Học cách chi tiêu từ bạn trẻ mới đi làm: Người tiết kiệm 100 triệu sau 2 năm, người chỉ xài 2 triệu/tháng

Vân Anh, Theo Phụ nữ số 19:13 26/10/2023
Chia sẻ

Từ khi mới ra trường, nhiều người trẻ có ý thức kiểm soát tài chính chặt chẽ, nhờ đó mua được tài sản lớn và dành dụm tiền tiết kiệm cho bản thân. Hai cô gái dưới đây là ví dụ.

Tiết kiệm 100 triệu đồng sau 2 năm đi làm

Thu Trà (24 tuổi, nhân viên truyền thông tại Hà Nội) chia sẻ đã có thói quen tiết kiệm từ thời Đại học. Tuy nhiên, do sống cùng gia đình và lịch học khá dày đặc, đến năm 3 cô bạn mới bắt đầu đi làm và có thể dành dụm nhiều hơn.

Vào khoảng thời gian đó, cô tiết kiệm được 1-2 triệu đồng/tháng, đủ để đi du lịch 1-2 lần/năm. Sau khi đi làm chính thức được 2 năm, cô đã có khoản dành dụm 80 - 100 triệu đồng, sau khi chi tiêu cho những món đầu tư lớn như mua điện thoại, máy tính di động....

"Do sống với bố mẹ, mình cũng đỡ phần nào chi phí chẳng hạn nhà cửa hay ăn uống. Có những tháng mình tiết kiệm được 50-70% lương thực nhận. Mình tiết kiệm từ khi bắt đầu có thu nhập. Dù là thu nhập nhiều hay ít, mình vẫn luôn cố gắng để ra 1 khoản vào quỹ tích trữ cá nhân", Thu Trà chia sẻ.

Học cách chi tiêu từ bạn trẻ mới đi làm: Người tiết kiệm 100 triệu sau 2 năm, người chỉ xài 2 triệu/tháng - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Theo cô bạn, để tiết kiệm tiền cần chú trọng 2 yếu tố là quản lý chi tiêu và phân chia thu nhập thành các phần khác nhau. Sau khi có công việc ổn định toàn thời gian, cô thường dành 50% thu nhập vào quỹ tích trữ, tiêu 30% cho những nhu cầu hàng ngày như ăn uống, cà phê, hẹn hò.... Bên cạnh đó, cô chi 10% cho những món quà, tiền mừng các dịp quan trọng và 10% còn lại để mua sắm hoặc hưởng thụ các nhu cầu khác.

Thu Trà nói thêm đi làm khá áp lực và không muốn gặp căng thẳng về tài chính nên cô thường tự thưởng cho bản thân. Đó là lý do tại sao Thu Trà trích 10% thu nhập cho khoản mục này xem như tự thưởng để bản thân nỗ lực hơn.

Thu Trà cho biết thêm: "Đi làm thường sẽ đi tụ tập với đồng nghiệp như là 1 cách để gắn kết hơn. Song, không phải với lần rủ nào, mình cũng đi. Thông thường mình sẽ xem xét coi ngân sách dành ra cho đi ăn tháng đó còn bao nhiêu và mình còn có những chiếc hẹn quan trọng nào không. Từ đó, mình mới quyết định về tần suất đi ăn ngoài của bản thân".

Hiện nay nhiều người trẻ chấp nhận chi tiêu nhiều hơn cho trải nghiệm kể cả không có tiết kiệm. Với quan điểm tài chính này, Thu Trà cho rằng không sai và đây là quyền tự do của mọi người.

Cô bạn nói thêm: "Dù vậy, sau khi trải qua dịch Covid-19 và có những biến động trong kinh tế chẳng hạn bão giá, mình nghĩ nên ưu tiên có khoản tiết kiệm. Tính xa hơn, nếu bạn trải nghiệm xong rồi mà thành người trắng tay, khi gặp khó khăn những 'trải nghiệm' đó có giúp đỡ bạn trong những nhu cầu thiết yếu nhất hay không?".

Theo Thu Trà, các bạn trẻ dù có thu nhập chưa được cao, cũng nên có thói quen tiết kiệm dù chỉ là 10-20% thu nhập. Đồng thời, mọi người không nên quá quá áp lực với việc phải để dành được bao nhiêu tiền trong tài khoản so với bạn bè cùng lứa. Mà quan trọng hơn là bạn học được cách tiết kiệm và chi tiêu hợp lý.

