Phong trào Thử thách dọn rác #ChallengeForChange bắt nguồn từ một tài khoản Facebook có tên Byron Roman. Ngày 5/3, Byron đăng tải bức ảnh "before - after" (trước và sau) của một bãi rác kèm chia sẻ: "Đây là thử thách mới dành cho những thanh thiếu niên đang buồn chán đây. Hãy chụp ảnh một bãi đất nào đó có nhiều rác, sau đó chụp lại lần nữa khi bạn đã cải thiện nó và đăng lên mạng xã hội".
Từ đó, #ChallengeForChange trở thành trào lưu được hưởng ứng đông đảo trên khắp thế giới. Hàng ngàn người từ khắp các quốc gia lớn nhỏ cùng chung tay trả lại vẻ ngoài vốn có của những nơi vô tình bị biến thành bãi rác bởi ý thức của con người.
Gần 1 tháng qua tại Việt Nam, các bạn trẻ đã bắt đầu có những hành động vô cùng thiết thực, cùng lan tỏa và đem đến những tín hiệu đáng mừng về sự biến mất của những bãi rác lớn. Chưa bao giờ quá muộn cho những hành động góp phần trả lại môi trường xanh - sạch - đẹp.
Gần đây nhất, những con số kỷ lục được ghi nhận tại Hà Nội và Đà Nẵng về số lượng tình nguyện viên mang về những kết quả ngoài mong đợi, giúp chúng ta một lần nữa tin tưởng, thử thách dọn rác đã, đang và sẽ là một trong những trào lưu tích cực và ý nghĩa nhất trên thế giới.
Thử thách dọn rác đến Việt Nam và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân.
Bãi bồi sông Hồng (quận Long Biên) là số ít những địa điểm khá "bí hiểm" ở Hà Nội. Tại khu vực này, rác thải chất chứa và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về bệnh hô hấp. Có những hộ dân vì đã quen sống trong rác, nên cũng chẳng quan tâm lắm tới việc dọn vệ sinh. Sau nhiều đợt mưa lớn hay triều cường, rác thải khu vực này được dịp bốc mùi hôi thối, la liệt hoa quả thối, rác sinh hoạt, túi nilon, hộp xốp dùng một lần.
Hưởng ứng thử thách dọn rác, sáng 31/3, nhóm tình nguyện viên gồm 100 người, trong đó có nhóm Keep HaNoi Clean đã chọn khu vực bãi bồi sông Hồng để tiến hành thu dọn rác thải.
Theo chia sẻ, đây là dịp để nhóm chào mừng 3 ngày lễ vì môi trường: Ngày Quốc tế Hành động vì các Dòng Sông (14/3), Ngày Nước Thế giới (22/3) và Giờ Trái đất (30/3).
Khu vực bãi sông Hồng dưới chân cầu Long Biên luôn ngập tràn rác như thế này. Ảnh: NVCC.
Đủ loại rác thải bị vứt tràn lan. Ảnh: NVCC
"Những việc to lớn đều bắt nguồn từ những hành động nhỏ nhặt nhất. Vậy nên hãy gặp mặt nhau và cùng bảo vệ môi trường vào 31/3". Lời kêu gọi này đã "lôi kéo" được gần 100 người, chủ yếu là các bạn trẻ hưởng ứng dù ban đầu con số được kỳ vọng lên tới 200 người.
100 tình nguyện viên làm việc nguyên ngày chủ nhật, buổi sáng từ 8h tới 11h30, buổi chiều kéo dài từ 13h30 đến 17h. Sự kiện ý nghĩa này đã giúp thu dọn khoảng 1,6 tấn rác ở bãi bồi sông Hồng. Một kết quả ấn tượng nhất từ trước đến nay của trào lưu #ChallengeForChange.
Anh Thơ Nguyễn - một người tham gia chia sẻ, "Hãy để việc bảo vệ môi trường trở thành thói quen tốt cho mọi người. Hàng ngày, hàng giờ bạn vẫn xả rác một cách vô tư lự nhưng bạn đã bao giờ thử cúi xuống nhặt rác chưa? Hãy trả lại cho môi trường vẻ thuần khiết vốn có của nó. Chúng ta cùng hành động, làm thì đừng kêu mà kêu thì xin hãy ở nhà".
Nhóm tình nguyện viên tham gia dọn 1,6 tấn rác ở bãi sông Hồng.
Hình ảnh trước và sau của bãi sông Hồng. Con số tình nguyện viên được ghi nhận lên tới 100 người.
Anh Thơ hiện là chủ quán cà phê sử dụng nhiều vật liệu tái chế lớn nhất Hà Nội. Tất cả các chất liệu từ kim loại, gỗ, nhựa, thủy tinh, sành sứ, composite đều được tái sử dụng.Bất kì vị khách nào mang tới quán cà phê những chai nhựa, anh Thơ sẽ giảm giá hoặc thu mua lại. Nếu bạn gọi một tách cà phê take-away (mang đi), quán sẽ không bán, trừ phi bạn tự mang cốc cá nhân tới. Đằng sau một nhựa đồ uống, là cả một vấn nạn xả rác rất lớn.
