Trong những năm qua, việc mua vàng đã trở thành xu hướng mới trong việc tiêu dùng và đầu tư của người trẻ. Lướt khắp mạng xã hội, có rất nhiều bài viết chia sẻ về kinh nghiệm mua vàng từ sớm, hay ở độ tuổi dưới 25 nhưng đã tích lũy được 2-3 cây vàng là chuyện không còn hiếm.
Theo các doanh nghiệp kinh doanh vàng, người trẻ mua vàng ngày càng nhiều. Và đây là xu hướng chung xuất hiện tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia châu Á.
Ở Việt Nam, cũng có rất nhiều bạn trẻ quyết định mua vàng từ sớm.
Đó cũng là quan điểm của Tường Tài (SN 2001, quê ở Long An) - hiện đang quản lý tiệm vàng gia đình ở TP.HCM. Tường Tài cho biết trong những năm qua, nhận thấy được xu hướng người trẻ ngày càng thích mua vàng hơn.
“Do tiệm vàng của mình ở chợ đầu mối nên đa phần người mua vàng vẫn là các cô chú trung niên nhiều hơn. Nhưng mình cũng cố gắng đẩy mạnh để hướng đến đối tượng người trẻ mua vàng hơn.
Đối với đối tượng khách hàng này, mình thấy đa phần các bạn thích những mẫu mã mới, được cập nhật mới nhất, yêu cầu chuyên môn cao về chế tác. Ngoài ra, các bạn cũng mua vàng dựa theo xu hướng marketing khá nhiều. Tức là nhiều bạn có tâm lý thấy nơi làm marketing tốt, chứng tỏ nơi này có đầu tư, nên sản phẩm có chất lượng hơn.
Đó cũng là một trong những yếu tố khiến mình muốn đẩy mạnh truyền thông trên TikTok. Bằng cách cập nhật kiến thức như nên mua vàng hay trang sức nào để đầu tư, tình hình giá vàng hiện tại, những sai sót có thể có khi nhân viên tư vấn về vàng… Từ đó các bạn sẽ được cung cấp nhiều kiến thức, tự đưa ra quyết định chứ không để có sự hiểu nhầm hay suy nghĩ rằng “do người bán muốn có lợi, nên mới tư vấn như vậy” .
Một trong những bạn trẻ cũng gia nhập cuộc đua mua vàng sớm, phải kể đến Khánh Linh (SN 2000, Hà Nội). Cô bắt đầu thói quen mua vàng vào năm 2021 - năm cuối đại học.
Khánh Linh thường chọn mua vàng vào những ngày sau nhận lương, hoặc lúc có thưởng từ công ty, hoặc khi có dòng tiền nhàn rỗi. Trong 2 năm đầu, Khánh Linh thường vài tháng mua 1 chỉ vàng, bởi mức lương mới ra trường chưa quá cao. Cho đến 2 năm trở lại đây, cô mới bắt đầu mua đều đặn 1-2 chỉ/tháng.
"Mình ưu tiên mua vàng nhẫn vì cho rằng chúng dễ mua, dễ bán, không phải trả thêm phụ phí hay chế tác và gia công khác. Khi có thói quen mua vàng thường xuyên, mình nhận ra xung quanh không phải ai cũng có thói quen này. Như đợt bạn thân của mình tổ chức đám cưới, chúng mình có góp tiền mua 1 chỉ và mình cũng thấy rất tự tin khi đứng ra nhận mua và canh khi giá vàng hợp lý khi mua đại diện cho nhóm" - Khánh Linh tâm sự, đồng thời tiết lộ cô mua ở thời điểm đó là khoảng đầu năm 2023 với giá 7,8 triệu/chỉ.
Khánh Linh có thói quen mua vàng trong 4 năm qua. (Ảnh: NVCC)
Không chỉ đầu tư mua vàng suông, nhiều bạn trẻ cũng tính toán và đặt ra kế hoạch cho nó. Đó là Nguyễn Hoàng Minh (SN 2001, TP.HCM) cũng đã kịp tích luỹ 4 cây vàng sau 3 năm đi làm.
