Guillermo Del Toro là một cái tên quen thuộc với điện ảnh thế giới đặc biệt với thể loại phim kinh dị nhờ những tác phẩm xuất sắc của ông vào những năm đầu thế kỷ 21. Không chỉ dừng chân lại đó, những tác phẩm hành động khác của ông đều nhận được đánh giá rất cao và cả những bộ phim ông tham gia vào công tác hậu trường đều mang đậm dấu ấn của Guillermo. Để có được thành công như ngày hôm nay ông đã có những bước đi ngay từ khi còn rất nhỏ, khỏi đầu từ những đam mê và biến nó thành sự nghiệp của mình.
Tài năng bẩm sinh
Guillermo Del Toro sinh ngày 9 tháng 10 năm 1964 tại Jasico, Mexico và được dạy dỗ từ bé trong một trường dòng nam của Công Giáo. Ngay từ bé ông đã có niềm đam mê với văn hóa kinh dị, ông đã dành rất nhiều thời gian rảnh để xem những bộ phim kinh dị Nhật Bản và được truyền cảm hứng nhiều nhất từ những đạo diễn nổi tiếng bao gồm: Bunuel, Hitchcock, Cronenberg, Terry Gilliam, Renoir và David Lynch. Ông học hỏi nghệ thuật làm phim từ việc viết kịch bản bởi đạo diễn nổi tiếng xứ Mexico Jaime Humberto Hermosillo và kỹ xảo điện ảnh từ công ty Dick Smith. Hai bộ phim ngắn đầu tay của Guillermo là Doña Lupe và Geometria đều được lựa chọn để trình chiếu cho hàng loạt các liên hoan phim quốc tế.
Năm 1986, ông tham gia đạo diễn và viết kịch bản 3 tập cho series kinh dị Hora Marcada và dành 4 năm sau đó để chuyên tâm vào lĩnh vực hóa trang. Từ những kinh nghiệm đã có ông thành lập công ty Necropia chuyên về hóa trang của riêng mình và đã tham gia vào một số dự án trong những năm 90. Năm 1993 đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp ông với bộ phim điện ảnh đầu tay của bản thân mang tên Cronos. Thuộc thể loại kinh dị về ma cà rồng, Cronos đã đem về cho Guillermo vô số những giải thưởng quan trọng đặc biệt là 7 giải Silver Ariels tại Liên Hoan Phim Mexico, vài năm sau đó ông tiếp tục cho ra lò bộ phim Mimic cùng thể loại về những con quái vật gián gớm guốc.
Đầu thế kỷ 21, Guillermo đã làm điện ảnh thế giới thêm một lần chấn động về làn sóng kinh dị Mexico với The Devil's Backbone (2001) và lấn sân sang cả những tác phẩm chuyển thể từ truyện tranh cùng Blade 2 (2002) và Hellboy (2004), một trong những cuốn truyện tranh ông yêu thích nhất.
Năm 2007, tuyệt tác Pan's Labyrinth của ông ra đời đánh dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của Guillermo với đề cử Oscar lần đầu tiên. Trong suốt một quãng thời gian dài, ông lùi về vị trị nhà sản xuất và biên kịch cho nhiều tác phẩm kinh dị như Don't Be Afraid of the Dark (2010), Mama (2013), The Orphanage (2007) trong đó có dự án bom tấn The Hobbit của đạo diễn Peter Jackson. Paciffic Rim (2013) đưa ông trở lại với thể loại hành động kể từ sau Hellboy II: The Golden Army (2008) cho khán giả hàng loạt những hình ảnh ấn tượng về cuộc chiến giữa những con robot và quái vật khổng lồ.
Guillermo còn là thành viên sáng lập Trung Tâm Nghiên Cứu Điện Ảnh và Liên Hoan Phim Mexico tại quê nhà vào lúc 15 tuổi và tham gia trong thành phần ban giám của Viện Điện Ảnh Mexico, giải thưởng Sundance và Spirit.
Sự chăm chút trong hình ảnh và lối kể chuyện
Điều làm nên sự khác biệt rõ rệt của Guillermo so với những đạo diễn khác là sự khác biệt trong tạo hình nhân vật và thiết kế phim. Những bộ phim của ông ngay từ những bước đi đầu tiên đều được chăm chút kỹ lưỡng ở khâu hình ảnh kể cả tấm poster như trong The Devil's Backbone khi mọi người còn đang bị ảnh hưởng bởi các hồn ma máu me hay tóc dài lõa xõa của Ringu ông đã tạo nên hồn ma của một cậu bé nơi ngôi trường thời thế chiến. Một cơ thể trắng xóa với vết thương ngay trên trán và vệt máu bay là là giữa không trung.
Ngay cả những phim ông không tham gia trực tiếp vào khâu đạo diễn cũng có những dấu ấn rất riêng của ông như những con quái vật Tiên Răng trong Don't Be Afraid of the Dark hay linh hồn người mẹ trong Mama. Những tạo hình ghê rợn, gớm guốc này của ông rất đa dạng và không có khuôn mẫu nhất định nào, nó là sự tổng hợp của niềm đam mê kinh dị từ lúc nhỏ của ông.
