Maxk Nguyễn (tên thật Nguyễn Mạnh Khôi) là cái tên được rất nhiều bạn trẻ yêu thích. Chàng art-director này nổi tiếng với hàng loạt những dự án cá nhân ấn tượng, thể hiện sự sáng tạo nhưng vẫn gần gũi, đáng yêu như "Sài Gòn sau vai", "Sài Gòn 3m2", "Vịt lộn vịt dữa cút lộn"...
Trong những ngày gần đây, một số nghệ sĩ trong giới sáng tạo đã bất ngờ đưa ra những hình ảnh có sự tương đồng trong thiết kế với những sản phẩm của Maxk Nguyễn. Đồng thời lên tiếng tố cáo anh chàng đạo nhái ý tưởng từ những tên tuổi nước ngoài, và còn khẳng định đây không phải lần đầu tiên.
Nhiều sản phẩm của Maxk Nguyễn được cho rằng đã có sự tương đồng lớn với các tác phẩm của nghệ sĩ nước ngoài.
Ngay sau đó, Maxk Nguyễn đã lên tiếng rằng đây chỉ là sự trùng hợp, bản thân anh chưa từng thấy hình ảnh đó trước đây. Ngoài ra Maxk cũng chia sẻ đây là xu hướng thiết kế ở thời điểm hiện tại, ý tưởng cũng đơn giản nên việc vô tình giống nhau là rất bình thường. Để tăng tính thuyết phục, đích thân Maxk Nguyễn đã liên lạc với Aless - nghệ sĩ nước ngoài được cho là có hình ảnh bị đạo. Thật bất ngờ, Aless không hề tỏ ra gay gắt mà chỉ vui vẻ trả lời lại: "Chào Maxk! Tôi thấy chuyện này vui mà, đừng lo, tôi không nghĩ rằng bạn sao chép ý tưởng của tôi đâu. Chuyện nhiều người có cùng một ý tưởng cũng bình thường thôi mà!"
Với những người quan tâm tới nghệ thuật, tới những sản phẩm sáng tạo thì rõ ràng đây không chỉ là vấn đề của một cá nhân mà còn là câu chuyện chung của cộng đồng. Rõ ràng những sản phẩm trên đều có sự tương đồng, đều nhìn rất "anh em sinh đôi" nhưng người thì cho rằng chỉ là trùng hợp, người thì lại chắc nịch là "đạo".
Để có cái nhìn đa diện hơn về vấn đề này, chúng tôi đã cùng trò chuyện với 4 người trẻ hiện đang làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, sáng tạo. Họ đều là những chuyên viên thiết kế, những giám đốc sáng tạo, giám đốc nghệ thuật có nhiều năm kinh nghiệm, từng làm ra nhiều sản phẩm được công chúng và cộng đồng biết tới.
Một tác phẩm nghệ thuật được làm ra ít nhiều đều nhận được sự so sánh, đặc biệt là khi tác phẩm đó tạo được tiếng vang, có sức ảnh hưởng đến cộng đồng thì càng bị soi hơn bình thường. Chúng ta không còn lạ gì với việc nhìn thấy trên newsfeed những bức ảnh được ghép theo kiểu "bản gốc - bản nhái". Tuy nhiên không phải cứ giống nhau là có thể quy chụp ngay rằng đó là đạo nhái. Nhưng thế nào là đạo nhái, còn thế nào là trùng hợp? Đây chắc chắn là câu hỏi làm đau đầu không ít người, ngay cả với những cá nhân đã và đang làm công việc sáng tạo mỗi ngày.
Anh Lê Đức Hiệp chia sẻ rằng để có thể suy xét xem một sản phẩm có copy hay không thì chúng ta phải nhìn vào cả cách thể hiện và thông điệp của tác phẩm. "Ý tưởng có thể trùng nhau nhưng cách thể hiện ý tưởng thì rất khó trùng vì mỗi artist thường có phong cách và dấu ấn cá nhân riêng.(về cách bố cục, màu sắc, font chữ, lớp lang...)".
Bên cạnh đó, anh Quốc Khánh cho hay: "Vì mình cũng làm trong ngành creative, nên hiểu rằng tất cả đều dùng chất xám để thể hiện cái tôi, cá tính của mỗi người. Giới hạn của việc sáng tạo và sao chép khá mơ hồ, nhưng sẽ chấp nhận được khi bạn lấy những điều đó làm cảm hứng, tạo nền tảng ban đầu giúp bạn biến hoá sáng tạo nó lên theo góc nhìn mới, ý tưởng mới."
Đa số những nhân vật được phỏng vấn đều cho rằng việc ý tưởng lớn gặp nhau là chuyện như cơm bữa. Cơ bản vì những người làm hình ảnh đều tham khảo rất nhiều tác phẩm trên internet mỗi ngày. "Việc xem nhiều tác phẩm đẹp, ấn tượng dễ khiến mình bị ảnh hưởng lúc nào không hay. Tới một ngày bắt tay vô làm thì não mình vô thức nhảy ra những idea/ hình ảnh như vậy. Nên chuyện bị trùng một cách không cố ý cũng có thể xảy ra. Trước đây mình có tự làm logo cá nhân. Sau đó phát hiện nó bị giống với logo của một thương hiệu nào đó bên Trung Quốc. Một cách hoàn toàn trùng hợp." - anh Quang Thái cho hay.
