Chỉ còn khoảng 1 tiếng đồng hồ nữa, New York, thành phố biểu tượng của nước Mỹ, sẽ bước sang năm mới 2021, nhưng Giao thừa năm nay sẽ rất khác. Đây sẽ là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, người dân nơi đây và khắp nơi trên thế giới không được chứng kiến hình ảnh Giao thừa với hàng nghìn người hân hoan lắng nghe tiếng nhạc, vui mừng ôm hôn lẫn nhau và cùng nhau đếm ngược trước thời khắc bước sang năm mới tại quảng trường Thời đại.
Quảng trường Thời đại vắng bóng người (Ảnh: AP)
Quảng trường Thời đại năm nay rất vắng vẻ, chỉ có một số vị khách đặc biệt, bao gồm các nhân viên y tế và những người từ tuyến đầu chống dịch, được mời tới để chứng kiến thời điểm quả cầu pha lê được thả xuống, gửi đi thông điệp tiễn một năm cũ với quá nhiều thử thách, khó khăn và đón mừng một năm mới tốt đẹp hơn.
Trong nhiều thập kỷ qua, hàng chục nghìn người đã tới quảng trường Thời đại vào đêm Giao thừa, nhiều người trong số họ là khách du lịch, để vui chơi, đứng hàng giờ trong giá lạnh chờ xem quả cầu pha lê lấp lánh lướt xuống cây cột gắn trên đỉnh tòa nhà chọc trời trong giây cuối cùng của năm cũ. Khi quả bóng chạm đáy, đám đông bùng nổ với những cái ôm, nụ hôn và sự cổ vũ nồng nhiệt.
Năm nay, Thị trưởng New York Bill de Blasio, lực lượng cảnh sát thành phố đã yêu cầu cư dân và những người ngoại tỉnh không đến quảng trường Thời đại và xem các lễ hội trên truyền hình. Một lượng lớn cảnh sát lớn sẽ phong tỏa khu vực này để ngăn chặn những người tụ tập trái phép, tránh tình trạng virus SARS-CoV-2 lây lan trong bối cảnh thành phố này đang phải vật lộn với dịch COVID-19.
Quả cầu pha lê tại quảng trường Thời đại (Ảnh: AP)
Tuy nhiên, do không nhận được thông báo hoặc vẫn quyết tâm đến quảng trường Thời đại, một số người đã tới đây với hy vọng có thể nhìn thấy quả cầu pha lê trước khi cảnh sát bắt đầu giải tỏa quảng trường và bất kỳ người nào cũng không được phép có mặt ở đây.
Cảnh sát New York sẽ chỉ cho phép khoảng vài chục người đến xem quả cầu pha lê trượt xuống tại "Ngã tư của thế giới" ở khu trung tâm Manhattan. Theo đó, các nhà tổ chức đã mời một nhân viên cửa hàng tạp hóa, một người gác cửa tòa nhà, một người giao bánh pizza và các bác sĩ và y tá, bao gồm Sandra Lindsay, y tá ở New York, người đầu tiên được tiêm vaccine COVID-19 ở Mỹ.
Ngay cả những khách mời ít ỏi này cũng sẽ phải đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt, duy trì khoảng cách để đảm bảo an toàn chống dịch. Họ sẽ tập trung trước một sân khấu được dựng ở quảng trường để thưởng thức buổi biểu diễn trực tiếp của ca sĩ Jennifer Lopez và Gloria Gaynor, người sẽ biểu diễn bài hát I Will Survive.
Hơn 25.000 người dân New York đã thiệt mạng bởi COVID-19 trong năm 2020. Vào mùa xuân 2020, trong những ngày đầu của đợt bùng phát dịch COVID-19 tại Mỹ, thành phố New York đã nổi lên như một điểm nóng dịch bệnh ở quốc gia này. Chưa bao giờ người dân New York lại cùng có chung một điều ước giản dị như hiện nay, đó là mong đại dịch COVID-19 qua nhanh để họ được tự do đi lại và trở về cuộc sống bình thường như trước đây.