Bộ phim kinh dị Tag mới ra mắt của đạo diễn kỳ cựu Sion Sono “quyến rũ” cư dân mạng với đoạn trích cực kỳ rùng rợn của cảnh đầu, khi trong chớp mắt hàng loạt nữ sinh trong một chuyến xe bus bị chém đứt đôi người bởi một cơn gió. Tuy nhiên, nhiều khán giả tò mò xem thử Tag đã bị “dội” , bởi phim có quá nhiều tình tiết trừu tượng gây khó hiểu và khó cảm thụ. Phim đề cập nhiều đến lý thuyết vũ trụ song song, đồng thời vạch trần sự đáng sợ của đời thực đối với các kiếp người đáng thương.
Cuộc trốn chạy không lối thoát/ Sự vô vọng của con người trước số phận
Nhân vật chính của phim là Mitsuko, cô nữ sinh duy nhất đã sống sót trong cuộc tàn sát kỳ dị ấy. Mò mẫm tìm đường chạy trốn khỏi cơn gió kinh hoàng, cô lạc đến một ngôi trường nọ. Khi gặp gỡ một nữ sinh trong trường tên Aki, Mitsuko ngạc nhiên khi được cho biết mình đã thuộc về nơi này từ rất lâu. Vừa kịp thích nghi với những “người bạn mới” và tự trấn an bản thân rằng tất cả chỉ là một cơn ác mộng tồi tệ, thì những sự kiện đẫm máu diễn ra tiếp theo đã khiến cô nữ sinh ngây thơ nhận ra mình đang bị kéo vào một trò chơi sống còn “siêu thực” vô cùng tàn độc.
Chạy trong một cuộc đua thì còn có điểm dừng, nhưng chạy trốn khỏi cuộc đời thì chạy mãi không thôi. Dù Mitsuko có nhận được bao nhiêu sự hỗ trợ từ những người bạn chân thành như Aki, chết chóc và sự hủy diệt cứ bám lấy cô bé tội nghiệp như hai cực trái dấu của một thỏi nam châm.
Một điểm cộng lớn cho phần âm thanh của phim, đó là dẫu ở những cảnh máu me tởm lợm nhất, nhạc nền luôn du dương réo rắt. Thế là giữa bãi thây người ngồn ngộn thịt xương ấy, bản nhạc không lời Pure as Snow của nhóm nhạc Post-rock Mono chợt vang lên, phủ ngập “nàng Bạch Tuyết” Mitsuko ngây dại, hoang mang, như thiên sứ chịu cảnh mắc đọa dưới chốn địa ngục trần gian này.
Dùng cái chết để nói về nhân sinh quan
Khi mạch phim phát triển, người xem nếu chăm chú từ đầu sẽ nhận Tag cài cắm ít nhất là hai tầng tư tưởng, về thuyết đa vũ trụ và ẩn ý về người điều khiển và con rối.
Trong truyện tranh hay phim khoa học viễn tưởng, phim siêu anh hùng thường xuất hiện yếu tố này, nhưng điều độc đáo ở đây là đạo diễn Sion Sono lại bất ngờ không thông báo trước và cho nó vào một tựa phim mà khán giả luôn đinh ninh là kinh dị hạng B thuần túy. Mitsuko mỗi khi thoát khỏi một trận tàn sát lại bị lạc vào một “thế giới” khác, mang một danh phận và hình hài riêng biệt. Dù vậy, ở mọi thế giới như luôn có một sợi xích vô hình kéo cô đến một cái kết đã được định trước. Những xác người cứ đổ ập xuống trên hành trình của Mitsuko, bản thân cô cũng phải giết người để tồn tại.
