Trong những ngày gần đây, việc Maxk Nguyễn - chàng trai được mọi người biết đến với nhiều dự án cá nhân thú vị như "Sài Gòn 3m2", "Sài Gòn sau vai", "Vịt lộn dịt dữa cút lộn" bỗng dính phải nghi án "đạo nhái" hàng loạt tác phẩm của nước ngoài đã khiến không ít người bất ngờ. Trăm người mười ý, bên cạnh những ý kiến cho rằng đây không thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên thì cũng có nhiều người bình luận với tâm thế ủng hộ Maxk Nguyễn vì việc trùng lặp ý tưởng trong những công việc liên quan đến sáng tạo là chuyện bình thường.
Những project cá nhân của Maxk Nguyễn từng gây bão mạng xã hội.
Hiện các bài viết liên quan đến chủ đề này đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ cư dân mạng nói chung lẫn cộng đồng sáng tạo nói riêng. Để có thể lắng nghe thêm từ người trong cuộc, chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện ngắn với Maxk Nguyễn để anh chàng có cơ hội được lên tiếng về chính những sản phẩm của mình.
Chào Maxk Nguyễn, trong những ngày qua đã có nhiều người trong nghề đưa ra những artwork tương tự với sản phẩm của bạn và cho rằng bạn đã vay mượn ý tưởng từ các nghệ sĩ nước ngoài? Bạn nói gì trước những nhận xét này?
Mình có biết về những thông tin này. Đa số những hình ảnh được lấy ra để so sánh là từ dự án Saigon Emoji. Saigon Emoji là một project được ra đời vào 2015, đây là thời điểm mà phong cách minimalism art vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam. Nó được ra đời chỉ để nhằm thoả mãn tất cả những góc nhìn của mình về cuộc sống xung quanh.
Những ngày qua, bức ảnh về bịch trà sữa Koi của mình bị nhiều người trong nghề đem ra mổ xẻ và tố đạo nhái. Mình có vay mượn không? Có, mình vay mượn cảm hứng từ những người xung quanh, nơi mà trà sữa đang là trào lưu hot nhất và xuất hiện ở khắp mọi nơi. Nhưng nếu hỏi đó có phải là đạo nhái ý tưởng thì mình vẫn tự tin rằng đó là ý tưởng của mình.
Nếu để ý thì bạn sẽ thấy đa phần những ý tưởng của mình đều xuất phát từ chính những chủ đề đang được mọi người quan tâm nhiều như là phẫu thuật thẩm mỹ, dỡ bỏ chậu cây Starbucks, bảng hiệu 2 màu... Trà sữa cũng vậy. Xung quanh mình vẫn có rất nhiều người hay giỡn "uống trà sữa như được đi bơm máu", chỉ có điều chưa có ai biến nó thành hình ảnh cụ thể mà thôi!
Tất cả những ý tưởng Maxk Nguyễn có đều đến từ những chủ đề đang được mọi người quan tâm.
Ở thời điểm Saigon Emoji mới ra đời, mình có bị ảnh hưởng một hình ảnh của nghệ sĩ Frances Vullo. Khi mới tạo ra Saigon Emoji bản thân mình cũng rất vô tư. Đến khi nhìn lại thì đúng là mình bị ảnh hưởng quá nhiều, chính vì vậy mà tranh cãi mới bùng lên một cách kinh khủng.
Ở trường hợp này mình rõ ràng đã sai và gây ảnh hưởng đến Frances Vullo, mình đã gởi lời xin lỗi đến tác giả. Tuy nhiên mình cam đoan rằng tất cả những hình ảnh còn lại của Saigon Emoji đều là chất xám ý tưởng của mình chứ không phải là ai khác.
Nhưng trùng hợp đến 4-5 lần thì quả là khó hiểu, Maxk có nghĩ mình đang bị ảnh hưởng phong cách của nhiều người không?
Bản thân mình nếu nhìn lướt qua thì mình cũng tin rằng "có điều gì đó bất ổn ở đây nhỉ?". Nhưng nếu hiểu được bản chất của việc tạo ra ý tưởng, nhất là style minimalism art thì phần trăm sự trùng lặp sẽ lớn hơn bạn nghĩ rất nhiều.
Vì đây không phải là hình vẽ nên khi có ý tưởng bạn sẽ phải đi tìm những nguồn ảnh stock có sẵn. Với từ khoá "blood bag" (bịch máu) bạn sẽ thấy những kết quả tương tự nhau. Màu của background được mình lấy từ màu của Koi machiato. (tone màu café thường nghiêng về nâu cam).
