Mỗi tháng tiêu gần 22 triệu, bức ảnh chụp màn hình phơi bày cái khó của biết bao cô gái

Ngọc Linh, Theo Phụ nữ mới 14:14 15/11/2024
Chia sẻ

Nhà 4 người, mỗi tháng tiêu hết gần 22 triệu là quá khéo rồi!

Với những bạn trẻ chưa lập gia đình, quản lý tài chính có thể chỉ đơn giản là câu chuyện bớt mua sắm linh tinh đi một chút, để có tiền dự phòng, để tiết kiệm cho những mục tiêu trong tương lai gần như đi học lên cao, mua xe máy, đổi điện thoại,...

Nhưng với những người đã kết hôn và đang nuôi con mà nói, quản lý tài chính lại là câu chuyện phức tạp hơn nhiều.

Chồng “khoán” cho 15 triệu mỗi tháng, tiêu hết gần 22 triệu nên bị nói là tiêu hoang

Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính, tâm sự của  một bà mẹ 2 con khiến đã nhận được sự đồng cảm của không ít người, đặc biệt là những người phụ nữ đã lập gia đình.

Chuyện có thể tóm tắt ngắn gọn như sau: Mỗi tháng, chồng chị đưa cho chị 15 triệu để chi tiêu. Gia đình 2 người lớn và 2 con đang tuổi ăn học, nên tổng chi 1 tháng hết gần 22 triệu và bởi thế, chồng nghĩ chị là người… tiêu hoang, còn gọi chị là “cái máy tiêu tiền”.

Mỗi tháng tiêu gần 22 triệu, bức ảnh chụp màn hình phơi bày cái khó của biết bao cô gái- Ảnh 1.

Nguyên văn chia sẻ của chị vợ

Mỗi tháng tiêu gần 22 triệu, bức ảnh chụp màn hình phơi bày cái khó của biết bao cô gái- Ảnh 2.

Chi tiêu của gia đình chị trong 1 tháng

Các khoản chi của gia đình có thể tóm tắt như sau:

- Tiền học và tiền sữa của 2 con: 8,6 triệu đồng

- Tiền ăn của cả nhà: 7 triệu đồng

- Tiền điện, nước, mạng, xăng xe, điện thoại: 3 triệu đồng

- Tiền mua sắm đồ dùng gia đình (nước giặt, sữa tắm, gia vị, giấy vệ sinh,...): 1 triệu đồng

- Tiền phát sinh, hiếu hỷ: 2 triệu đồng

Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người cảm thông với nỗi niềm hiện tại của chị vợ này, khi không được chồng tin tưởng và tôn trọng trong vấn đề quản lý chi tiêu. Phần lớn mọi người đều đồng tình rằng nhà 4 người, tiêu hết chừng đó tiền mỗi tháng cũng đã là khéo vun vén lắm rồi, không có gì quá hoang phí hay phải cắt giảm thêm nữa.

Và nếu để ý, không khó để nhận ra trong bảng liệt kê chi tiêu phía trên, không có khoản chi nào là dành riêng cho việc chăm sóc, làm đẹp bản thân của người vợ.

Mỗi tháng tiêu gần 22 triệu, bức ảnh chụp màn hình phơi bày cái khó của biết bao cô gái- Ảnh 3.

Nhiều người khen chị vợ đang chi tiêu quá khéo, quá tiết kiệm luôn rồi

Quản lý chi tiêu thế nào để vợ chồng không bất đồng quan điểm?

Trong câu chuyện của chị vợ phía trên, cảm giác tủi thân, ấm ức của chị đến từ việc chồng không tin tưởng, tôn trọng mình trong việc chi tiêu; chứ không hẳn là câu chuyện về việc phải cắt giảm chi tiêu thế nào cho phù hợp.

Có lẽ, đây cũng là nỗi lòng của không ít người làm vợ. Vậy phải làm sao để vợ chồng không còn bất đồng, không còn hoài nghi lẫn nhau để rồi sinh ra ấm ức, trong việc quản lý chi tiêu?

1 - Ghi chép lại hết các khoản chi, cuối tháng, cùng nhau xem lại

Người quản lý tài chính trong gia đình chỉ là người nắm giữ và cân đối dòng tiền, hoàn toàn không phải là người có thể tự đưa ra mọi quyết định chi tiêu từ lớn đến nhỏ, mà bỏ qua việc bàn luận với đối phương.

Tiền là của chung, dù ai giữ thì nó vẫn là của chung, nên chi cho việc gì, đối phương - người không giữ tiền, cũng có quyền được biết.

Mỗi tháng tiêu gần 22 triệu, bức ảnh chụp màn hình phơi bày cái khó của biết bao cô gái- Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Đương nhiên, việc rõ ràng trong chi tiêu gia đình cũng không cần khắc nghiệt đến mức mua chai mắm, hũ muối cũng phải thông báo với nửa kia, nhưng chí ít, cuối mỗi tháng, cũng nên cùng ngồi xuống, hạch toán xem tháng này, mình ăn uống, mua sắm, vui chơi,... hết bao nhiêu. Như vậy, người không “nắm tiền” sẽ không có cảm giác hoang mang, chẳng hiểu vợ tiêu cái gì mà tiền mình đưa không đủ; còn người “nắm tiền” cũng đường đường chính chính, chẳng sợ bị nghi ngờ, hay bị nói là tiêu hoang.

Chưa kể, việc ghi chép lại các khoản chi và cùng nhau xem xét lại vào cuối tháng cũng là cách thiết thực để cân đối, kiểm soát chi tiêu.

2 - Cùng nhau thử gánh vác trách nhiệm quản lý tài chính

“Tay hòm chìa khóa” không nên là trách nhiệm của riêng người vợ, hay người chồng, vì suy cho cùng, đây là trách nhiệm với gia đình nhỏ của mình. Thế nên, nếu bản thân mỗi người không tự tin với việc quản lý chi tiêu cho cả nhà, chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết khúc mắc này bằng 1 cách rất đơn giản: Mỗi người chịu trách nhiệm quản lý chi tiêu cho 1 vài nhu cầu thiết yếu.

Ví dụ như tiền ăn của con, và tiền ăn của cả nhà sẽ là vợ quản lý; tiền học của con, tiền phí dịch vụ (điện, nước, internet,...) sẽ do chồng chi. Còn các khoản chi tiêu chung khác như vui chơi, giải trí, phát sinh hiếu hỷ thì chia đôi.

Cái gì khó quá thì mình làm cùng nhau, đơn giản vậy thôi mà!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày