"Thìa đất" ở Hàn Quốc: Tầng lớp thu nhập thấp bị tước quyền thành công và vươn lên trong cuộc sống dần khiến họ mất hết niềm tin hy vọng

Jia You, Theo Helino 02:41 29/11/2019

Không ai được lựa chọn nơi mình sinh ra, nhưng nếu như bạn sinh ra mà không được ngậm thìa vàng thìa bạc thì có lẽ cơ hội thành công và được vươn lên trong xã hội Hàn Quốc sẽ khá xa vời.

Khi con người sinh ra, họ được xã hội đánh giá bằng một chiếc thìa

Lý thuyết về tầng lớp thìa có thể hiểu đơn giản là tầng lớp của một người trong xã hội sẽ được phân loại dựa trên tài sản và mức thu nhập của bố mẹ. Chính vì vậy, sự thành công của một người sẽ phụ thuộc vào việc sinh ra trong gia đình giàu có hay không. Thuật ngữ này xuất hiện vào năm 2015 và lần đầu tiên được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng mạng xã hội Hàn Quốc.

Từ xưa, khái niệm thìa đất và thìa vàng đã tồn tại trong suy nghĩ của người Hàn Quốc, nhưng bắt đầu bùng nổ mạnh mẽ hơn trong những năm gần đây khi sự phân biệt giai cấp, phân chia giàu nghèo ngày càng rõ rệt.

Giới trẻ Hàn Quốc đã tạo ra lý thuyết phân loại bản thân thành một trong những chiếc thìa sau đây: một chiếc thìa vàng, một chiếc thìa bạc, một chiếc thìa đồng và một chiếc thìa đất. Thìa vàng là những người có thu nhập hàng năm 200 triệu won (4 tỷ đồng), tiếp đến là thìa bạc với mức thu nhập hàng năm 80 triệu won (1,6 tỷ đồng), thìa đồng có thu nhập hàng năm 55 triệu won (1 tỷ đồng) và cuối cùng thìa đất với mức thu nhập hàng năm dưới 20 triệu won (dưới 400 triệu đồng).

Thìa đất ở Hàn Quốc: Tầng lớp thu nhập thấp bị tước quyền thành công và vươn lên trong cuộc sống dần khiến họ mất hết niềm tin hy vọng - Ảnh 1.

Tổng thống Moon Jae In từng hứa rằng sẽ đem đến sự bình đẳng trong kinh tế lẫn xã hội, nhưng đã hơn nửa nhiệm kỳ 5 năm của mình, ông vẫn chưa làm được gì để thuyết phục tầng lớp trẻ tuổi, những người cho rằng mình đang phải gánh chịu sự bất bình đẳng sâu sắc. Thay vào đó, từ khi ông Moon nhậm chức, những người có thu nhập cao hiện kiếm được nhiều hơn 5,5 lần so với những người có thu nhập thấp. Trước đó là 4,9 lần.

Những chiếc "thìa đất" dù cố chăm chỉ siêng năng nhưng vẫn không thể thoát được sự phân biệt giai cấp

Thìa đất ở Hàn Quốc: Tầng lớp thu nhập thấp bị tước quyền thành công và vươn lên trong cuộc sống dần khiến họ mất hết niềm tin hy vọng - Ảnh 2.

Hwang Hyeon Dong, người hy vọng sẽ kiếm được nhiều tiền để rút ngắn khoảng cách "thìa đất" và "thìa vàng".

Hwang Hyeon Dong, 25 tuổi, người đang sống trong một căn phòng rộng 6,6m2 gần khuôn viên trường Đại học Seoul, có nhà vệ sinh và bếp dùng chung với giá thuê là 350 ngàn won (gần 7 triệu đồng) một tháng. Căn phòng với những thiết kế nội thất cũ kỹ, trước đây chủ yếu được sử dụng tạm thời cho những sinh viên ở tạm trước khi họ chuyển ra ngoài tìm việc làm. Giờ đây, căn phòng này lại là nơi cho những người trẻ tuổi như Hwang sinh sống.

Hwang tự nhận mình là “thìa đất” của xã hội Hàn Quốc khi xuất thân trong gia đình nghèo, có thu nhập thấp, những gia đình bị xã hội bỏ rơi. “Nếu tôi cố gắng làm việc tốt, liệu tôi có thể mua nổi một căn nhà hay không, liệu tôi có thể thu hẹp khoảng cách vốn đã quá lớn này không”, Hwang chia sẻ.

Hwang, người đang học năm thứ 3 chuyên ngành nghiên cứu truyền thông cho hay, vụ bê bối tham nhũng xung quanh Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk chính là lời cảnh tỉnh cho những chiếc "thìa đất" như mình - người từng tin rằng chỉ cần làm việc chăm chỉ sẽ tạo ra sự khác biệt.

