụ huynh, bắt đầu cuộc sống tự lập ở Hà Nội.
Thời điểm bấy giờ, gia đình mình không quá khó khăn về kinh tế. Bố mẹ vẫn lo lắng được chuyện học tập và sinh hoạt của các con tại Hà Nội. Tuy nhiên, mình vẫn chăm chỉ làm việc để chứng minh cho bố mẹ thấy năng lực và cố gắng của con gái. Bởi trước đó, bố mẹ không ủng hộ mình theo đuổi con đường này", Thu Hằng tâm sự.
Ảnh minh hoạ
Sau khi trở thành nhân viên chính thức của một công ty, cô bạn nhận lương trung bình 20 triệu đồng/tháng. Hàng tháng, cô chi tiêu cho sinh hoạt phí 7-10 triệu đồng, số tiền còn lại Thu Hằng sẽ chuyển vào tài khoản ngân hàng khác để tiết kiệm tiền. Hai năm sau đó, cô nàng đã có 330 triệu đồng tiền tiết kiệm.
Nói về các khoản chi tiêu sinh hoạt hàng tháng, Thu Hằng cho biết: “Mình dành 1,8 triệu đồng đóng tiền thuê nhà (đã bao gồm tiền điện nước, chi phí vệ sinh). Mình ở trọ cùng 2 bạn khác, trong căn phòng 23m2 đã thuê từ năm nhất.
Ngoài ra, mình dành 1,5 triệu đồng mua đồ ăn để nấu ở nhà, 1 triệu đồng cho tiền xăng xe và nạp thẻ điện thoại, 2 triệu đồng cho tiền mua quần áo và mỹ phẩm. Còn lại là số tiền mình dành cho ăn uống bên ngoài, mua đồ dùng phục vụ học tập, đi du lịch hoặc mua món đồ yêu thích như máy tính xách tay, điện thoại… Cuối kỳ học, mình đóng thêm khoảng 7 triệu đồng tiền học phí".
Dù để dành được hơn 50% thu nhập mỗi tháng thế nhưng Thu Hằng nhận thấy bản thân vẫn chi tiêu thoải mái. Theo cô gái, sở dĩ bản thân có khoản tiết kiệm lớn sau 2 năm đi làm vì khối lượng công việc bấy giờ khá nặng nên Thu Hằng không có thời gian tiêu tiền. Tuy nhiên, một khi cô nàng đã quyết định chi tiền cho nhu cầu nào thì chính chủ thường không suy nghĩ quá nhiều, dẫn đến nhiều pha tiêu tiền phung phí.
Cô nàng kể lại: “Thời điểm bấy giờ, mình chi nhiều tiền cho việc mua máy tính và điện thoại mới, đi uống cafe bên ngoài mà không cần suy nghĩ. Có tháng, ngày nào mình cũng đến quán cafe làm việc. Hay có những tháng mình chi liền một lúc 7 triệu đồng cho việc đi du lịch mà không tính toán quá nhiều.
Suy nghĩ mua sắm để tự thưởng bản thân sau nhiều ngày làm việc dẫn đến việc mình có nhiều pha tiêu xài bốc đồng. Đơn cử, mình từng đăng ký khóa học MC giá 4 triệu đồng, tuy nhiên sau đó hối hận vì không thể thu xếp thời gian làm việc để đi học. Hay có rất nhiều lần mình chốt những món quần áo không thể mặc vừa trên các sàn thương mại điện tử…”
Ảnh minh hoạ
Sau thời gian dài làm việc tại công ty cũ, đến năm 4 Đại học, Thu Hằng đã quyết định nghỉ việc vì không theo kịp áp lực công việc.
Bấy giờ cô nàng nhận được mức lương cao, được coi là đáng mơ ước với nhiều người trẻ đã đi làm lâu năm. Tuy nhiên đánh đổi với chúng là biết bao áp lực công việc, sức khoẻ đi xuống, ít kết nối với bạn bè và người thân, đồng thời kết quả học tập trên trường bị ảnh hưởng. Cũng vì thế, Thu Hằng nghỉ việc để cô nàng có cơ hội được nghỉ ngơi và tìm kiếm công việc mới phù hợp hơn.
Sau thời gian dài gặp căng thẳng khi đi làm, Thu Hằng rút ra bài học: Không nên đánh đổi các mối quan hệ và sức khỏe để theo đuổi công việc. Bởi lẽ, đây không phải cách làm lâu dài và hiệu quả để đạt thăng tiến trong sự nghiệp. Từ khi nghỉ việc, Thu Hằng cũng giảm bớt các pha chi tiêu “vung tay quá trán" và ý thức việc dùng tiền hiệu quả hơn.
Đến thời điểm hiện tại, Thu Hằng đã bắt đầu đi làm lại, sau thời gian dài cho bản thân nghỉ ngơi và dành thời gian tập trung hoàn thành việc học của sinh viên cuối cấp. Còn riêng khoản tiền tiết kiệm hơn 300 triệu đồng, cô đang có 2 kế hoạch.
Thu Hằng kể: “Thứ nhất, mình tính dùng chúng để tham gia các hình thức đầu tư sinh lời. 2-4 năm sau, nếu có thể đi du học, mình sẽ dùng chúng để lo lắng các khoản chi phí sinh hoạt tại nước ngoài. Hoặc mình đang tính sẽ trích một phần tiền để mang đầu tư, phần còn lại để dành và góp thêm tiền lên đến 1 tỷ đồng rồi dùng chúng trả góp mua căn nhà đầu tiên".
Thu Hằng cũng chia sẻ một điều hối tiếc về cách quản lý tài chính. “Khi có hơn 300 triệu đồng tiền để dành, mình từng để chúng trong tài khoản ngân hàng điện tử thời gian dài. Giờ nghĩ lại mình vẫn thấy hối hận vì khi tiền để một chỗ thì chỉ mất giá. Lời khuyên của mình là bạn có thể gửi ngân hàng lấy lãi tiết kiệm hàng tháng, hoặc tìm hiểu thêm một vài hình thức đầu tư an toàn hơn nhé", cô gái bộc bạch.