"Những người kiếm được 7 triệu/tháng chi tiêu còn thoáng hơn cả những người kiếm được 70 triệu/tháng."
Trên mạng có người đặt ra một câu hỏi rằng: "Không giàu nhưng tôi thích tiêu theo ý mình, thích mua đồ đắt, tôi như vậy là sai rồi ư?"
Có một bình luận nói rằng, khi kiếm được 4 triệu, cô ấy vẫn sẵn sàng bỏ ra 2 triệu để mua chiếc váy mà mình yêu thích, sẵn sàng ăn mỳ gói cả tháng.
Hiện tượng như vậy ở những người trẻ, thực ra không hề hiếm thấy. Và người ta gọi đó là "nghèo sang chảnh" - mặc dù không kiếm được nhiều tiền, nhưng tôi cũng không vì vậy mà không theo đuổi những thứ đẹp đẽ, đắt đỏ một chút. Tôi trở nên nghèo vì cuộc sống mà tôi khao khát và những thứ tôi thích, nghèo một cách rõ ràng, nhưng sống một cách hạnh phúc và rực rỡ.
Một đồng nghiệp sinh năm 1995 của tôi vừa đi du lịch nước ngoài về, cô ấy mua 3 chiếc túi hàng hiệu cao cấp, loại giá cả phải chăng (Affordable luxury). Còn người bạn thân đi cùng cô ấy, lương tháng chỉ 9 triệu, nhưng mua một chiếc túi hiệu giá hàng chục triệu đồng.
"Vất vả làm thêm giờ cả năm, nhưng mà sao cứ có cảm giác càng ngày càng nghèo thế nhỉ?" gần như là câu cửa miệng của cô bạn đồng nghiệp.
Ảnh minh họa - Pinterest
Trên thực tế, trong một vài trường hợp, những chiếc túi hàng hiệu có thể giúp ích cho công việc và nâng cao độ nhận diện của cá nhân.
Nhưng hầu hết các tình huống thực tế tôi thấy lại là:
Mua túi hàng hiệu xong không thấy đeo ra ngoài được mấy ngày, nhưng trên trang cá nhân thì cứ 2, 3 ngày lại một bức ảnh "vô tình" để lộ ra logo to đùng của chiếc túi.
Nhiều người trong chúng ta coi những món đồ xa xỉ như những thứ định nghĩa bản thân.
Có thể bạn sẽ không phục và hỏi: "Không lẽ cứ mua túi hàng hiệu thì chỉ là để khoe khoang thôi ư?"
Hãy nhìn nhận theo cách này, nếu bạn mua một sản phẩm nhưng bạn không nỡ dùng nó, vậy thì nó không thực sự thuộc về bạn.
Nếu bạn chỉ sử dụng nó để "mạ vàng" bản thân, thì thực ra, bạn đang vô thức rơi vào cái bẫy của thói tiêu xài phù phiếm.
Cách đây vài ngày tôi có xem một video, chủ nhân của chiếc video này có tài chính khá ổn, khi bạn của cô ấy nhìn thấy cô ấy để một chiếc túi gần 100 triệu trên sàn bê tông, cô bạn đã rất ngạc nhiên. Thấy bạn như vậy, cô gái nói: "Túi mua về là để dùng mà đúng không? Túi có đắt đến mấy nó cũng phải được dùng để phục vụ cho tớ, chứ không phải tớ suốt ngày đi nghĩ xem hầu hạ nâng niu nó như thế nào, đúng không?"
Ảnh minh họa - Pinterest
Bạn thấy đấy, khi thu nhập của một người đủ để mua một món đồ xa xỉ, có dùng chiếc túi 100 triệu hay chiếc túi 100 ngàn, tâm lý cũng sẽ không thay đổi nhiều.
Trong phần bình luận của video này, tôi thấy rất nhiều bình luận như:
"Túi đẹp quá, tôi cũng muốn."
"Có kênh mua hàng đáng tin cậy không?"
"Thật là ghen tị, không biết mấy tháng lương của tôi mới mua nổi."
Trên thực tế, điều này cho thấy một yếu tố quan trọng khác thúc đẩy ham muốn tiêu dùng của giới trẻ.
Internet đã giúp thu hẹp khoảng cách thông tin, chúng ta hiện giờ có thể tiếp cận được những thứ trước đây vốn rất khó tiếp cận thông qua Internet. Vốn dĩ không nhìn thấy, không biết đến sự tồn tại của thứ gì đó thì bạn cũng sẽ chẳng nghĩ tới việc mua, nhưng vì nhìn thấy rồi, vì trông thấy rồi, nên khát khao bỗng dưng nổi lên.
Học giả Nhật Bản Takeshi Sato từng đưa ra một khái niệm có tên "chủ nghĩa thỏa mãn".
Hiểu đơn giản thì là, sau khi nhìn thấy một loạt các mặt hàng thông qua các phương tiện khác nhau, con người bị thúc đẩy bởi ham muốn vật chất, và sau đó theo đuổi những thú vui vật chất.
Sự phát triển nhanh chóng của các video ngắn và các phương tiện truyền thông mới hầu như đã trở thành nơi trưng bày di động cho các sản phẩm.
Càng xem, càng cám dỗ, càng lo lắng.
Tiềm thức sẽ phát ra một câu nói, "Tôi chỉ cần mua nó là đã có thể sống cuộc sống của người đó."