Những thứ người khác bỏ đi anh Thơ gọi là những viên ngọc ẩn để xây nên quán cà phê thân thương của mình. Bông hoa nở ra từ bãi rác, bao giờ cũng thế, mang vẻ đẹp lạ kì, nhưng tràn đầy sức sống. "Tôi không muốn rác vẫn là rác, rác phải là một nguồn tài nguyên. Đừng vội vứt bất cứ thứ gì, bạn hãy xem xét thật kỹ, biết đâu lại phát hiện ra những giá trị bất ngờ của nó". Và tôi đã phát hiện được những "giá trị bất ngờ" ẩn trong đống rác thải kia".
Khu vực biển và núi thuộc bán đảo Sơn Trà (Thành phố Đà Nẵng) thường xuyên rơi vào tình trạng ngập ngụa rác thải. Từ rất nhiều nơi đổ về, rác không phân huỷ trôi dạt vào bờ, tích tụ lâu ngày gây nên tình trạng ô nhiễm trầm trọng.
Cũng trong sáng chủ nhật 31/3, một nhóm tình nguyện viên khoảng 100 người, độ tuổi từ 13-65 tuổi, cùng kêu gọi trả lại màu xanh cho Sơn Trà. 90% bãi rác khổng lồ chúng ta từng thấy ở núi và biển Sơn Trà đều đã được xử lý.
100 "anh em" nhiệt huyết từ 13-65 tuổi tham gia dọn rác ở bán đảo Sơn Trà. Ảnh: NVCC.
Mọi người cùng chung tay trả lại vẻ đẹp cho bãi biển. Ảnh: NVCC.
"Lần thứ nhất chỉ có 8 người, 10% rác thải được thu dọn. Lần thứ 2, 40 ngừoi xử lý 20% rác thải. Và hôm nay (31/3), 100 người đem đến một kết quả ấn tượng. Vậy là có thể có bãi cắm trại đẹp ở nơi từng đầy rác này" - trưởng nhóm tình nguyện chia sẻ.
Trước đó, Huỳnh Bá Lực (26 tuổi) cùng anh trai họ Lê Văn Thi đã tham gia chiến dịch dọn rác với "chiến tích" hàng chục túi rác tại bán đảo Sơn Trà. Đủ loại rác thải từ chén bát, chai bia, túi nilon, hộp xốp,... được thu gom sau một buổi chiều làm việc hết sức của 2 anh em. Không phải đợi đến thử thách dọn rác Lực mới bắt tay vào cải tạo môi trường sống xung quanh. Trước đó, chàng thanh niên từng gây "sốt" khu dọn rác ở âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng.
Rác được thu gom trên bãi biển. Ảnh: NVCC.
Số lượng rác thải thu gom sau đó. Ảnh: NVCC.
Vợ chồng chú Tuấn 65 tuổi tham gia dọn rác. Mỗi ngày chú tập yoga 2 tiếng và hóm hỉnh "trẻ không chơi già hối hận". Ảnh: NVCC.
Vậy là, theo từng ngày, nhờ sự chung tay và chia sẻ của cộng đồng, thử thách dọn rác đang được nối dài trên khắp mọi miền đất nước. Trước đây, các chiến dịch về môi trường đều mang tính nhỏ lẻ và chưa thực sự nhận được sự hưởng ứng từ người dân. #ChallengeForChange ra đời như một "bước cải cách" về công cuộc bảo vệ môi trường và hướng tới lối sống xanh, giảm thiểu túi nilon không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.
Nhờ #ChallengeForChange, nhiều bạn trẻ nhận ra, trước khi buông tay vứt rác xuống đường, thì hãy nhớ lại công sức một ngày dọn rác "mệt bở hơi tai" như nào. Dù cố gắng thì chúng ta vẫn không thể dọn sách 100% bãi rác. Điều quan trọng là bài học về ý thức, trước khi vứt một thứ gì đó, hãy dành 1 giây suy nghĩ liệu có đang tự phá huỷ môi trường sống của chính mình.
Thử thách dọn rác vừa là một trào lưu hành động vừa tác động mạnh mẽ tới ý thức, cách sống của chúng ta. Chỉ khi nào chính mình cúi lưng dọn rác, bạn mới nhận ra trước đây mình đã từng "buông thả" thế nào cho hành động xả rác bừa bãi.
Chúng ta cùng hy vọng, #ChallengeForChange sẽ là trào lưu ý nghĩa và lâu dài nhất trên thế giới, để môi trường được trả lại nguyên trạng xanh - sạch - đẹp, dù không phải một sớm một chiều.