"Có tháng giá vàng xuống thấp, mình cố gắng chắt chiu, bớt đi chơi để mua thêm 2 chỉ. Mình không thấy khổ sở khi tiết kiệm, ngược lại cảm thấy vui vì mỗi tháng đều có một khoản nhỏ để mua vàng, như một phần thưởng cho bản thân" - Minh tâm sự.
Không chỉ mua vàng, bạn trẻ này cũng có chiến lược đầu tư để đi lâu dài được sân chơi này. Hoàng Minh thường áp dụng phương pháp "DCA" (Dollar-Cost Averaging) - hay bình quân giá - để mua vàng đều đặn mỗi tháng, thay vì dồn toàn bộ tiền mua một lần.
Cách tiếp cận này giúp anh giảm rủi ro khi giá vàng biến động mạnh và tối ưu hóa giá mua trung bình . "Dự đoán giá vàng lên hay xuống là điều rất khó, nên mình chọn cách mua cố định theo số DCA mỗi tháng, bất kể giá cao hay thấp," Minh giải thích. Đồng thời cho biết sẽ không bao giờ cầm 100% tiền của mình mà mua ngay lập tức, mà anh chàng thường lên kế hoạch mua theo từng tuần hoặc tháng.
Phúc Hậu có có thói quen mua 1 chỉ vàng hàng tháng.
Huỳnh Phúc Hậu (SN 2001, TP.HCM) cũng có thói quen mua vàng hàng tháng. Phúc Hậu bắt đầu mua vàng khi còn là sinh viên năm hai Đại học, từ thời điểm mà chàng trai nhận được lương từ những công việc làm thêm đầu tiên. Hậu mua vàng khi giá khoảng 5,3 triệu/chỉ và cho đến nay, giá vàng đã chạm 9,2 triệu/chỉ.
Anh chàng tâm sự: "Tháng nào khó khăn thì mình mua nửa chỉ, khó khăn hơn nữa thì mua 3 phân. Nói chung tiệm nào bán vàng số lượng nhỏ thì mình càng mua. Tiết kiệm trước, chi tiêu sau. Thay vì suy nghĩ khi có tiền sẽ đi mua giày, mua quần áo, đi du lịch thì mình nhắm mắt chạy thẳng ra tiệm vàng, nói lấy cho em 1 chỉ"
Anh chàng thường ưu tiên mua vàng nhẫn vì quan điểm: So với loại vàng này, vàng miếng tốn thêm tiền công khoảng 80 ngàn/chỉ nên không tối ưu lợi nhuận khi bán.
"Mình không cần đợi vàng xuống thì mới mua vào. Vì mình mua vàng số lượng ít, nên biên độ chênh lệch không cao chỉ tầm 50 -100 ngàn đồng/chỉ thôi. Có lần mình cũng đợi ở thời điểm vàng giá 7,8 triệu/chỉ, không ngờ là qua một thời gian sau thì vàng đã lên hẳn 8,3 triệu/chỉ rồi. Qua lần đó, mình tự nhủ cứ có tiền là đi mua vàng, đừng đợi nó giảm. Vì mình đợi giá vàng giảm thì không chừng nó lại lên (cười)" - anh chàng cho biết.
Ảnh minh hoạ.
Thực tế, việc ngày càng nhiều người trẻ thích mua vàng đang diễn ra tại nhiều nước trên thế giới, và diễn ra từ vài năm nay. Theo Báo cáo công bố năm 2021, của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), ước tính khoảng 3/4 người mua vàng hiện trong độ tuổi từ 25 đến 35, nhiều người chuộng vàng bởi coi đây là loại tài sản có rủi ro thấp.
Xu hướng này cũng ghi nhận ở Trung Quốc, nơi có "cơn sốt vàng" ở giới trẻ. Hiện nay, nhiều tiệm vàng Trung Quốc thường xuyên phục vụ khách hàng ở độ tuổi 20.