Trong các bộ phim trước của Sion Sono không thiếu trường hợp nhân vật chính để tháo chạy khỏi đời thực mà đã thực hiện những hành vi vượt qua chuẩn mực đạo đức hiện tại. Điển hình như nữ chính trong Guilty of Romance (2011) bị quyến rũ bởi việc ngoại tình, hay nhóm làm phim trẻ trong Why Don’t You Play in Hell (2013) vì muốn làm ra tác phẩm điện ảnh để đời nên đã tham gia chém giết cùng hai băng xã hội đen. Lối làm phim từ trước đến nay của Sion Sono vẫn không thay đổi, vẫn thông qua việc tôn vinh chết chóc và bạo lực, từ đó đưa ra những trải nghiệm rất trần trụi về đời thực tàn nhẫn.
Tình tiết này được giải thích một cách rất rõ ràng bởi người bạn học có biệt danh “Siêu thực”, với hình ảnh chiếc lông vũ dù được thả từ vị trí nào cũng sẽ luôn có cùng một điểm đáp. Phương pháp khả thi duy nhất để chống lại số phận hay bất cứ thế lực nào tượng trưng cho nó, đó là phải thực hiện những hành động không ai ngờ tới.
Số phận bi kịch của người phụ nữ trong một xã hội tàn khốc
Về lý thuyết người điều khiển và con rối, hãy thử hình dung mỗi thế giới mà Mitsuko đi qua là một “màn chơi”, còn cuộc chạy trốn oái oăm của cô như một game nhập vai vĩ đại. Cô thay đổi, trở nên mạnh mẽ hơn, nhưng “mức độ khó” cũng cứ thế tăng lên. Trong đời thực cũng vậy, những con người nhỏ bé luôn bị giật dây, bị điều khiển bởi những thế lực cao hơn, ép buộc chúng ta phải gò bó trong một khuôn khổ chuẩn, chỉ cần đi lệch sẽ bị xem là kẻ thất bại, đồ bỏ đi – trường hợp của phim là bị “trừ khử”.
Cụ thể hơn, đó là số phận của những người phụ nữ trong một xã hội còn nhập nhằng chuyển giao giữa hủ tục và văn minh. Phần lớn các nhân vật trong “game” này là nữ giới, từ đủ mọi nghề nghiệp từ nữ sinh, cô giáo, nữ cảnh sát. Nhìn chung, họ phù hợp với mọi sở thích của nam giới ở Nhật Bản, đặc biệt là các otaku. Đây là một chi tiết nhỏ được lồng ghép đầy thú vị, và sau đó khiến khán giả vỡ lẽ ra với hình tượng người đàn ông lớn tuổi xuất hiện ở cuối phim.
Họ phải sống, chết và hồi sinh để phục vụ thú tiêu khiển của các nhân vật nam, những kẻ đáng khinh không thể trông cậy được. Nếu nhìn nhận Tag theo hướng này thì mọi vấn đề “căng não” trong phim cũng sẽ được thông suốt, các phân cảnh bạo lực bị phóng đại có phần quá lố cũng có thể chấp nhận được.
Kết
Ngoài ra, bản thân Tag với nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ và những hình tượng mang tính biểu tượng đa nghĩa, sẽ gửi gắm đến cho mỗi khán giả một giá trị nhân bản rất riêng biệt mà họ tự rút ra từ trải nghiệm đời mình. Tựu chung lại, có thể xem phim là một bức tranh trừu tượng đẹp lộng lẫy, có sự giao thoa hài hòa giữa tông màu đỏ của máu và bạo lực, cùng tông màu trắng thanh nhã, như những chiếc lông vũ mà Mitsuko đã để lại vào cuối phim.
Tóm lại, Tag không phải là một tựa phim kinh dị dễ dãi, không mong cầu khách hàng là những khán giả đi tìm sự giải trí thuần túy. Bởi thứ chết đi sau khi Tag kết thúc không chỉ là sinh mệnh những cô gái tội nghiệp trong phim, mà còn là các dây thần kinh não bộ của bạn, căng cứng như dây đàn để tìm cho ra được các giá trị chân – thiện – mỹ ẩn rất sâu chờ được khai phá.