Đã 25 năm kể từ khi lần đầu phá thai nhưng Lim chưa bao giờ vượt qua nỗi ám ảnh như thể bị phạm tội. Thời điểm đó, Lim chỉ mới 24 tuổi, đã có bạn trai nhưng vẫn chưa tính đến chuyện kết hôn. Năm ấy là năm 1993, quan hệ tình dục trước hôn nhân vẫn bị xem là một điều cấm kỵ tại Hàn Quốc.
Chính vì lẽ đó nên mang thai mà chưa lấy chồng chẳng khác gì phải chấp nhận sống trong sự kì thị của tất cả mọi người xung quanh, bất kể là sau đó cặp đôi có tổ chức kết hôn hay không. Cuối cùng, Lim chọn phá thai bất hợp pháp.
“Tôi vẫn nhớ như in biểu cảm kinh tởm của vị bác sĩ năm đó. Ông ấy không ngừng chậc lưỡi và lắc đầu. Tôi nói mình bị đau khi đặt thuốc vào bên trong thì ông ấy nói rằng người phụ nữ như tôi, đã 'làm hết mọi chuyện' thì sẽ không cảm thấy đau. Lúc đó tôi thật nhục nhã” - Lim chia sẻ.
Theo ước tính của chính phủ Hàn Quốc dựa theo khảo sát về phụ nữ trong độ tuổi sinh nở năm 2010, nước này có 169.000 ca nạo phá thai. Con số này cho thấy cứ 1.000 người ở Hàn Quốc thì có 16 người nạo phá thai, trở thành 1 trong những quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có tỷ lệ phá thai cao nhất.
Trải qua 26 năm, Hàn Quốc vươn lên trở thành 1 trong những cường quốc đáng ngưỡng mộ nhất thế giới nhưng lại nằm trong số ít quốc gia phát triển cấm phá thai, trừ những trường hợp cưỡng hiếp, loạn luân hoặc sức khỏe của người mẹ bị cái thai đe dọa. Bất kì phụ nữ nào vi phạm cũng có thể bị bỏ tù 1 năm và đóng tiền phạt. Đồng thời, bác sĩ tiếp tay cho hành vi phạm pháp này cũng có thể nhận về mức án cao nhất 2 năm tù giam.
Sau khi đã kết hôn và có 2 con, Lim lại lui tới bệnh viện nhiều lần để phá thai. May mắn là trải nghiệm trong những lần sau của cô không đến nỗi tệ. Lim được mẹ đi cùng đến bệnh viện và nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của đội ngũ y bác sĩ,
“Khi tôi nói vợ chồng tôi đã có 2 đứa con thì bác sĩ lập tức thay đổi thái độ, trở nên khá ân cần và còn nói: ‘Tất nhiên rồi, chúng tôi hoàn toàn hiểu được cho hoàn cảnh của cô’.
Thống kê cho thấy từ những năm trở lại đây, phụ nữ Hàn Quốc đi phá thai đều là những người đã kết hôn. Tuy nhiên, các nhóm bảo vệ nhân quyền cho biết thực hiện phẫu thuật loại bỏ đứa con trong bụng nhiều nhất là người chưa lập gia đình và hầu hết là các thiếu nữ ở độ tuổi teen. Những người này luôn phải sống trong nỗi lo sợ bị người bên cạnh bán đứng vì thực hiện hành vi phạm pháp trong quá khứ.
Năm 2017, 1 nữ sinh trung học tham gia hoạt động biểu tình ở thành phố Seoul kể lại rằng cô bé đã bị ép phải thôi học sau khi phá thai.
“Nếu em không tự động nghỉ học, thầy giáo dọa sẽ báo cáo vụ việc với cơ quan chức năng. Thầy nói em là 1 kẻ tội phạm vì mang thai khi còn là học sinh” - cô bé nói.
Phá thai được xem là hợp pháp trong 1 vài trường hợp như cưỡng bức, bố mẹ có mắc bệnh tâm thần di truyền hoặc bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, việc thai nhi biến dạng lại không được xem là lý do để phá thai.
