Miếng bọt biển rửa chén bát - thứ thường được dùng để làm sạch bát đĩa cho mâm cơm gia đình lại được chứng minh không chỉ bẩn hơn bồn cầu mà nó còn bẩn hơn rất nhiều vật dụng trong nhà bạn.
Bạn có biết rằng, miếng bọt biển rửa chén bát thường chứa nhiều vi khuẩn hơn bất kỳ bề mặt nào khác trong nhà. Các nhà khoa học Đức đã thực hiện một cuộc nghiên cứu về sự sạch sẽ của những miếng bọt biển. Mặc dù kích thước mẫu nhỏ nhưng số lượng vi khuẩn mà các nhà khoa học tìm thấy vô cùng gây sốc: Có tới 362 loài vi khuẩn khác nhau trong bọt biển, 45 tỷ vi khuẩn trên mỗi cm vuông. Điều đó có nghĩa là một phần của miếng bọt biển nhà bếp của bạn có thể chứa nhiều vi khuẩn như bên trong bồn cầu.
Nghiên cứu đăng trên Scientific Reports cho biết, bồn rửa nhà bếp và miếng bọt biển rửa chén bát có thể chứa nhiều loại vi khuẩn có trong phân, bao gồm Escherichia coli gây bệnh tiêu chảy và ngộ độc. Ngoài ra, bọt biển còn có thể chứa vi khuẩn coliform và Staphylococcus aureus hoặc Campylobacter, nấm men, nấm mốc...
Thậm chí, một nghiên cứu được thực hiện ở Nhật Bản còn cho thấy bọt biển rửa chén nhà bếp chỉ đứng thứ hai sau hố ga thoát nước về mức độ ô nhiễm vi khuẩn cao nhất trong nhà.
Lý do bọt biển chứa nhiều vi khuẩn là bởi chúng thường xuyên ở tình trạng ẩm ướt mà ít khi được khử trùng. Chưa kể chúng thường xuyên tiếp xúc với thịt sống, bàn tay con người, rác thực phẩm... điều đó khiến cho bọt biển trở thành một "ổ vi khuẩn" đúng nghĩa, tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh cho cả gia đình. Đáng nói, bọt biển là vật dụng thường dùng để cọ rửa bát đĩa, vì thế rất có thể những vật dụng trong mâm cơm của chúng ta cũng có thể nhiễm vi khuẩn.
Theo chuyên gia về an toàn thực phẩm Janilyn Hutchings (làm việc tại Ban An toàn Thực phẩm của Mỹ): Miếng bọt biển rửa chén bát, nếu bẩn, có thể lây lan vi trùng cho mọi thứ nó chạm vào, từ bát đĩa và đồ dùng đến quầy bếp và thiết bị.
Hàng ngày, bọt biển nên được làm sạch bằng nước đun sôi hoặc trong máy rửa chén. Trước khi làm như vậy, các bà nội trợ cần chắc chắn rằng máy rửa chén có nhiệt độ nước đủ nóng để đảm bảo vi khuẩn có thể bị tiêu diệt. Nếu không có máy rửa chén, có thể đun sôi nước trên bếp và ngâm miếng bọt biển rửa chén bát vào đó. Ngoài ra, các gia đình có thể làm ẩm miếng bọt biển, đảm bảo đã ướt sau đó đặt vào lò vi sóng và quay trong 1 phút. Theo Bộ Nông nghiêp Mỹ, 3 phương pháp này có hiệu quả 99% trong việc tiêu diệt vi khuẩn có trong bọt biển rửa chén.
Ngược lại, không nên vệ sinh bọt biển bằng cách ngâm trong nước xà phòng nóng vì như vậy chưa đủ để tiêu diệt vi trùng và vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy ẩn náu bên trong miếng bọt biển. Càng không nên khử trùng miếng bọt biển rửa chén bát bằng thuốc tẩy bởi sẽ có nguy cơ lưu lại thuốc tẩy và có khả năng dính vào bát đũa chúng ta sử dụng.
Tuy nhiên ngay cả khi được làm sạch đúng cách thường xuyên, bọt biển vẫn có thể chứa vi khuẩn gây hại, do đó giải pháp thiết thực là nên thay mới chúng đều đặn. Theo bà Kelly Reynolds, chuyên gia nghiên cứu sức khỏe cộng đồng từ Đại học Arizona (Mỹ), bọt biển nên được thay mới mỗi tuần. Tuyệt đối không dùng miếng bọt để lau nước từ thịt sống. Khi miếng bọt đã cũ hoặc bốc mùi, cần nhanh chóng thay cái mới.
Một số chuyên gia cũng cho rằng nên thay miếng bọt biển rửa chén bát bằng miếng cọ rửa bát vì chúng chứa ít vi khuẩn hơn, chúng có ít không gian hơn để vi khuẩn trú ẩn. Chúng cũng khô nhanh hơn khiến vi khuẩn ít có môi trường trú ngụ hơn. Dù vậy, kể cả khi dùng miếng cọ rửa bát thì chúng ta cũng cần thay mới định kỳ 1-2 lần mỗi tuần.