Dễ dàng tìm thấy những stock hình như thế này trên các trang web.
Với trường hợp "bịch máu Koi", mình đã nhắn tin đến bạn artist người Anh là Alessio Franceschetto (tác giả của hình ảnh được cho là đạo nhái) để hỏi ý kiến bạn ấy và nhận được phản hồi rất thiện chí.
Tác giả của bức ảnh bị tố đạo nhái đã có phản hồi rằng mình hoàn toàn vui vẻ và không nghĩ rằng Maxk Nguyễn đạo nhái.
Là người làm nghề, mình tuyệt đối tránh việc đạo nhái sản phẩm của người khác. Còn những ai soi mói muốn ép mình phải "đạo" thì họ mới vừa lòng, thì đương nhiên với họ mình là đạo nhái rồi. Thậm chị nếu bạn reaserch trên Instagram bạn sẽ bất ngờ nếu thấy style minimalism art sẽ có rất nhiều những trường hợp trùng lặp.
Cùng 1 chủ đề nhưng rất nhiều kiểu cách thể hiện khác nhau
Minimalism là một phong cách rất dễ trùng lặp vì cơ bản nó đã không có quá nhiều chi tiết.
Theo Maxk Nguyễn thì đâu là ranh giới giữa "được truyền cảm hứng" và "đạo nhái"?
Mình nghĩ rằng "truyền cảm hứng" và "đạo nhái" là khái niệm mà artist chính là người phải kiểm soát nó. Trong tiếng anh có cụm từ "heavy reference" để nói về những tác phẩm quá giống bản gốc về ý tưởng cũng như màu sắc. Và mình chắc chắc không một người nghệ sĩ nào muốn tác phẩm của mình bị ảnh hưởng quá nhiều từ một phiên bản khác.
Bạn có sợ những lùm xùm lần này sẽ làm ảnh hưởng đến tên tuổi của bạn với cộng đồng nghệ thuật nói riêng lẫn giới trẻ nói chung không?
Mình có một chút hoang mang khi đột nhiên hàng trăm người lao vào mổ xẻ. Và thậm chí mình cũng cảm thấy rất nể khi các bạn tìm được 1 số post tương tự những post mình đã làm, nếu các bạn phân tích ý tưởng và kho stock của những ý tưởng này bạn sẽ tìm được mẫu số chung là tại sao lại có sự trùng hợp như vậy.
Nếu đồng nghiệp hoặc đàn em của Maxk không may có artwork trùng ý tưởng với các nghệ sĩ khác, bạn nghĩ đâu là cách phản ứng tốt nhất?
Mình sẽ quan sát một cách trung lập nhất, ồn ào trên Facebook không giúp nền sáng tạo tốt hơn. Tư tưởng của Việt Nam là bắt chước của nước ngoài mới là đáng lo ngại.
Hình này sử dụng ảnh stock sao hoả và chú phi hành gia. Mình tìm bằng Google.
Hình này mình được phép của bạn tác giả để post lên Instagram.
Nếu bạn có theo dõi series Saigon Emoji thì đây là cả một series (Từ ve chai, xe ôm… những biểu tượng rất giản dị) ý tưởng này đến từ "mua like" và "chợ". Thời gian sau này mình có biết đến Dương Giáp và artwork của bạn ấy. Quả thật sự trùng hợp này khá thú vị.
Đây là một mẫu đồng hồ thật, mình sử dụng nó như một nguồn stock để twist ý tưởng rằng chúng ta đang lãng phí thời gian với Pokemon Go.
Hình này mình sử dụng stock từ 1 trang hướng dẫn làm bong bóng cây xương rồng + hình ảnh cây xương rồng thật.
Khi bạn nghĩ ý tưởng để diễn tả một cộng đồng Facebook luôn muốn sát thương người khác bạn sẽ làm gì? Mình nghĩ ra ngay logo Facebook và con dao. Hình dáng con dao rất phổ thông và có thể tìm kiếm với từ khoá "knife". Với những designer trong nghề, sau khi thử nhiều option thì mình tin rằng mọi người khi layout lưỡi dao với logo facebook như thế này thì đa số sẽ có xu hướng đường cong sẽ đi theo chữ f.
Qua những trường hợp sử dụng stock quá trực tiếp, mình đã khá thiếu cẩn trọng trong việc ghi chú nguồn những hình stock và có lẽ đây cũng là bài học lớn cho bản thân mình. Còn về ý tưởng thì mình vẫn tự tin rằng nó là của mình.
Cảm ơn Maxk Nguyễn rất nhiều về cuộc trò chuyện này!