Số liệu công bố ngày 11/5 cho thấy, số ca Covid-9 mới ở Thượng Hải đã giảm mạnh so một ngày trước đó và tất cả đều được phát hiện trong các khu cách ly và kiểm soát khép kín hoặc chuyển từ các trường hợp không có triệu chứng. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 1/5 thành phố không ghi nhận trường hợp nào bên ngoài khu vực kiểm soát.
Thượng Hải đã báo cáo 1.487 ca mắc mới trong ngày 10/5, giảm 50,7% so với một ngày trước đó, đạt mức thấp nhất gần 2 tháng qua. Các ca nhiễm đã giữ ở mức dưới 5 con số ngày thứ 13 liên tiếp, trong khi hàng loạt các đợt xét nghiệm đang dấy lên hy vọng đợt bùng phát hiện tại có thể sắp kết thúc, gần 6 tuần sau khi trung tâm tài chính của Trung Quốc bị phong tỏa.
Các quan chức y tế thành phố cho biết, 8/16 quận ở Thượng Hải và một số khu vực ở Phố Đông đã cơ bản không có ca nhiễm trong cộng đồng, tức ngoài khu vực cách ly. Tuy nhiên, theo họ, chưa đến lúc nới lỏng các biện pháp hạn chế. Ông Ngô Hoàn Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh thành phố nhấn mạnh:
“Hiện tại, xu hướng của dịch đang ổn định và cải thiện, nguy cơ lây nhiễm đã được ngăn chặn hiệu quả. Đồng thời, đây cũng là thời điểm gay go nhất và then chốt nhất để thành phố đạt được ‘Không Covid-19 năng động’. Một khi buông lỏng cảnh giác, dịch bệnh có thể sẽ tái bùng phát, vẫn cần kiên trì thực hiện các biện pháp phòng chống, không được lơi lỏng".
Là tâm chấn của đợt dịch này ở Trung Quốc, các hạn chế ở Thượng Hải không những chưa nới lỏng, mà còn có phần siết chặt hơn. Ngày 10/5, toàn bộ các tuyến tàu điện ngầm trong thành phố đã bị đình chỉ hoạt động. Các quan chức cũng tăng tần suất xét nghiệm axit nucleic trong khu vực phòng ngừa, tức rủi ro thấp, đồng thời tiếp tục thực hiện các biện pháp như cách ly cả tòa nhà khi có 1 ca nhiễm và khử trùng hộ gia đình, vốn đang gây bất bình trong dân chúng.
Trong khi đó, tại Bắc Kinh, nhằm cố gắng tránh số phận của Thượng Hải, nhiều cơ sở kinh doanh tại đây đã bị đóng cửa, một số lượng lớn người dân được yêu cầu làm việc tại nhà trong nỗ lực chấm dứt sự bùng phát của đợt dịch mới với việc ghi nhận hàng chục ca bệnh mỗi ngày.
Trong bình luận hiếm hoi trước công chúng về cách thức xử lý đại dịch, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 10/5 cho rằng, chính sách không khoan nhượng với Covid-19 của Trung Quốc là “không bền vững” với những gì hiện đã được biết về virus.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của Đại học Phúc Đán, Thượng Hải đăng trên tạp chí “Nature” (Tự nhiên) cho thấy, nếu chính phủ Trung Quốc từ bỏ chính sách “Không Covid” và cho phép biến thể Omicron rất dễ lây lan tràn lan, sẽ có nguy cơ bùng phát một đợt dịch kiểu “sóng thần”, khiến 112 triệu người mắc bệnh, 5,1 triệu người nhập viện và 1,6 triệu người tử vong.
Trong cuộc họp mới đây, Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố, “kiên quyết đấu tranh chống mọi lời nói và việc làm bóp méo, nghi ngờ, phủ nhận phương châm chính sách chống dịch của đất nước”.