“Ngay cả khi kết quả xét nghiệm xác định thai nhi bị dị tật bẩm sinh thì việc phá thai cũng bị cấm tuyệt đối. Khi đó, chúng tôi chỉ khuyên vợ chồng các sản phụ tìm đến những phòng khám tư có thực hiện phá thai bất hợp pháp” - bác sĩ sản khoa Lee, 60 tuổi, nói.
Vì bị chính phủ cấm nên hoạt động phá thai chui ngày càng đắt đỏ bởi các bác sĩ phải cẩn trọng để không bị phát hiện. Chi phí trung bình cho 1 lần phá thai rơi vào khoảng 1-2 triệu won (từ 19,7 cho đến 39.4 triệu đồng) tùy thuộc vào số tuần tuổi của thai nhi trong bụng. Thậm chí, nhiều phụ nữ Hàn đã bay sang Trung Quốc để phá thai.
Theo ông Ryu Min-hee, cố vấn luật sư, Hàn Quốc dường như không tồn tại bình đẳng giới tính. Phụ nữ không thể tự đưa ra những quyết định cho cuộc đời mình, bao gồm việc mang thai hay làm mẹ.
Sau khi trải qua ca phẫu thuật phá thai vào năm 1993, Lim đã phải nằm dưỡng sức ở một căn phòng nghỉ cho thuê giá rẻ, tồi tàn. Cô nằm đó cho đến khi sức khỏe hồi phục hoàn toàn mới dám trở về nhà bố mẹ và giả vờ như chưa có chuyện gì xảy ra. Đến tận thời điểm hiện tại, việc Lim phá thai ngoài chồng cô ra thì không ai hay biết.
“Tôi không dám kể cho ai nghe. Bố mẹ tôi mà biết chuyện chắc họ sẽ mất mặt với mọi người xung quanh lắm. Khi đó là thời điểm mà mọi người đều chăm chăm tính thời gian mang thai để xem đứa trẻ được thụ thai trước hay là sau khi kết hôn. Nếu như có bầu trước đám cưới, người mẹ sẽ mãi mang tiếng lăng nhăng” - Lim chia sẻ.
Người Hàn Quốc đặt nhiều niềm tin vào đạo giáo. Một số người đứng đầu các nhà thờ lớn ở đây cũng đã lên tiếng phản đối điều luật cấm phá thai vì cho rằng trên đời này không có gì là quan trọng hơn tính mạng con người.
Với trải nghiệm của mình, Lim thật sự không muốn bất kì cô gái nào phải trải qua những điều kinh hoàng như bản thân mình khi nằm trong căn phòng cho thuê chật hẹp và ngột ngạt nhiều năm về trước.
Theo kết quả của một cuộc khảo sát của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc được công bố trong năm nay, có đến 3/4 phụ nữ Hàn thuộc độ tuổi từ 15 đến 44 cho rằng luật cấm phá thai là không công bằng. Khoảng 20% trong số đó thừa nhận họ đã thực hiện phẫu thuật phá thai dù đây vẫn là hoạt động bất hợp pháp. Từ năm ngoái, hàng nghìn phụ nữ Hàn Quốc đã xuống đường biểu tình, phản đối luật cấm phá thai.
Vào tháng 4 vừa qua, Tòa án tối cao Hàn Quốc đã chính thức gỡ bỏ lệnh cấm phá thai và quyết định này sẽ được áp dụng vào cuối năm 2020, chấm dứt 66 năm tồn tại của điều luật được cho là mang đến nhiều bất công cho giới trẻ và phụ nữ không lập gia đình, đồng thời gián tiếp làm nở rộ dịch vụ phá thai chui nguy hiểm.
Tuy nhiên, trường hợp thai kỳ trên 20 tuần mà tiến hành nạo phá vẫn bị xem là hành vi phạm pháp. Thêm vào đó, luật cũng yêu cầu phụ nữ phá thai phải nhận được sự đồng ý của chồng hoặc người phối ngẫu – quy định không chỉ hạn chế quyền tự chủ của cá nhân mà còn khiến việc phá thai hợp pháp của nữ giới trở nên khó khăn hơn. Dù vậy, việc Tòa án tối cao đồng ý hủy bỏ luật cấm phá thai cũng được xem là bước thành công rất lớn của phong trào đấu tranh của phụ nữ Hàn Quốc.
Nguồn: SCMP, CNN