Căn nhà đơn sơ của gia đình cô Mubina đã bị dòng nước lũ cuốn trôi đi tất cả vào cuối tuần qua. Mọi thứ diễn ra quá nhanh, cô Mubina chỉ có thể mang theo 5 người con cùng giấy tờ cần thiết chạy trốn khỏi dòng nước lũ vô tình.
Chồng của cô, một kẻ nghiện ngập chỉ cứu được chính mình. Cô Mubina than thở: "Anh ta bỏ chạy thục mạng, thậm chí còn không quay đầu lại để xem chuyện gì xảy ra với mẹ con chúng tôi".
Hiện Mubina đang sống trong chiếc lều tạm bợ được dựng lên tại trường Cao đẳng Kỹ thuật Nowshera. Gia đình cô ở chung cùng với những người hàng xóm của mình. Họ là hai người phụ nữ đi cùng với các con.
Cô Mubina là một trong hàng triệu người Pakistan đang phải lao đao vì lũ lụt kỷ lục.
Những người phụ nữ Pakistan sống cùng nhau trong căn lều đơn sơ.
Trên đường cao tốc từ thủ đô Pakistan đến thành phố phía bắc Nowshera, dễ dàng nhìn thấy cảnh tượng đầy ám ảnh cho thấy thiệt hại nặng nề mà lũ lụt đã gây ra: Hàng chục túp lều tạm bợ được dựng bên lề được, người dân thậm chí còn phải dùng những chiếc áo mỏng manh để che chắn cho đàn gia súc của mình.
Và Nowshera chỉ là một trong những thành phố bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lũ lụt sau khi sông Kabul gần đó bị vỡ bờ. Chính quyền địa phương đã cố gắng sử dụng 25 học viện, trường đại học và ký túc xá sinh viên để làm nơi trú ẩn tạm thời cho các gia đình bị mất nhà cửa.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, hơn 5 triệu người dân Pakistan đang phải tranh nhau từng miếng ăn, thức uống nhận được từ viện trợ khẩn cấp. Trận lũ lụt lịch sử đã khiến gần 1/3 diện tích ở Pakistan chìm trong biển nước, cuốn trôi gần 300.000 ngôi nhà, hàng chục cây cầu và phá hủy nhiều tuyến đường.
Lũ lụt đã nhấn chìm nhiều ngôi nhà, gây ra vô số thiệt hại nặng nề.
Zar Aly Khan, một người làm trong chính quyền cho biết, tại trường Cao đẳng Kỹ thuật Nowshera, nơi mở cửa cho người dân đến trú ẩn tạm thời, đã có khoảng 500 gia đình đến đăng ký chỉ trong vòng 3 ngày đầu tiên.
Những ngôi lều mỏng manh được dựng lên giữa các tòa nhà và trên những bãi cỏ đầy rác. Trước khi dòng nước lũ đổ về, người dân đã nhận lệnh sơ tán. Họ cứu được mạng sống của mình nhưng chẳng thể cứu vãn ngôi nhà thân thuộc.
Một dòng người chen lấn xô đẩy, tranh nhau để được đăng ký một chỗ ở tạm thời. Khan và những tình nguyện viên phải cố thủ bên trong văn phòng, dùng một chiếc ghế chặn cửa ra vào. Cửa sổ đã bị đập vỡ một phần vì dòng người tuyệt vọng cố gắng đăng ký cho gia đình mình.
Khan cho biết những người đăng ký thành công sẽ được sử dụng nước sạch, phòng tắm và hai bữa ăn mỗi ngày tại nơi trú ẩn. Nhưng "cuộc chiến" này cũng lắm gian nan.
Mọi người chen lấn để xin đăng ký có một nơi trú ẩn tạm thời.
Đám đông vây quanh một chiếc xe jeep, nơi có một người đàn ông phát những túi ni lông đựng thức ăn còn nóng hổi. Mọi người liên tục đập vào thành xe để cố gắng thu hút sự chú ý của người phát thức ăn.
Một số khác tìm cách chạy thật nhanh để đuổi kịp chiếc xe, những người cao tuổi thì bị tụt lại phía sau. Một người phụ nữ đã lấy được một bao gạo nhưng lại bị một gã đàn ông giật lấy, chiếc túi bị xé toạc, những hạt gạo vương đầy trên bãi cỏ.
Người phụ nữ tên Zubaida Begum bày tỏ sự bất bình: "Tôi chỉ muốn đảm bảo phụ nữ và trẻ em gái có được thức ăn. Thật khó cho phụ nữ ở đây, cho những góa phụ và các em bé mồ côi".
Cô Zubaida Begum hiện đang đứng đầu một nhóm trợ giúp phụ nữ và trẻ em ở các trại trú ẩn tạm thời. Tại đất nước này, nhiều phụ nữ thậm chí không thể đọc hay viết. Họ thường bị đối xử không công bằng.
Trẻ em đang chơi trước căn lều được dựng tạm bên đường.
Mubina là một trong những cư dân mới trong căn lều trú ẩn tạm bợ. Cô không nhớ rõ số tuổi của mình và đang làm công việc dọn dẹp. Cô chia sẻ rằng con trai 10 tuổi đã phải làm việc trong xưởng mộc nội thất vì gia cảnh quá khó khăn.
Túp lều nơi cô cùng 5 con và gia đình hai người phụ nữ khác sinh sống chỉ là một tấm bạt được cột lên mỏng manh. Cuộc sống trước mắt của Mubina là một màn đêm đen kịt.