Học cách chi tiêu từ bạn trẻ mới đi làm: Người tiết kiệm 100 triệu sau 2 năm, người chỉ xài 2 triệu/tháng - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Kiếm 12 triệu đồng nhưng thiết kiệm được 10 triệu đồng

Đó là câu chuyện của Mai Anh (24 tuổi, nhân viên văn phòng) đang sống tại Bắc Ninh. Được biết, cứ mỗi khi nhận lương đầu tháng, Mai Anh sẽ chuyển thẳng 10 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng khác hoặc gửi tiết kiệm online. Khoảng 2 triệu đồng còn lại là chi phí sinh hoạt cho cả tháng, được cô nàng phân bổ thành từng khoản nhỏ như sau:

- Tiền nhà: 1,1 triệu đồng

- Tiền ăn: 400 ngàn đồng (bao gồm 200 ngàn đồng tiền mua đồ ăn vặt và 200 ngàn đồng tiền ăn uống với bạn bè vào ngày chủ nhật). Mai Anh chia sẻ, cô nàng được công ty hỗ trợ tiền ăn 3 bữa sáng - trưa - tối (trừ ngày chủ nhật). Do đó, cô nàng hầu như không mất chi phí mua thực phẩm hàng ngày.

- Tiền xăng xe: 200 ngàn đồng. Mai Anh cho biết khoản tiền này không nhiều vì cô thuê trọ ngay gần công ty.

- Tiền mua đồ vệ sinh cá nhân, mỹ phẩm: 100 ngàn đồng.

- Tiền mua quần áo: 200 ngàn đồng.

Sau khi trừ các khoản chi tiêu, nếu còn dư đồng nào, Mai Anh sẽ dùng để phòng ngừa các chi phí phát sinh. Cô nàng nói bản thân đã duy trì kế hoạch tiết kiệm này được hơn nửa năm, bắt đầu ngay từ khi mới ra trường.

Học cách chi tiêu từ bạn trẻ mới đi làm: Người tiết kiệm 100 triệu sau 2 năm, người chỉ xài 2 triệu/tháng - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Trước ý kiến cho rằng người trẻ chỉ tiêu 2 triệu đồng/tháng là "khó sống", cô nàng nhận định: "Mình sống và làm việc ở Bắc Ninh nên chi phí khá rẻ. Mình nghĩ 2 triệu đồng sẽ khó với mức sống ở thành phố lớn như Hà Nội, càng khó hơn với người đi làm mà công ty không hỗ trợ tiền ăn.

Cá nhân mình đi làm được công ty cấp bữa ăn trong tuần nên có thể tiết kiệm được vậy, còn không thì cũng thấy khó. Với mức chi tiêu trên, mình không thấy áp lực và cũng chẳng stress gì. Mình vẫn mua quần áo hàng tháng, vẫn đi chơi, uống trà chanh, trà sữa và đáp ứng nhu cầu cá nhân cơ bản".

Nhớ lại từ thời sinh viên, Mai Anh đã tự chủ tài tài chính không cần xin tiền sinh hoạt phí từ cha mẹ nhờ công việc bán hàng. Bấy giờ, mức lương cô nhận được suốt thời sinh viên là khoảng 3-4 triệu đồng/tháng.

Vì thu nhập không cao, nên thời điểm bấy giờ, cô nhận lương bao nhiêu sẽ tiêu hết, không để được bao nhiêu tiền tiết kiệm. Thi thoảng, Mai Anh dành được khoảng 1-2 triệu đồng để mua quà tặng thành viên trong gia đình.

Dù có nguồn thu nhập hạn chế, song Mai Anh chưa từng gặp áp lực trong tiền nong. Bởi "nhận lương bao nhiêu thì thay đổi cách chi tiêu như thế" là nguyên tắc của Mai Anh. Cho đến khi ra trường, lần đầu tiên đi làm văn phòng và nhận lương 12 triệu đồng/tháng, cô nàng mới bắt đầu học cách tiết kiệm để đầu tư lâu dài cho tương lai.

Được biết, Mai Anh từng theo học một trường Đại học ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, cô chọn làm việc trong một công ty ở Bắc Ninh - vốn cũng không phải quê nhà của Mai Anh vì nhận được cơ hội làm việc tại đây.

Hiện tại, theo quan điểm của cô bạn, dù mức lương hạn chế nhưng Mai Anh không bao giờ nhận thêm tiền từ cha mẹ. Riêng với tiền tiết kiệm hàng tháng, cô bạn muốn dùng chúng để tự mua món đồ bản thân thích, đầu tư học ngoại ngữ và sau đó là kinh doanh riêng.

Mai Anh cho hay: "Mình đã mua được xe máy 40 triệu đồng. Tiếp theo, mình muốn dành 20 triệu đồng học tiếng Anh. Tương lai xa hơn, mình tính kinh doanh mặt hàng trẻ em, nhưng đây chỉ là định hướng. Vì bản thân mới đi làm được 4 tháng nên chưa có nhiều tiền tiết kiệm".

Nói về dự định sắp tới, Mai Anh nói muốn quay lại Hà Nội sinh sống và làm việc trong khoảng 2 năm tới. Bởi vì thủ đô sẽ có nhiều cơ hội và hình thức làm việc linh hoạt hơn. Còn thời điểm hiện tại, cô nàng vẫn đang tuân thủ các nguyên tắc kiểm soát tài sản và chăm chỉ làm việc để chuẩn bị tốt nhất cho tương lai.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày