Có quá nhiều dấu ấn của Guillermo del Toro trong The Shape of Water - cũng là đỉnh cao mới trong sự nghiệp của vị đạo diễn người Mexico. Một câu chuyện tình như cổ tích giữa những kẻ bị ruồng rẫy. Nỗi ám ảnh với những bóng ma trong quá khứ. Trung tâm là một tạo vật kỳ diệu - hay quái quỷ - tùy khán giả tự đánh giá.
The Shape of Water, trong mắt người tình si là một chương tình thấm đượm màu liêu trai. Với người khác, đó là một tác phẩm nhức nhối thông điệp đòi quyền bình đẳng trong nhóm người yếu thế: những người nước ngoài, người khuyết tật, phụ nữ, người da màu...
Câu chuyện về cô gái câm và quái vật từ Black Lagoon dung hòa được tính thương mại của Pacific Rim và Hellboy, với phong cách đen tối mà Pan’s Labyrinth từng khiến kẻ yêu người ghét, tất cả là các sắc thái mà del Toro trước tới nay đã bộc bạch với chúng ta.
Có một chuyện tình không lời màu thiên thanh
Cách đây gần 10 năm, Guillermo del Toro đã mường tượng trong đầu giọng nói của diễn viên Sally Hawkins và cả đôi mắt biết nói của cô khi xắn tay áo viết nên phần kịch bản cho nhân vật Elisa trong phim. Tuy nhiên ông quá ngại ngùng để gặp mặt Sally, để đưa tận tay cô bản thảo. Chỉ tới khi đã quá chén tại bữa tiệc của những người đồng nghiệp đồng hương, del Toro mới chịu mở lòng với nữ diễn viên.
Những gì chúng ta thấy trên màn ảnh ngày hôm nay có lẽ cần phải cảm ơn Alejandro González Iñárritu và Alfonso Cuarón rất nhiều.
Sally Hawkins, vào vai một cô gái câm làm quét dọn tại một trung tâm nghiên cứu bí mật của chính phủ Mỹ. Căn phòng của nàng ở trên một rạp chiếu phim tại Baltimore. Đó là những năm 60 đầy biến động, khi cả nước Mỹ sục sôi với kinh tế bùng nổ, tự động hóa, mọi thứ đều có vẻ tự do và dễ dàng.
Hóa ra, mọi thứ chẳng hề dễ dàng, ngay cả với một điệu nhảy giữa Bill Robinson và Shirley Temple trong The Little Colonel. Tình yêu của Elisa và người cá (vào vai bởi Dough Jones - người từng hóa trang thành Abe Sapien - sinh vật nửa người nửa lưỡng cư trong Hellboy) nảy nở ngay từ cái nhìn đầu tiên và cũng ở trong một tình cảnh ngặt nghèo hết sức.
“Chàng” là một thủy quái từ Amazon, một tạo vật đẹp đẽ và đáng sợ, bị chính phủ nhìn nhận như một tiêu bản thí nghiệm. “Chàng”, trong mắt Elisa, nguyên vẹn hình hài một trái tim biết đập những nhịp yêu thương.
Nàng từng bước chiếm được lòng tin của chàng, bằng sự dịu dàng nàng bóc từng quả trứng, bật nhạc và nhảy cùng với cây chổi lau nhà trong bản thu cũ của Benny Goodman. Chàng đâu màng việc nàng cấm khẩu, còn Elisa, ôi Elisa bé nhỏ yêu sinh vật kia với cả mạng sống của mình.
Chân dung của những anh hùng yếu thế
Chống lại cả một chính phủ Mỹ với một tướng năm sao, những điệp viên lành nghề của Liên Xô là những ai? Một cô gái câm, một ông già đồng tính, một phụ nữ da đen thậm chí còn chẳng phải loại hổ báo như ta vẫn thấy trên màn ảnh (Octavia Spencer) và một sinh vật nửa người nửa cá.
Trong thế giới của The Shape of Water, con người mới chính là quái vật. Richard Strickland của Michael Shannon là tổng hợp của tất cả những gì xấu xí nhất dưới lớp da người: độc ác, kỳ thị chủng tộc, coi thường phụ nữ, cuồng tín, cục súc... Giống như del Toro chia sẻ: “Việc chấp nhận mình là một con quái vật sẽ giúp ta có được tự do để không hành xử như một con quái. Thế nhưng khi bạn chối bỏ sự thật, bạn sẽ cư xử như một con quái vật thực sự.”
Lấy bối cảnh nước Mỹ năm 1962, The Shape of Water có cái chất cổ điển của dòng phim câm từng mở đầu cho thời hoàng kim Hollywood, lại nhức nhối thông điệp của hiện tại. Thập niên 60 hiện lên trong những mường tượng của người Mỹ về sự chuyển mình của một đất nước vĩ đại. Tất cả những gì người ta nói với nhau là về tương lai. Họ lái những chiếc xe đẹp, mọi thứ dường như được tự động hóa, người vợ xinh chuẩn bị bữa tối trong căn bếp, phòng khách là hai đứa con thơm tho sạch sẽ.
Thế nhưng cái tương lai đó không bao giờ tới. Kennedy bị ám sát năm 1963, và rồi hàng thập kỷ sa lầy trong suy thoái kinh tế và những cuộc viễn chinh bên kia đại dương. Nước Mỹ ngày nay, không khác là bao so với thế giới của nó 50 năm trước: vẻ hào nhoáng bên ngoài không che giấu được những vấn đề về phân biệt chủng tộc, bất bình đẳng giới và trên hết, sự cô đơn của cá nhân. Có thể nói, The Shape of Water mượn quá khứ để nhắc nhở cho chúng ta về thực tại.
Del Toro có vẻ như không giấu diếm sự ngưỡng mộ của mình dành cho cặp đạo diễn người Pháp Jean-Pierre Jeunet và Marc Caro. Bảng màu xanh ngọc và cả cách khai thác tâm tưởng của The Shape of Water gợi cho ta về những The City of Lost Children, Delicatessen hay Amelie. Trong khi đó, sự tự ý thức và tinh thần chống đối của các nhân vật trong phim lại khiến khán giả nhớ về Twelve Monkeys của Terry Gilliam.
Trên tất cả, đây vẫn là một trong những phim “del Toro” nhất, một dự án mà ông phải trăn trở và vật lộn - theo đúng nghĩa đen vì thời tiết khắc nghiệt trong quá trình bấm máy cùng tai nạn trên trường quay. Mọi thứ đều được đền đáp, The Shape of Water với tính thẩm mỹ và sự giàu có trong các tầng nghĩa, sẽ còn ở lại rất lâu trong tâm trí khán giả.
Giống như nước, tình yêu cũng không có một dáng hình cụ thể bởi điều đó có ý nghĩa gì đâu khi ta đã yêu đến điên dại. Câu chuyện cổ tích về nàng công chúa người cuồng si một thủy quái đã khép lại, nhưng tựa hồ đại dương bao la nhấn chìm người xem, The Shape of Water sẽ còn vỗ vào lòng ta nhiều cơn sóng cảm xúc của tình yêu, tiếng nói bình đẳng và cả cái đẹp trong sự không hoàn hảo.