Cô không biết khi nào bản thân và các con sẽ được ăn một bữa đầy đủ và khi nào họ mới có thể sử dụng nhà vệ sinh. Mubina cho hay chỉ có duy nhất một nhà vệ sinh cho phụ nữ và đôi khi nó bị khóa vì những lý do không rõ ràng.
Leila, một người sống cùng mẹ con Mubina trong căn lều tạm cho biết lần cuối cùng gia đình cô phải chạy lũ là vào năm 2010. Khi đó, 1/4 đất nước bị ngập trong biển nước. Các nhóm cứu trợ đã tặng họ những đồ dùng thiết yếu và cả tiền mặt nữa. Nhưng lần này liệu họ có may mắn được như thế không?
"Không có tiền, chúng tôi không thể xây dựng lại. Chúng tôi chẳng có gì trong tay", Leila, một người phụ nữ có chồng là kẻ nghiện ngập nói.
Người dân Pakistan đang thiếu thốn trăm bề sau trận lũ lịch sử.
Không rõ khi nào việc xây dựng lại sẽ diễn ra. Liên Hợp Quốc và Pakistan đã đưa ra lời kêu cứu khẩn cấp để mong nhận được viện trợ, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu cho người dân như thực phẩm, đồ dùng vệ sinh hay chỗ ở.
Những người phụ nữ trong căn lều tạm đều làm nhà ở ven sông, họ nói rằng khi xây dựng lại chỗ ở, họ vẫn sẽ chọn chỗ cũ.
"Chúng tôi không đủ khả năng làm lại nhà ở chỗ khác. Đất bên sông rất rẻ chỉ vì nó dễ bị lũ lụt", cô Nazia Bibi, 35 tuổi, cho biết.
Những người phụ nữ này không dám nghĩ xa xôi bởi lẽ họ chẳng có gì để mà thực hiện những mơ ước viển vông. Họ không có xe hơi, thậm chí xe máy cũng không. Lần cuối họ được ăn thịt đó là vào dịp lễ truyền thống diễn ra hồi tháng 7 vừa qua.
Khi được hỏi đã từng đi máy bay hay chưa, cô Nazia phá lên cười: "Tôi chưa bao giờ đi máy bay. Tôi thậm chí chưa bao giờ nhìn thấy một sân bay!".
"Số phận của chúng tôi đã được viết sẵn. Có thể, ông trời ưu ái một số người ở thời điểm hiện tại nhưng sang thế giới bên kia, chúng ta lại được hưởng những điều khác tốt đẹp hơn", Nazia cho hay.
Một em bé sơ sinh đang nằm ngủ trong một chiếc lều đơn sơ, xung quanh em vẫn còn những vũng nước và bùn đất rất bẩn. Hajira Bibi, mẹ của em bé 10 ngày tuổi vẫn chưa được đặt tên, đang cố gắng dọn sạch lớp bùn sau trận lũ lụt kinh hoàng. Gia đình cô đang phải ở tạm trong một chiếc lều dựng ở ven đường khi nhà của họ bị nhấn chìm trong biển nước.
Người mẹ chia sẻ rằng: "Tôi phải đưa con gái ở tạm bên đường khi con bé mới 4 ngày tuổi. Con tôi còn quá nhỏ, cháu đang bị ốm sốt và mắt cũng bị đau nữa".
Bé gái sơ sinh đang nằm ngủ trong chiếc lều tạm, xung quanh là nước và bùn đất.
Cảnh tượng này cũng đang diễn ra trên khắp Pakistan khi trận lụt lịch sử ảnh hưởng đến 33 triệu người. UNICEF cho biết có 16 triệu trẻ em đang bị ảnh hưởng sau trận lũ lụt này.
Các quan chức y tế cảnh báo về sự bùng phát dịch bệnh quy mô lớn ở Pakistan, sau khi lũ lụt nghiêm trọng khiến hàng triệu người phải di dời. Số ca tiêu chảy và sốt rét gia tăng vì sau nhiều tháng mưa lớn đã khiến cho người dân bị mắc kẹt và không được tiếp cận với nguồn nước sạch.
Các gia đình hiện đang sống bên bờ kênh, sông tràn trong những túp lều xiêu vẹo bằng tre, nứa và nhựa. Họ hiện thiếu thốn những nhu yếu phẩm cơ bản hay các vật dụng vệ sinh cá nhân. Họ thậm chí còn phải uống nước lũ vì không còn lựa chọn nào khác.
Trong số hàng triệu người bị ảnh hưởng nặng nề, có ít nhất 650.000 phụ nữ mang thai và 73.000 người trong số đó dự kiến sẽ sinh trong tháng tới. Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cho biết nhiều phụ nữ mang thai ở Pakistan đang không được tiếp cận với các cơ sở y tế và sự hỗ trợ cần thiết để sinh con một cách an toàn.
Lũ lụt đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe ở Pakistan. Tại tỉnh Sindh, hơn 1.000 cơ sở y tế đã bị phá hủy hoàn toàn hoặc một phần. 198 cơ sở y tế khác đã bị hư hại ở tỉnh Balochistan. Việc đường sá và mạng lưới thông tin liên lạc bị hư hại trên diện rộng càng cản trở việc tiếp cận các trạm y tế và bệnh viện.
Các nhà chức trách Pakistan và các nhà tài trợ quốc tế đang được kêu gọi nên ưu tiên nhu cầu của phụ nữ mang thai để họ đảm bảo sức khỏe, được mẹ tròn con vuông.
Nguồn: NPR, Newindianexpress