Có một điểm chắc chắn là Tag (Tựa Nhật: Riaru Onigokko) không dành cho những người yếu tim, kể cả với những ai đã quen thuộc với các tác phẩm đẫm máu nổi tiếng trước đây của Sion Sono như Strange Circus (2005), hay gần đây hơn là Why Don’t You Play in Hell? (2013) cũng như Tokyo Tribe (2014). Đây cũng không phải là tác phẩm điện ảnh thuần giải trí, nó đòi hỏi khán giả phải có sự kiên trì và suy ngẫm khi xem vì đằng sau sự máu mê vô nghĩa là rất nhiều chi tiết liên quan đến đa vũ trụ hay lý thuyết con rối – người điều khiển.
Nữ diễn viên/người mẫu mang 2 dòng máu Nhật – Áo Reina Triendl vào vai Mitsuko, người sống sót duy nhất của vụ thảm sát trên xe bus. Nhưng khi đi tìm người giúp đỡ thì cô đã vô tình tới một ngôi trường, kỳ quái hơn là mọi người ở đó lại nói rằng từ trước tới giờ cô vốn thuộc về nơi đây. Tất cả đều có cảm giác xa lạ. Dù vậy khi Mitsuko bắt đầu tin rằng tất cả chỉ là một cơn ác mộng, cô nhanh chóng bị cuốn về những trò chơi quái gở và đẫm máu của “số phận” dành sẵn cho mình.
Tag rời Liên hoan phim Fantasia 2015 với 2 giải Phim hay nhất, Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, cùng lời nhận xét “sáng tạo, bất ngờ, với cảnh mở đầu vô cùng ấn tượng”. Quả thực, khó có cảnh phim nào năm nay lại đáng nhớ, táo bạo và đẫm máu như cảnh hai chiếc xe bus chở đầy nữ sinh trung học bị cắt làm đôi bởi một cơn gió chết người. Đó là cách Sion Sono mở màn cho “Tag”, và còn xuất sắc hơn khi ông không để khoảnh khắc đó làm lu mờ phần còn lại của bộ phim.
Với ý nghĩa của “Onigokko” có nghĩa là trò chơi đuổi bắt, nhân vật nữ chính dành gần hết thời gian để chạy và chạy. Cô chạy trốn khỏi cơn gió đã giết hại các bạn học, chạy khỏi những kẻ thù bất chợt xuất hiện như thể cô đang ở trong một game nhập vai, chạy cho đến khi cô có thể mường tượng ra tại sao những điều khủng khiếp “siêu thực” này lại giáng xuống đầu mình.
Dù có chạy đi đâu, chết chóc và hủy diệt luôn theo chân Mitsuko. Với những cảnh bạo lực cường điệu và lố bịch một cách có chủ đích, phim tạo nhiều tình huống kỳ quái cho nhân vật chính vượt qua, nhưng tất cả không phải là vô nghĩa. Bí ẩn sẽ được giải đáp vào cuối phim, nhưng để dễ dàng theo dõi phim, người xem có thể đơn giản nhìn nhận rằng Mitsuko đang phải làm “nhân vật chính” trong một trò chơi điện tử, phải trải qua các màn chơi với độ khó tăng dần cho đến khi “đến đích”.
Thực ra, lời giải cho sự khủng hoảng của Mitsuko đã được khéo léo ẩn ý từ phân cảnh 4 cô nữ sinh trốn tiết và vào rừng chơi. Cuộc nói chuyện về các thế giới song song, về việc làm thế nào để thay đổi vận mệnh, xen vào đó là cuộc chiến bằng gối cho khán giả một khoảng lặng hiếm hoi trước những chuyện khủng khiếp sắp sửa tiếp tục diễn ra. Tag hơn hẳn những phim kinh dị thông thường với câu hỏi về bản ngã. Sẽ ra sao nếu cuộc đời bạn, con người bạn trước đây chỉ là một ảo giác? Đâu mới là con người thật của mình? Số phận có đúng là bất biến, không thể thay đổi?
Ý tưởng cuộc đời mình do một thế lực cao hơn chi phối là khởi nguồn của “Tag”, cũng như nhiều tác phẩm khác của Sion Sono. Trọng tâm của phim là vấn đề hiện thực khách quan và vận mệnh xung đột với ý nguyện của bản thân. Theo lời cô bạn của Mitsuko thì cách duy nhất để thay đổi số phận là những hành động bộc phát, không theo lẽ thường. Nhưng nó cũng chỉ có thể đánh lạc hướng hay gây gián đoạn chứ chẳng phải một kế hoạch hành động thực sự; nó có thể đổi hướng hành trình của bạn, nhưng nhiều khả năng là bạn sẽ vẫn ở vị trí cũ. “Vận mệnh đã bẫy chúng ta”. Bất kể ta là ai, làm gì, hay muốn gì đều không quan trọng.
Ngoài ra, xuyên suốt bộ phim còn cài cắm thông điệp về bình đẳng giới, hơi kỳ lạ giữa những cảnh tàn sát đẫm máu này. Mitsuko và những thân phận khác của cô khi bước vào mỗi thế giới mới, dần dần đã chuyển từ một người thụ động và chỉ phản ứng lại trước những gì xảy ra xung quanh thành một người bắt đầu tự quyết định vận mệnh của chính mình.
Đây quả là một cách tiếp cận dị thường cho một câu chuyện về sự trưởng thành, nhưng Sono đã ẩn dụ một cách thông minh về những nỗi sợ mà một cô gái trẻ phải đối mặt khi trở thành người lớn. Phim hầu như chỉ toàn diễn viên nữ, nhưng bất ngờ thay, đây lại là một tác phẩm ngầm chỉ trích nam giới, dưới lớp vỏ ngụy trang của một bộ phim kinh dị đẫm máu.
Đáng tiếc khi tất cả bí mật về việc tại sao Mitsuko bị cuốn vào những chuyện điên rồ này được tiết lộ ở cuối phim, đó đúng là một bất ngờ thú vị nhưng không thể làm khán giả hoàn toàn thỏa mãn, có cảm giác hơi quá vội vã và gọn gàng so với tính siêu thực trong phần còn lại của bộ phim. Mặc dù vậy, chuyện này có thể bỏ qua vì đây cũng không phải là một phim nặng về tâm lý, mà có phần hơi nhẹ nhàng, hài hước nhưng điên rồ.
Tag kỳ dị một cách thú vị, đủ để duy trì tính thực - hư và triết lý riêng của nó. Với độ dài chỉ hơn 80 phút, đây có vẻ như chỉ là một thử nghiệm mới đến từ Sion Sono. Nhìn lại, tuyệt tác Love Exposure của ông có thời lượng gần 4 tiếng, đấy là chưa kể đã bị cắt bớt 2 tiếng theo yêu cầu của nhà sản xuất. Tag là một phim nhỏ nhưng rất điên rồ và bạo lực. Bạn có thể không hiểu chuyện gì đang diễn ra, nhưng thế không có nghĩa là bạn không thể tận hưởng tất cả những bất ngờ kỳ quái mà bộ phim đã chuẩn bị cho mình.