Thùy Minh: "Tôi không ủng hộ chuyện đạo nhái, nhưng cái tôi phản đối là việc bài trừ đạo nhái một cách quá tiêu cực"

Lê Ái, Theo Trí Thức Trẻ 00:24 26/08/2017

Xung quanh vụ lùm xùm nghi vấn "đạo nhái" của Maxk Nguyễn, Thùy Minh khẳng định không hề cổ xúy cho việc đạo nhái khi tuyên bố như vậy, nhưng cô lên án việc bài trừ đạo nhái một cách quá tiêu cực. Nhà nhà bóc phốt, người người bóc phốt.

Giữa lúc câu chuyện Maxk Nguyễn cha đẻ "Vịt lộn vịt dữa cút lộn" và dự án "Sài Gòn 3 mét vuông" - khác vướng nghi án "đạo nhái", thì MC nổi tiếng Thùy Minh - Giám đốc sáng tạo của một công ty truyền thông và là Founder của Monday Morning (đơn vị sản xuất chương trình Những kẻ lắm lời) - bất ngờ đăng một dòng trạng thái trên Facebook cá nhân có nội dung như sau:

"Xin phép mượn hình Thảo Trang một xíu nhe.

Đây là miêu tả rõ nhất về chuyện "bóc phốt" về thiết kế hôm nay mình nghe được. Những kẻ háo thắng và ghen tị sẽ lao vào đi tìm sự giống và khác nhau. Với mình, quan điểm "đạo nhái" không còn giá trị gì quá nhiều trong thời điểm nội dung sáng tạo được sản xuất khủng khiếp như hiện nay và có thể tìm kiếm trên một nền tảng duy nhất là Internet. Việc giống nhau sẽ diễn ra hàng ngày, hàng giây và vì thế News Curation trở thành xu hướng mới nhất trong việc làm nội dung.

Bức ảnh của Gisele cho con bú khi được đăng lên cách đây vài năm đã rung chuyển cộng đồng vì vẻ đẹp của nó. Chẳng lẽ Thảo Trang bắt chước cho con bú theo?".

Thùy Minh: Đạo nhái là một từ phù phiếm, chúng chỉ dành để chỉ những ai không có tài năng! - Ảnh 1.

Thùy Minh đăng tấm ảnh cho thấy sự tương đồng của Gisele và nữ ca sĩ Thảo Trang với hàm ý nhấn mạnh: Ý tưởng lớn gặp nhau là chuyện bình thường trong cuộc sống hiện nay!

Mượn bức tranh vui này để nói về câu chuyện bị tố "đạo nhái" của Maxk Nguyễn, Thùy Minh đã có những góc nhìn mới khi nói về những người trong ngành thiết kế và sáng tạo hiện nay.

Thùy Minh: Đạo nhái là một từ phù phiếm, chúng chỉ dành để chỉ những ai không có tài năng! - Ảnh 2.

Thùy Minh từng là một VJ có góc nhìn sắc sảo được nhiều người biết đến.

Chào chị Thùy Minh,

Vì sao chị lựa chọn hai bức ảnh về siêu mẫu Gisele và nữ ca sĩ Thảo Trang khi họ đang cho con bú để đề cập đến vấn đề "đạo nhái" trong thiết kế?

Với tôi, các tác phẩm nổi tiếng hay không, đều đến từ cảm hứng cá nhân của nghệ sĩ. Vì thế, hãy soi đến điểm mấu chốt này: tại sao anh ấy lại tung ra tác phẩm ở thời điểm này. Và tại sao nó lại được yêu thích ở thời điểm này?

Nếu chỉ cố tình soi 1 tác phẩm nào đó đã giống với những tác phẩm trước đó như thế nào, thì bạn đã quên đi mục đích "thời điểm" của tác phẩm được đưa ra, đặc biệt trong thời đại "share" này.

Tôi đưa ảnh 2 người phụ nữ cho con bú trong lúc làm việc, để thấy mục đích của hành động này cực kỳ đẹp, và đều xuất phát từ tính "thời điểm". Chúng nhìn thì là một hành động giống nhau, nhưng chắc chắn cảm xúc nó mang lại cho mỗi người là khác nhau và không thể nói một người làm sau đang bắt chước người làm trước.

Thùy Minh: Đạo nhái là một từ phù phiếm, chúng chỉ dành để chỉ những ai không có tài năng! - Ảnh 3.

Thùy Minh cảm thấy thú vị vì giới thiết kế Việt cũng drama không kém showbiz là mấy.

Nhiều người cho rằng việc chị ghép ảnh Gisele và nữ ca sĩ Thảo Trang vào với nhau đó là một sự so sánh khập khiễng, chị nghĩ sao?

Nhiều người thậm chí còn nói tôi chẳng hiểu biết gì về thiết kế nhưng tôi có quan điểm của mình và tôi quyết định nói ra quan điểm đó - nó cũng mang tính "thời điểm".

Nói về một vấn đề gây tranh cãi lại đưa ra một nội dung tranh cãi khác, chị có sợ mình trở thành tâm điểm mới của sự chú ý?

Tôi không quan tâm lắm đến điều này.

Khi theo dõi câu chuyện Maxk Nguyễn bị tố đạo nhái ý tưởng thiết kế những ngày qua, quan điểm của chị về việc này ra sao?

Tôi nhìn thấy một cuộc chiến về quan điểm như mọi cuộc chiến khác hàng ngày trên. Khá thú vị khi giới thiết kế Việt cũng drama không kém showbiz là mấy.

Tôi cũng rất bất ngờ là những cuộc chiến này được khơi dậy bởi rất nhiều người có thâm niên nghề nghiệp. Tuy nhiên, nó là cần thiết, vì cuộc chơi sáng tạo càng nhiều lửa thì càng tạo ra nhiều tác phẩm tốt cho một nghệ sĩ có bản lĩnh.