Thìa đất ở Hàn Quốc: Tầng lớp thu nhập thấp bị tước quyền thành công và vươn lên trong cuộc sống dần khiến họ mất hết niềm tin hy vọng - Ảnh 3.

Ông Cho và vợ là giáo sư Đại học đã bị buộc tội lạm dụng quyền lực để giúp con gái được nhận vào trường Y năm 2015. Cho thừa nhận mình là thìa vàng nhưng mong muốn thúc đẩy sự công bằng xã hội. Tuy nhiên, những tuyên bố này đã phản tác dụng khi ông từ chức hồi tháng 10 sau những tham nhũng bê bối của người thân trong gia đình. Vợ ông hiện tại phải đối mặt với cáo buộc giả mạo và gian lận tài chính.

Thìa đất ở Hàn Quốc: Tầng lớp thu nhập thấp bị tước quyền thành công và vươn lên trong cuộc sống dần khiến họ mất hết niềm tin hy vọng - Ảnh 4.

Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk.

Đối với những thanh niên Hàn Quốc đang phải chật vật để tồn tại trong xã hội phân biệt thìa đất và thìa vàng, thì vụ bê bối của Bộ trưởng Cho đã châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình lớn trong nhiệm kỳ của Tổng thống Moon.

Những cuộc biểu tình này phần nào phản ánh được tầng lớp thìa vàng hiện đang tiến xa như thế nào nhờ bàn đạp tài chính và địa vị từ bố mẹ. Trong một cuộc thăm dò vào tháng 9 vừa qua với 3289 người tham gia, khi được hỏi chìa khóa thành công của con cái là gì thì 3/4 số người trả lời rằng, đó là nền tảng của bố mẹ.

Thìa đất ở Hàn Quốc: Tầng lớp thu nhập thấp bị tước quyền thành công và vươn lên trong cuộc sống dần khiến họ mất hết niềm tin hy vọng - Ảnh 5.

Kim Jae Hoon sống trong căn hộ nhỏ bé của mình.

Kim Jae Hoon. 26 tuổi, người cũng sống trong căn hộ nhỏ bé như Hwang cho biết: “Tôi không thể phàn nàn về việc chúng tôi có điểm xuất phát khác nhau. Nhưng tôi tức giận vì có những người được nâng đỡ không phù hợp. Tôi vẫn ổn nếu như có ai đó đi học và tôi phải đi làm, nhưng việc họ được nâng đỡ sai cách khiến tôi tức giận”. Kim làm nghề bồi bàn bán thời gian tại một quán bar gần trường và nhận lương 400 nghìn won (gần 8 triệu đồng) một tháng. Hầu hết các bữa ăn của Kim chỉ là cơm cuộn với trứng, nửa củ hành và nước sốt.

Những ý tưởng về "thìa vàng" và "thìa đất" đã tạo dấu ấn trong văn hóa văn nghệ vào những năm gần đây. Bộ phim Parasite (Ký Sinh Trùng) của đạo diễn Bong Joon Ho khắc họa rõ nét về thực trạng này đã gây tiếng vang lớn ở cả trong và ngoài nước, giành giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes vào tháng 5/2019 vừa qua.

Thìa đất ở Hàn Quốc: Tầng lớp thu nhập thấp bị tước quyền thành công và vươn lên trong cuộc sống dần khiến họ mất hết niềm tin hy vọng - Ảnh 6.

Nhóm nhạc BTS được biết đến như thần tượng "thìa đất" trong những ngày đầu ra mắt giờ đã trở thành biểu tượng toàn cầu.

Ngay cả nhóm nhạc nam Kpop nổi tiếng toàn cầu BTS đã được biết đến như những thần tượng “thìa đất” và đã cố gắng chăm chỉ không ngừng nghỉ vào những năm tháng đầu vừa ra mắt. Âm nhạc của họ đã nói lên tiếng lòng của nhiều thanh thiếu niên, hay như ca từ trong bài hát Fire nổi tiếng: “Đừng gọi tôi là chiếc thìa. Tôi cũng là con người cơ mà” đã tiếp thêm sức mạnh cho nhiều người.

Thìa đất ở Hàn Quốc: Tầng lớp thu nhập thấp bị tước quyền thành công và vươn lên trong cuộc sống dần khiến họ mất hết niềm tin hy vọng - Ảnh 7.

Trên thực tế, chiếc thìa vàng bây giờ được xem như một món quà xa xỉ thay thế cho nhẫn vàng truyền thống được trao cho trẻ con nhân dịp ngày sinh nhật đầu tiên. Ý nghĩa của việc làm này là chúc các bé sẽ có một cuộc sống giàu có và sung túc.

Khái niệm về "thìa vàng" và "thìa đất" được thể hiện trong các bộ phim, bài hát ở Hàn Quốc đã phản ánh nỗi tuyệt vọng cay đắng của những người sống cả đời nhưng không có gì trong tay.

(Nguồn: SCMP)