Vốn là một "fanboy" trung thành của các thể loại truyện tranh khác nhau, những bộ phim chuyển thể của ông cũng bám rất sát với nguyên tác và luôn được lòng các fan hâm mộ. Blade 2 là những cảnh hành động cực kỳ bạo lực và kinh dị cùng những quái vật ma cà rồng không thể nào ghê rợn hơn, đặc biệt là sinh vật kinh tởm Reaper do chính ông sáng tạo nên. Loạt phim Hellboy còn ấn tượng hơn khi các nhân vật trong phim đều được ông tham gia vào quá trình hóa trang và đưa lên màn ảnh những tạo hình y hệt như trong truyện tranh bước ra, Paciffic Rim thì như sự kết hợp hoàn hảo của Gundam và những quái vật trong Ultraman. Hiệu ứng hình ảnh mượt mà, không làm rối mắt người xem và luôn cường điệu hóa những pha hành động tạo nên những khung hình ấn tượng cho khán giả.
Nhưng nếu chỉ riêng hình ảnh không thôi, Guillermo vẫn chưa thể tạo được tiếng vang trong điện ảnh thế giới như hôm nay mà còn phải nhắc đến phong cách kể chuyện rất đặc trưng của ông. Tính riêng trong những bộ phim kinh dị, ông không bao giờ chú trọng vào những pha hù dọa "jumpscare" rẻ tiền mà đi vào lối kể chuyện từ tốn với nội dung hoàn chỉnh ba phần mở, thân, kết tạo cảm giác trọn vẹn cho người xem.
Phân tích riêng Pan's Labyrinth, bộ phim xuất sắc nhất trong sự nghiệp của ông cho tới thời điểm này chúng ta có thể thấy một câu chuyện cổ tích của thần thoại Hy Lạp với sự xuất hiện của Thần Nông nhưng không thiếu những con quái vật máu me, nhớp nhúa. Song song với câu chuyện thần thoại của cô bé Ofelia trong phim là cuộc đấu tranh của những người lính kháng chiến với lực lượng Phát Xít cư ngụ trong quê hương Tây Ban Nha của họ.
Hai tuyến truyện diễn ra liền mạch với nhau khiến người xem cảm thấy hứng thú nhưng cũng truyền tải những thông điệp về chiến tranh, về sự độc ác của người với người và mong ước thoát khỏi thế giới thực tại xấu xí này để về miền đất thần tiên của Ofelia. Còn với The Devil's Backbone là những sự thật mờ ám được che đậy tưởng chừng như hoàn hảo dần dần được bóc tách kéo theo sự cao trào trong mạch phim và tất cả các phim của ông đều được sự hậu thuẫn bởi những bản nhạc nền cực kỳ xuất sắc, u ám tang thương và có gì đó nuối tiếc như chính số phận các nhân vật trong phim.
Crimson Peak và sự tranh cãi của khán giả
Vì thế khi Crimson Peak lần đầu được Guillermo chính thức xác nhận, mọi người đều khắc khoải mong chờ một tuyệt tác kinh dị mới của ông sau 9 năm lui về ghế hậu trường kể từ Pan's Labyrinth. Thế nhưng những gì người xem đón nhận được lại là những màn hù dọa quá đỗi bình thường và không cần thiết, mất đi sự tinh tế và cảm giác rờn rợn của những bộ phim trước do ông thực hiện. Nội dung trong phim cũng hoàn toàn không được trau chuốt, chỉ dừng ở mức chỉn chu nhưng với những lỗ hổng quá lớn, tình tiết phi logic khó có thể chấp nhận và hơn hết mạch cảm xúc của người xem và của chính các nhân vật trong phim cũng chỉ dừng ở mức lửng lơ, không cao trào mà lê thê vô cùng. Bên cạnh đó thì cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng đây là một trong những tác phẩm thành công của Guillermo, câu chuyện như vậy là chỉn chu và phần hình ảnh thì quá xuất sắc.
Cùng với nhiều dự án phim bị hủy hoặc dừng vô thời hạn từ nhà sản xuất như Hellboy 3, Paciffic Rim 2, một số khán giả lo sợ Guillermo Del Toro đang thiên dần vào những dự án bom tấn mang tính giải trí cao phục vụ cho thị hiếu khán giả để sinh lời cho nhà sản xuất nhiều hơn là những câu chuyện thần thoại kinh dị được đầu tư kỹ lưỡng ở mọi mặt. Những tác phẩm có sự có mặt của Guillermo Del Toro luôn được đánh giá cao ở nhiều mặt khác nhau nhưng bản thân ông cần phải tạo ra cho mình một cột mốc mới thật sự nếu không chính ông sẽ đi theo vết xe đổ của nhiều người đồng nghiệp khác như M. Night. Shyamalan đang rất vất vã để gầy dựng lại danh tiếng sau nhiều dự án hành động bom tấn thất bại nặng nề.