Vốn dĩ, tôi không phải người tiêu hoang, nhưng cũng chưa bao giờ tiết kiệm được 1 số tiền cố định mỗi tháng. Thói quen tiết kiệm của tôi nhìn chung khá phập phù, dù biết rằng phải tiết kiệm trước, chi tiêu sau nhưng vì nhiều lý do cả chính đáng và không chính đáng, nên bấy lâu nay, tôi thường làm ngược lại: Cứ chi tiêu, còn bao nhiêu thì tiết kiệm chừng đó.
Cách đây 2 tháng, tôi bỗng nảy ra ý tưởng thử ép bản thân vào khuôn khổ bằng cách phủ nhận nhu cầu của bản thân. Nói cách khác, tôi khắt khe hơn với chính mình trong việc chi tiền.
Thật bất ngờ, tôi tiết kiệm được được 5000 NDT (khoảng 17,5 triệu đồng) chỉ trong 2 tháng. So với trước đây, có khi phải 3-4 tháng, tôi mới tiết kiệm được số tiền này. Nhờ ép bản thân vào khuôn khổ bằng cách thực hiện 3 điều dưới đây, tôi mới nhận ra việc hình thành và duy trì thói quen tiết kiệm cũng không quá khó như những gì tôi từng nghĩ.
1 - Tránh xa hàng giảm giá
Săn hàng giảm giá là cách tiết kiệm cũng khá hiệu quả, nhưng tôi dám chắc rằng điều này không đúng với những người nghiện mua sắm. Hàng giảm giá có thể thúc đẩy “cơn nghiện chốt đơn” của chúng ta diễn ra một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết, chúng ta cứ mua và mua mà không cân nhắc xem bản thân có thực sự cần những món đồ đó không.
Tránh xa hàng giảm giá trở thành bí quyết hạn chế chi tiêu bốc đồng của tôi vì lẽ đó. Trong 2 tháng qua, tôi cố gắng lướt qua thật nhanh mỗi khi thấy một bài đăng giảm giá, hay ngay cả khi đi siêu thị, tôi cũng chỉ chọn lấy đúng những thứ đã liệt kê trong danh sách cần mua. Hàng giảm giá, rẻ đến đâu mà không có tên trong danh sách, tôi cũng không cho chúng vào giỏ xách.
2 - Từ chối những cuộc hẹn hò không có mục đích rõ ràng
Trước đây, tôi cảm thấy việc ăn tối, đi cà phê gặp gỡ bạn bè, hay cùng nhau lượn lờ trong trung tâm thương mại là cách xả stress hiệu quả, và chính đáng. Nhưng sau khi nghĩ lại, tôi nhận ra tất cả những cuộc hẹn vì “chán quá”, “rảnh quá chẳng biết làm gì” đều kết thúc bằng những hóa đơn tiền triệu.
Cứ như vậy, tôi không thể nhớ được mình đã tốn bao nhiêu tiền cho những cuộc hẹn hò không có mục đích rõ ràng như vậy.
Thời buổi này, cứ ra đường là sẽ tốn tiền. Vậy nên trong 2 tháng qua, mỗi khi rảnh rỗi không biết làm gì, tôi quyết định sẽ tự dọn nhà, tỉa bớt lá úa cho đám cây ngoài ban công. Điều bất ngờ chính là sau vài lần như vậy, tôi bỗng thích thú với việc dọn dẹp nhà cửa. Tôi không những bớt được tiền ăn chơi, mua sắm mà còn tiết kiệm được cả tiền thuê dịch vụ dọn nhà theo giờ.
3 - Mặc lại đồ cũ
Gọi là đồ cũ nhưng thực ra, có khi đó còn là những món đồ còn nguyên tem mác. Vì thói quen mua sắm bốc đồng trước đây, tôi có rất nhiều quần áo, có khi phải mua gần 1 năm trời mà chưa mặc lần nào. Giày dép, túi xách cũng trong tình trạng tương tự, có món mới chỉ mang 1-2 lần.
Trong 2 tháng thử cắt giảm chi tiêu tối đa bằng cách không mua đồ mới, tránh xa các chương trình giảm giá, tôi buộc phải lôi những “món đồ cũ” ấy ra dùng, để thoát khỏi cảm giác “chẳng có gì để mặc”.
Và lại một lần nữa, tôi bất ngờ với chính mình. Dù không mua bất cứ món đồ mới nào trong 2 tháng, nhưng cũng trong 2 tháng ấy, tôi vẫn có đủ quần áo, phụ kiện để mỗi ngày đi làm mặc 1 bộ, không ngày nào trùng ngày nào.
Việc thực hiện 3 điều trên thực ra cũng không quá khó khăn đến mức tôi phải cảm thấy khó chịu. Tôi bắt đầu với suy nghĩ “thử xem sao”, và kết quả lại vô cùng mỹ mãn với tôi. Tôi thấy nhiều người khuyên rằng để tiết kiệm được, bạn phải nghiêm túc với bản thân, phải đặt mục tiêu từ ngắn hạn tới dài hạn nhưng sau 2 tháng vừa qua, tôi nhận ra việc đó không phải lúc nào cũng hiệu quả, với tất cả mọi người.
Đôi khi, việc bắt đầu với suy nghĩ “thử xem sao” lại có tác dụng hơn nhiều. Tôi nghĩ rằng mình đã thành công với thử nghiệm này chỉ đơn giản vì nó tạo động lực hơn là áp lực. Hóa ra tiết kiệm không khó, vấn đề khó nhất là tìm ra phương pháp tiết kiệm phù hợp cho bản thân mình. Để làm được điều đó, tôi nghĩ “thử nghiệm” là phương án tối ưu nhất!