Phản ánh đến Báo Người Lao Động, ông Gia Khang (ngụ quận 4, TP HCM) kể khoảng 2 tháng trước, một người bạn làm ngân hàng (NH) cần "chạy" chỉ tiêu mở thẻ tín dụng nên nài nỉ ông mở giúp. Nể bạn, ông mở một dòng thẻ tín dụng thông thường để chi tiêu cá nhân và gia đình.
Tuần trước, nhân viên NH thông báo ông Khang còn một thẻ tín dụng khác liên kết với thẻ đang dùng, yêu cầu ông đóng một khoản phí. Ông rất bất ngờ, không hiểu vì sao chỉ mở 1 thẻ nhưng trên hệ thống lại có 2 thẻ đang hoạt động, lại còn liên kết nhau.
"Tôi đã khiếu nại qua tổng đài nhưng đến giờ chưa được NH hồi đáp. Đây không phải lần đầu tiên vì khoảng 2 năm trước, khi tôi vay tiền NH mua nhà thì điều kiện đi kèm là phải mở 1 thẻ tín dụng, sau đó tôi cũng phát hiện có tới 2 thẻ. Loay hoay mãi tôi mới hủy được, nay lại gặp tình huống này" - ông Khang nhớ lại.
Nhiều người cũng rơi vào tình cảnh "dở khóc dở mếu" khi trót mở thẻ tín dụng rồi loay hoay đi hủy. Ông Lê Hoàng (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho hay ông vừa nhận được điện thoại từ nhân viên tư vấn của một NH trụ sở ở Hà Nội, thông báo thẻ tín dụng của ông nếu kích hoạt lại sẽ được miễn phí thường niên 3 năm tới. Đáng nói, đây là thẻ tín dụng mà mới 1 tháng trước, ông phải trầy trật cả tuần mới hủy được.
Theo ông Hoàng, đầu năm 2024, một người quen làm nhân viên NH V. mời ông mở thẻ tín dụng, hạn mức là 44 triệu đồng để đủ chỉ tiêu phát hành. Cũng vì nể bạn, ông đồng ý mở thẻ dù chưa có ý định sử dụng. Việc mở thẻ rất thuận lợi, chỉ cần số điện thoại, CCCD và chỉ sau 1 tuần ông đã nhận được.
Trong quá trình ông Hoàng mở thẻ, nhân viên V. nói phải nạp vào 10.000 đồng để kích hoạt và sẽ được hoàn trả, song không nói sẽ bị tính lãi trên số tiền này. Hơn 6 tháng sau, tài khoản thẻ của ông đã trừ hết số tiền 10.000 đồng ban đầu và phát sinh thêm tiền lãi quá hạn, phí chậm nộp cho số tiền này, tổng cộng gần 200.000 đồng.
"Tôi rất bất ngờ vì nghĩ rằng không chi tiêu nhưng vẫn bị tính phí chậm nộp. Đáng nói, sau khi thanh toán số tiền này, tôi ra NH làm thủ tục đóng thẻ nhưng nhân viên yêu cầu tôi phải… về nhà, gọi lên tổng đài đăng ký hủy. Sau khi tôi báo hủy thẻ, tổng đài viên hẹn tiếp 3-5 ngày sau sẽ có người xác nhận... Mở thẻ thì dễ nhưng khi đóng thì cực quá" - ông Hoàng bức xúc.
Tương tự, anh Quốc Ngọc (ngụ TP Thủ Đức) cũng mất đến 2 tuần lên xuống NH vài lần mới đóng được thẻ tín dụng. Theo quy định của NH này, chủ thẻ tín dụng muốn hủy phải gọi lên tổng đài nhưng hệ thống thường xuyên quá tải. Đến khi có người nghe máy, nhân viên lại nói tài khoản của anh còn 600.000 đồng tiền ưu đãi, số dư chưa về 0 nên không hủy được. Muốn hủy, anh phải dùng hết số tiền ưu đãi này!
Vì sao mở thẻ tín dụng thì dễ - các NH quảng bá rầm rộ chỉ vài phút là có (nếu đủ điều kiện), nhưng khi đóng lại quá vất vả?
Vài NH chỉ chấp nhận đóng thẻ qua tổng đài thay vì đến chi nhánh hay thao tác qua ứng dụng NH. Nhân viên một NH thương mại phân trần việc đóng thẻ tín dụng qua tổng đài là để giảm tải, giảm áp lực cho nhân viên ở các chi nhánh, phòng giao dịch.
TS Châu Đình Linh, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, nhận định tình trạng người dùng "đua" mở thẻ tín dụng rồi lại trầy trật đi đóng vì không có nhu cầu sử dụng là hệ quả của một giai đoạn các NH mở rộng phát hành thẻ, nhân viên "chạy" chỉ tiêu kinh doanh. Không ít người cùng lúc sở hữu nhiều loại thẻ tín dụng (thẻ hoàn tiền, thẻ mua sắm, thẻ đồng thương hiệu…) với đủ hạn mức và nhu cầu khác nhau.
"Kinh doanh thẻ tín dụng thường có mức sinh lời cao từ lãi suất (lãi suất thẻ tín dụng trung bình khoảng 30%-35% - PV), phí, ưu đãi, dòng tiền từ tài khoản thanh toán… nên các NH mới đua nhau phát hành, bất chấp nhu cầu thực tế của người dùng. Trong khi đó, nhiều người không có nhu cầu nhưng vẫn mở thẻ vì cả nể người thân, bạn bè nên gần như không biết gì về về mức lãi suất phải trả, các loại phí phạt ra sao và sử dụng thẻ rất dễ dãi. Thực tế, không ít trường hợp đã mắc nợ xấu vì chi tiêu thiếu kiểm soát, không có khả năng chi trả" - TS Châu Đình Linh phân tích.
Theo chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh, ông từng có tới 7 thẻ tín dụng, cũng vì nể nang bạn bè hay người quen nhờ mở giùm. Do làm trong ngành tài chính nên ông nhận thấy các hợp đồng mở thẻ tín dụng đều rất dài và chi tiết nên rất ít khách hàng đọc kỹ trước khi ký. Chưa kể, hợp đồng thường có nội dung rất phức tạp.
"Một lần, tôi đọc hợp đồng mở thẻ tín dụng, thấy quy định chưa hợp lý nên đề nghị điều chỉnh. Phía nhân viên NH nói đây là khung pháp lý chung nên không thể sửa được. Nếu vậy, để sòng phẳng với chủ thẻ, bên cạnh hợp đồng, NH nên tóm tắt thông tin cụ thể cho khách hàng về lãi suất, các mức phí phạt, những rủi ro có thể gặp phải nếu không trả lãi đúng hạn" - ông Phan Dũng Khánh đề xuất.