Bất kì ai làm sáng tạo đều không muốn mình bị dính phải hai từ "đạo nhái". Maxk Nguyễn chắc chắn cũng vậy. Tuy nhiên với con mắt của một người bình thường thì thật khó để phủ nhận những sản phẩm nghệ thuật của anh chàng có sự tương đồng lớn với sản phẩm của các nghệ sĩ nước ngoài. Vậy còn những người trong nghề thì sao, liệu họ có thấy sự "trùng hợp" này là một điều đáng báo động?
Anh Quốc Khánh chia sẻ: "Sau khi có những tranh cãi trên, mình có xem qua các tác phẩm khác của 2 tác giả. Mình thấy khá thích thú với những dự án như vậy. Cái hay ở đây là đôi khi mình thấy sự tương đồng trong cách thể hiện; cùng một chất liệu đó, họ lại có những góc nhìn khác nhau vì thế dễ gây ra sự tranh cãi là điều khó tránh khỏi."
Khác với anh Quốc Khánh, anh Lê Đức Hiệp lại thẳng thắn nhận xét rằng tác phẩm của Maxk và Aless giống nhau đến 90% về ý tưởng, cách thể hiện, màu sắc... Trên phương diện kỹ thuật có thể nói là 1 tác phẩm copy. Tuy nhiên dựa vào cách làm nghề và những chia sẻ của Maxk thì anh Hiệp tin rằng sản phẩm của Maxk không đạo nhái mà chỉ là trùng hợp.
Trong khi đó, anh Quang Thái lại giữ quan điểm trung lập và không đưa ra bất kì kết luận nào vì cái mình thấy chưa chắc đã là cái đúng nhất. Tuy nhiên anh cũng cho rằng: "Tự trọng của một người làm sáng tạo sẽ không cho họ đi copy trắng trợn tác phẩm người khác."
Thật khó để có thể tự tin vỗ ngực rằng "sản phẩm của tôi là bản gốc không lai tạp bất kì đâu". Nhất là khi ngoài kia có hàng trăm ngàn con người cũng đang được truyền cảm hứng từ những thứ y chang bạn. Sản phẩm bạn làm hôm nay có thể giống ai đó cách bạn nửa vòng trái đất. Bạn không hề biết đến sự tồn tại của thứ đó cho đến khi ai đó bắt đầu chia sẻ "bản gốc - bản nhái". Liệu có cách nào để tránh khỏi những tình huống hoạ vô đơn chứ như thế này không?
Sơn Tùng: "Sáng tạo thì không cần phải tránh, não bộ người làm sáng tạo đã hoạt động rất nhiều để có được ý tưởng, vậy tại sao mình phải tốn thêm năng lượng để tìm tận đẩu đâu xem có ông nào trùng với mình hay là không? Cứ sáng tạo hết sức mình đi đã. Chỉ là khi làm việc với khách hàng, các nhãn hàng thì nên chú ý một chút đừng để sao cho nó gây dư luận vì trùng hợp. Sẽ rất phiền phức."
Với những người làm sáng tạo, anh Quang Thái cho rằng ai cũng cần phải tham khảo và học hỏi nhiều lên vì khi bạn có càng nhiều thông tin cơ bản về tác giả hoặc tác phẩm nổi tiếng thì nguy cơ bạn bị trùng sẽ càng ít. Tiếp theo là xây dựng phong cách sáng tác cho riêng mình.
Anh Lê Đức Hiệp còn bổ sung thêm rằng để tránh các tác phẩm của mình bỗng nhiên giống người khác thì cách duy nhất là các bạn phải tìm hiểu thật nhiều, xem ý tưởng của mình đã ai làm chưa? Nếu rồi thì họ làm thế nào? Mình phải tìm cách thể hiện ý tưởng khác với họ ra sao. Rồi các bạn phải tìm cách nâng dấu ấn cá nhân trong các tác phẩm của mình. "Dấu ấn cá nhân không chỉ giúp bạn tránh việc bị giống người khác mà khi có trường hợp đó xảy ra, bản thân mình cũng dễ giải thích và làm rõ, khiến người khác tin tưởng vì đó là phong cách của mình."
Lê Đức Hiệp: "Nếu như là người quen thì thường anh sẽ góp ý thẳng nhưng không công khai để các bạn biết cách tự xử lý với tác phẩm đó. Có thể chỉnh sửa lại hoặc gỡ bỏ để không bị mang tiếng. Đạo nhái với một người làm sáng tạo là sự sỉ nhục lớn lao nhất. Vì thế trước khi mang ra chỗ công cộng chúng ta nên nhẹ nhàng góp ý với nhau trước. Làm nghệ thuật nên tế nhị."
Quang Thái: "Mình không đánh giá cách phản ứng của ai sai và phải phản ứng như thế nào mới là đúng vì không có tiêu chuẩn nào cho việc này hết. Nhưng cá nhân mình nếu phát hiện điều đó, và nếu thân thiết với bạn có artwork trùng với nghệ sĩ khác, thì mình sẽ nhắn tin nhắc bạn cẩn thận vì bạn có thể bị đền tiền nếu tác phẩm đó mang tính thương mại. Còn không thân lắm thì… thôi. Làm tốt việc của mình trước đã."
Quốc Khánh: "Cách mình xử lí mọi chuyện trước giờ vẫn là bình tĩnh tiếp nhận các luồng thông tin. Mình không ủng hộ những việc hấp tấp, vội vàng kết luận. Mình và các bạn đồng nghiệp làm việc và chia sẻ với nhau các sản phẩm này nên đôi khi có những ý tưởng mà nhìn vào mình thấy giống như đã xem qua ở đâu đó, mình nên thẳng thắn góp ý. Vừa giúp các bạn tránh khỏi những rắc rối về sau và các bạn xử lí lại theo một hướng đi mới."