Chị nói rằng câu chuyện của Maxk gần giống với chuyện ca sĩ Tùng Dương và Bolero, chị có thể phân tích sự giống nhau của nó?

Tôi thấy giống bởi vì 2 ca sĩ ở hai dòng nhạc hoàn toàn khác nhau lại đi chê bai lẫn nhau. Trong trường hợp này là những nghệ sĩ chuyên sáng tác bằng "Illustration" (nghệ thuật minh họa) và vẽ, nhưng lại đi tranh cãi với những tác phẩm ở phong cách "News Curation" (dùng hình ảnh có sẵn để tạo ra một tác phẩm mới).

Trong thiết kế cũng như trong âm nhạc, có nhiều thể loại khác nhau. Một người chuyên thiết kế logo có thể không làm giỏi dàn trang tạp chí, cũng như một người chuyên thiết kế nhà cửa chưa chắc đã làm được nội thất.

Chị hiểu thế nào về "News Curation"?

News Curation tức là bạn dùng những công cụ có sẵn để tạo ra một tác phẩm mới mang hơi thở thời đại. Tôi ví dụ như nói về chuyện Ariana vừa huỷ diễn ở Việt Nam, một ứng dụng xem phim sẽ gửi ngay thông báo đến người đọc với nội dung: Thôi không đi xem Ariana thì hãy đi xem những phim mới này… Hay hôm qua đội tuyển bóng đã nữ Việt Nam đoạt HCV, một sản phẩm dành cho phụ nữ nào đó chỉ cần tuyên bố: Chúng tôi, Diana xin được chúc mừng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, là sẽ gây được sự quan tâm của dư luận.

Quay lại việc thiết kế, tôi nghĩ việc sử dụng stock (hình có sẵn trên mạng) để tạo ra những tác phẩm mang tính thời đại nên được công nhận như một trào lưu. Tất nhiên điểm yếu của những tác phẩm kiểu này là khi thời gian qua đi, có thể người xem sẽ mất đi sự kết nối với tác phẩm vì họ không còn nhớ sự kiện mà tác phẩm nói đến là gì nữa.

Thùy Minh: Đạo nhái là một từ phù phiếm, chúng chỉ dành để chỉ những ai không có tài năng! - Ảnh 4.

Thùy Minh nghĩ chúng ta không cần bảo vệ Maxk, tự cậu ấy phải trở thành người nghệ sĩ mạnh mẽ

"News Curation" có gì khác so với những hình thức thiết kế cũ?

Bản thân khán giả, người xem đã là những kho lưu trữ dữ liệu khổng lồ, với mức độ theo dõi các kênh mạng xã hội nhiều như hiện nay. Trước thời đại số, để kể một câu chuyện, bạn phải kể từ câu "Ngày xửa ngày xưa…", còn bây giờ, bạn chỉ cần nói: "Nó gần giống với chuyện Cổ tích tấm cám nhưng…". Tôi nghĩ những người làm nghệ thuật và sáng tạo ở thời đại này nên đầu tư vào việc tạo ra kết nối với người xem.

Chị nói "đạo nhái" không còn giá trị gì quá nhiều trong thời điểm nội dung sáng tạo được sản xuất quá nhanh và có thể tìm kiếm trên Internet. Vậy chị đang cổ xúy cho "đạo nhái" chăng?

Tôi xin khẳng định lại, tôi không ủng hộ chuyện đạo nhái. Nhưng cái tôi phản đối ở đây là việc bài trừ đạo nhái một cách quá tiêu cực. Nhà nhà bóc phốt, người người bóc phốt. Bạn có thể chê nó hay hay dở, còn buộc ai đó đi sao chép là quá nặng. Bạn có tự tin ý tưởng gì mình nghĩ ra, cũng là nguyên bản và không có ai từng làm nó trước rồi hay không? Tại sao phải dành năng lượng để "tránh" không làm, thay vì hãy lao vào làm thật nhiều tác phẩm mới khác nhau. Phần còn lại hãy để khán giả của bạn tự trả lời.

Tôi thích sự nguyên bản và tôn trọng khả năng sáng tạo. Nhưng tôi không biết điều gì đang thực sự diễn ra: cộng đồng đang lên án bản quyền để một nền nghệ thuật nước nhà trong sạch, hay đang tìm mọi cách để đạp đổ một cái tên mới nổi hơn?

Thùy Minh: Đạo nhái là một từ phù phiếm, chúng chỉ dành để chỉ những ai không có tài năng! - Ảnh 5.

Thùy Minh thấy tiếc thời gian cho những bạn trẻ ngồi soi mói và công kích công việc của người khác.

Khi đứng trước một tác phẩm sáng tạo, đâu mới là điều chị quan tâm?

Với tôi, sự liên kết với người xem mới là điểm mấu chốt mang nghệ sĩ đến với công chúng. Có rất nhiều tác phẩm dù nguyên bản nhưng không tìm được sự kết nối cũng rất phí hoài. "Đạo nhái" là một từ phù phiếm, chúng chỉ dành để chỉ những ai không có tài năng.

Ai ai cũng biết câu nói kinh điển này của danh hoạ Picasso: Nghệ sĩ tốt thì sao chép, nghệ sĩ giỏi thì ăn cắp luôn! Nhưng bạn có biết, bản thân câu nói của Picasso cũng là một câu… đi "học hỏi" từ người khác? Câu nói gốc là "Tài năng là đi mượn, đánh cắp mới là thiên tài" của Oscar Wilde.

Với tôi, chỉ có hai loại tác phẩm thôi, hay và dở.

Cảm ơn những chia sẻ của chị!