Nhưng trên thực tế?
Bạn bỏ ra hàng chục triệu để mua một chiếc túi hàng hiệu, mỗi ngày dù có phải đi xe buýt cũng ôm chặt lấy nó, ngày nào cũng mong nhận được lời khen về chiếc túi, và ngày nào cũng cẩn thận đặt nó ở góc trang trọng nhất trên bàn làm việc, vì sợ nó bị xước…
Không có gì thay đổi trong cuộc sống.
Thay vào đó, tâm trí bị chi phối bởi hàng hóa.
Ảnh minh họa - Pinterest
Thực ra điều này khá mâu thuẫn.
Một mặt, tôi cho rằng đó là một loại thái độ tích cực, dẫu sao thì cuộc sống này cũng cần tới những thứ giúp chúng ta giải tỏa những căng thẳng của cuộc sống.
Cũng giống như câu thoại trong bộ phim Mỹ "The Bucket List": "Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể đợi cho đến khi có tiền, thời gian hoặc bất kỳ điều kiện nào khác chín muồi để làm điều gì đó mà chúng ta mong muốn từ lâu, bởi lẽ bạn không bao giờ biết liệu mình còn có thể nhìn thấy mặt trời vào sáng mai hay không."
Nhưng mặt khác, quá buông thả trong việc tiêu tiền rất dễ khiến con người rơi xuống vực thẳm.
Tiêu tiền luôn dễ hơn kiếm tiền.
Lê Hiếu, sinh năm 1999 mua một chiếc điện thoại di động với giá hơn 20 triệu đồng thông qua hình thức trả góp. Lý do là bởi rất nhiều bạn của cậu ấy cũng đang sử dụng sản phẩm của Apple. Hiếu nghĩ rằng đằng nào sau này mình cũng sẽ mua, chi bằng mua sớm, tiêu tiền rồi mới có động lực để kiếm tiền.
Trước đây người ta quan niệm "nợ nần chồng chất" là không hay thì giờ đây, việc vay mượn, chi tiêu tín dụng đã trở thành một điều hết sức bình thường.
Điều này cũng trực tiếp dẫn đến một hệ lụy đó là một bộ phận không nhỏ thanh niên không có tiền tiết kiệm.
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà có những người không thực sự giàu có, nhưng lại dám tiêu tiền.
Truyền thông cách đây không lâu đã tiết lộ một bộ ảnh liên quan tới nữ diễn viên nổi tiếng Trương Mạn Ngọc.
Cô đeo khẩu trang, đi mua đồ lót 39 tệ (khoảng 130 ngàn đồng) ở một cửa hàng giá rẻ bên đường, cô rất cẩn thận khi lựa chọn, mua liên tiếp 6 chiếc, cuối cùng mua thêm cả một đôi dép lê giá 19 tệ (khoảng 65 ngàn đồng).
Người giàu nhất thế giới Bill Gates từng được các phóng viên tại Nhà Trắng phỏng vấn, khi được hỏi rằng liệu chiếc đồng hồ mà ông đang đeo có thể theo dõi sức khỏe của mình hay không, ông cười nói: "Không, đây chỉ là chiếc đồng hồ trị giá 10 đô la thôi."
Ngay cả những lúc bình thường, một trong những chiếc đồng hồ mà Bill Gates thường đeo nhất cũng chỉ là chiếc Casio có giá vài chục USD. Người ta nói rằng ông cũng từng bị giới truyền thông chụp ảnh mặc một chiếc áo phông hơn 20 đô la.
Ảnh minh hoạ: Pinterest
Họ đang tiêu tiền ở đâu?
Lấy Trương Mạn Ngọc làm ví dụ.
Cô đang sở hữu khối tài sản 150 triệu USD, trong đó có 5 căn ở Island Resort với tổng giá trị thị trường là 90 triệu USD, trong đó 4 căn đã được trả hết tiền.
Có một quan điểm trong "Lược sử loài người" cho rằng chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tiêu dùng là hai mặt AB của một đồng xu, người giàu đem tiền đi đầu tư để tiền sinh ra tiền, còn sứ mệnh của người bình thường là tiêu hết số tiền mà mình có.
Số tiền bạn chi tiêu hôm nay quyết định cuộc sống của bạn trong 3 năm nữa. Đừng tin những quảng cáo như vậy.
Trên thực tế, dù bạn có mua những món đồ xa xỉ đắt tiền đến đâu, bạn vẫn phải chen chúc trên tàu điện ngầm để đi làm và ăn những hộp cơm trưa rẻ tiền; bạn vay tiền để "sống cuộc sống bạn muốn" , và cuộc sống tương lai của bạn chắc chắn sẽ khiến bạn phải làm thêm giờ để trả nợ.
Ông trời không cho không ai cái gì bao giờ.
Gieo dưa gặt dưa, gieo đậu gặt đậu, vòng ba to tới đâu thì mặc quần rộng tới đó.
Muốn giữ được sự tỉnh táo trong chi tiêu, chỉ có cách thỉnh thoảng tự hỏi bản thân xem: Tiêu số tiền có ý nghĩa gì không? Số tiền mình tiêu có nằm trong phạm vi kiểm soát của bản thân hay không? Tác động của số tiền này sẽ kéo dài bao lâu đối với mình?
Hy vọng rằng tất cả chúng ta có thể trở thành những người trưởng thành biết kiềm chế và làm chủ tiền bạc.