Thiết bị vừa được Tổ chức Ung thư tinh hoàn New Zealand giới thiệu nhằm hướng tới nguyên nhân chủ yếu khiến căn bệnh này, dù thuộc loại ung thư dễ chữa nhất, vẫn giết chết 2-5% bệnh nhân và để lại di chứng cho nhiều người khác: phát hiện trễ.
Thiết bị kỳ dị được tạo ra nhằm đối phó với dạng ung thư hiểm ác ở nam giới trẻ và hay bị phát hiện trễ chỉ vì sự ngại ngùng - ảnh: Testicular Cancer New Zealand.
Theo các nghiên cứu, nguyên nhân phát hiện trễ chủ yếu là do đa phần người bệnh rất ngại đi khám "vùng kín", trong khi thiếu kiến thức để có thể tự kiểm tra ở nhà. Điểm hiểm ác nhất của ung thư tinh hoàn là nó chỉ thích tấn công các chàng trai trẻ, với lứa tuổi mắc phổ biến là 15-39. Với độ tuổi này, đa số người bệnh lại càng ngại ngùng chuyện đi kiểm tra tinh hoàn và lại càng đau khổ vì căn bệnh hơn bởi tinh hoàn là hai nhà máy chủ lực sản sinh ra sự nam tính.
Ông Graeme Woodside, Giám đốc điều hành Tổ chức Ung thư tinh hoàn New Zealand cho biết thiết bị mang tên Testimatic thực ra đơn giản là một căn buồng kín di động bảo đảm vệ sinh y tế, gồm 2 ngăn hoàn toàn tách biệt, thông nhau bởi… một cái lỗ ngang tầm "cậu nhỏ" của quý ông. Điều bạn cần làm chỉ là bước vào đó, kéo quần xuống và chờ đợi bàn tay thò ra của một bác sĩ tiết niệu.
Một người đàn ông đang chuẩn bị khám - ảnh: Testicular Cancer New Zealand.
Như vậy, việc kiểm tra sẽ hoàn toàn ẩn danh và theo các khảo sát, nhiều nam giới sẽ chấp nhận việc kiểm tra hơn, nhất là nhóm thanh thiếu niên, khi không phải đối mặt với bác sĩ.
Sự ngại ngùng là một vấn để ngày một được y học quan tâm, bởi đó có thể là lý do nhiều bệnh nhân phải hứng chịu di chứng nghiêm trọng trong những căn bệnh tế nhị. Một nghiên cứu gần đây của Mỹ cho thấy chỉ có chưa đầy 50% phụ nữ mắc chứng tiểu không tự chủ nghĩ đến chuyện đi tìm bác sĩ, cho dù vấn đề đó khiến họ xấu hổ, ảnh hưởng đến chức năng tình dục và chất lượng sống rất nhiều.
Bác sĩ sẽ thò tay qua vách ngăn và kiểm tra tinh hoàn bệnh nhân, hoàn toàn ẩn danh - ảnh: Testicular Cancer New Zealand.
Trước đó vài ngày, hãng Micron Technology (Mỹ) cũng vừa tung ra một thiết bị không kém phần kỳ quặc, cũng vì mục tiêu tương tự: đó là một chiếc bồn cầu trang bị… bộ não điện tử, giúp thực hiện xét nghiệm phân mà không phải đi đến bác sĩ, một điều khá nhiều người ngại ngùng.
(Theo BBC, Independent Community Newspaper)