Thương Trần (sinh năm 1997, nhân viên ngân hàng) đã chuyển về quê ở Nghệ An sau 7 năm học và làm việc tại Hà Nội. Khi vừa mới ra trường, cô bạn đã quyết ở Hà Nội để làm thử một thời gian xem có phù hợp hay không. Sau gần 3 năm, do công việc lúc đó có nhiều thay đổi cùng với chuyện tình cảm và gia đình cũng có sự tác động nên cô bạn đã quyết định về Nghệ An làm việc.
Về quê từ tháng 9/2022, Thương Trần chia sẻ thu nhập giảm 1 nửa so với lúc còn ở Hà Nội. Tuy nhiên, do mức sống ở quê thấp hơn cùng với việc bận rộn không có thời gian tiêu tiền vì phải thích nghi với cuộc sống và công việc mới, cô bạn cảm thấy “dễ thở” hơn về mặt tiền bạc khi ở quê. “Hơn thế nữa, về quê mình sống gần gũi với gia đình và bạn bè hơn. Công việc cũng có khả năng thăng tiến, thu nhập ít hơn nhưng tích lũy lại được nhiều hơn. Do vậy, mình thấy khá vui với cuộc sống hiện tại”.
Thương Trần
Còn đối với Bảo Anh (sinh năm 1998, nhân viên văn phòng), sau gần 2 năm làm việc ở Hà Nội, chi phí sống quá đắt đỏ với mức thu nhập chỉ vỏn vẹn 12 triệu đồng, gần như không tiết kiệm được đồng nào nên đã quyết định về quê làm việc. “Mình làm cho công ty khởi nghiệp, lộ trình thăng tiến không có, thu nhập cũng chẳng tăng bao nhiêu. Năm ngoái, mình có nộp đơn vào 1 doanh nghiệp ở quê rồi về đây sinh sống. Lương 7 triệu/tháng nhưng sống thoải mái hơn nhiều so với ở Hà Nội”.
Cũng giống như Thương Trần, từ ngày về quê Bảo Anh tiết kiệm được nhiều hơn. Cô bạn chia sẻ rằng về quê gần như được giải tỏa toàn bộ áp lực về tiền bạc. “Trên thành phố 12 triệu/tháng nhưng riêng tiền nhà đã 3 triệu/ tháng. Một bát bún bò Huế ở Hà Nội cũng 50 nghìn trong khi đó ở quê chỉ 30 nghìn, mức sống thấp hơn rất nhiều. Sống với bố mẹ nên không phải lo về chi phí ăn ở. Gần như có thể tiết kiệm đến 70% dù lương chỉ có 8 triệu/tháng”.
Bên cạnh đó, Thương Trần cho rằng đối với những người từ quê lên thành phố làm việc sinh sống sẽ có 2 kiểu. Một là gia đình có điều kiện, có nhà riêng để sinh sống. Hai là gia đình bình thường, đi làm với mục tiêu mua nhà, mua xe. “Như mình là ở trường hợp 2. Vì một phần mình tính ra ở Hà Nội với mức lương 30 triệu/tháng thì sẽ phải mất rất lâu mới có thể sở hữu 1 căn nhà. Do vậy, mình đã quyết định về quê. Những người sống mà không có mong muốn mua tài sản lớn hay những gánh nặng về chuyện kết hôn có thể sẽ thoải mái hơn”.
Trước đó, Tâm Thương có công việc văn phòng ổn định, sếp tốt, đồng nghiệp dễ mến ở TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, vì cảm thấy không còn phù hợp với nóng, ồn ào và khói bụi nơi này nên đã quyết định rẽ hướng. Bên cạnh đó, công việc freelance không gò bó về thời gian và địa điểm làm việc. Do vậy, cô bạn quyết định rời TP Hồ Chí Minh để đến một nơi với lối sống phù hợp hơn. Và Đà Lạt là lựa chọn của Tâm Thương.
Sau một thời gian sinh sống nơi đây, theo Tâm Thương, ưu điểm của Đà Lạt là môi trường sống tốt, khí hậu mát mẻ và dễ chịu. Cơ sở vật chất không quá hiện đại như những thành phố lớn nhưng vừa đủ đáp ứng mọi nhu cầu của cô bạn.
Tuy nhiên, chi phí sinh hoạt ở đây khá đắt đỏ đối với cô bạn. “Chi phí sinh hoạt với mình là khá cao. Mỗi tháng ở Đà Lạt, mình chi tiêu trung bình 10 triệu, cao hơn 2-3 triệu so với lúc mình còn ở TP Hồ Chí Minh. Hai chi phí đắt đỏ nhất là thuê phòng và ăn uống. Mình thường ăn ngoài 50%, tiền ăn mỗi tháng khoảng 5-6 triệu đồng. Mình ở chung với bạn, chi phí căn hộ mini 1 phòng ngủ ở trung tâm là 3 triệu/tháng/người. Không đắt so với TP Hồ Chí Minh nhưng khá cao so với mức thu nhập trung bình nơi đây”.
Bên cạnh đó, sau một thời gian sống ở Đà Lạt và trò chuyện với những người sống và làm việc ở đây, cô bạn thấy mức thu nhập bình quân của họ khá thấp, trong khi chi phí sống lại khá đắt đỏ. “Ví dụ như lĩnh vực marketing mình đang làm, chỉ một vài công ty tuyển dụng. Song, mức lương họ trả lại rất thấp, khoảng 7-9 triệu cho những ai đã có kinh nghiệm 1 năm. Cơ hội phát triển nghề nghiệp ở Đà Lạt cũng thấp. Bởi vì hầu hết các công ty đều là công ty nhỏ hoặc công ty gia đình, không có lộ trình thăng tiến cụ thể”.
Tâm Thương đã chuyển đến Đà Lạt sống 1,5 năm
Dù là bám trụ trên thành phố hay về quê, quyết định này cần cân nhắc kỹ càng bởi vì lựa chọn này có thể thay đổi toàn bộ tình hình tài chính của bạn. Các chuyên gia tài chính thường khuyên rằng mỗi người đều nên có quỹ khẩn cấp khoảng 6 tháng sinh hoạt phí để đề phòng những trường hợp bất ngờ chẳng hạn như ốm đau hay thất nghiệp.
Trên thực tế, đây cũng là khoản tiền bạn có thể sử dụng trong thời gian đầu bỏ phố về quê trong trường hợp chưa tìm được việc hay thu nhập giảm khá nhiều. Có thể bạn sẽ gặp một số khó khăn trong quá trình thích nghi với môi trường, lối sống mới do vậy vững vàng về khía cạnh tài chính sẽ giúp bạn an tâm hơn.
Bỏ phố về Đà Lạt để "chill" hơn hay về quê sống cùng bố mẹ, hãy chuẩn bị thật kỹ càng trên khía cạnh tài chính để không bị rơi những bài toán tài chính đau đầu.