Trên Weibo (MXH của Trung Quốc), bài đăng với nội dung "Tại sao người trẻ Trung Quốc lại thích mua vàng", thu về đến 91 triệu lượt tương tác. Các trang mạng xã hội Trung Quốc bàn luận sôi nổi về việc giá trị của vàng. Có bài đăng còn nhấn mạnh việc mua vàng sẽ làm giảm đi nỗi buồn phiền.
Khác với Việt Nam, việc đầu tư vàng của giới trẻ ở Trung Quốc không phải bằng cách mua vàng miếng hay đồng tiền vàng. Với thu nhập của mình, đa phần họ không đủ khả năng mua vàng miếng. Những gì họ mua là những "hạt đậu vàng" (gold bean) có kích thước bằng hạt cà phê nặng khoảng 1 gam ở các ngân hàng và cửa hàng trang sức. Các video về việc người trẻ lấp đầy chai thuỷ tinh bằng "hạt đậu vàng" cũng thường nhận tương tác cao trên MXH.
Những “hạt đậu vàng” được người trẻ Trung Quốc ưa chuộng.
Xu hướng này cũng được ghi nhận ở Hàn Quốc, khi các nhà đầu tư trẻ tại xứ sở kim chi đang tích cực mua vàng như một tài sản trú ẩn an toàn.
Nắm bắt nhu cầu này, các chuỗi cửa hàng tiện lợi đã triển khai rộng rãi dịch vụ bán vàng tại các máy bán hàng tự động. Đại diện GS25 cho biết những người trẻ trong độ tuổi 20-30 đổ xô mua vàng tại cửa hàng tiện lợi do tính tiện lợi và giá cả hợp lý.
Các cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc mở dịch vụ bán hàng tại các máy bán hàng tự động.
Nhưng điều gì khiến người trẻ thay đổi xu hướng, và trở nên thích mua vàng đến vậy?
Theo các chuyên gia, bất ổn kinh tế và lạm phát là động lực chính. Không giống thế hệ cha mẹ, những người mua vàng để dành cho con cháu, người trẻ xem vàng như một cách đầu tư chủ động, đặc biệt khi chứng khoán hay bất động sản biến động mạnh.
Mạng xã hội và công nghệ cũng đóng vai trò lớn. Các video TikTok, Instagram về đầu tư vàng thu hút hàng triệu lượt xem. Ví dụ, một influencer có thể hướng dẫn cách mua vàng tích lũy với chỉ 500.000 đồng/tháng, và không có nguy cơ lỗ nặng, khiến Gen Z cảm thấy vàng "dễ thở" hơn so với cổ phiếu hay bất động sản.
Tư duy tài chính của người trẻ cũng dần có sự thay đổi. Nếu thế hệ trước thường mua vàng vào ngày lễ lớn, đám cưới, ngày Vía Thần Tài... Gen Z và Millennials xem vàng như một phần của kế hoạch tài chính dài hạn.
Bên cạnh đó, thay vì xếp hàng mua vàng theo cách truyền thống, người trẻ cũng có thể đặt mua vàng trên các app online. Điều này cũng khuyến khích việc mua vàng hơn, bởi ngày trước cũng thường có một tâm lý e ngại khi mua vàng do sợ bị trộm cắp.
Vàng được xem là kênh đầu tư an toàn, đặc biệt với những người không có nhiều kinh nghiệm tài chính hoặc không muốn mạo hiểm đầu tư. Nếu là nhà đầu tư F0, rất dễ bị FOMO.
Câu hỏi vàng là kênh đầu tư hay trú ẩn luôn nhận được nhiều sự quan tâm, và nên đầu tư thế nào mới sinh lời?
Chuyên gia Gerard Do (Đỗ Thành Vinh) cho biết nếu xét trên nhiều khía cạnh khác, ngoài việc lời - lỗ, vàng có thể sẽ là một kênh trú ẩn, hơn là một kênh đầu tư.
Anh có nhắc tới nhà đầu tư lỗi lạc Warren Buffett. Năm 2011, trong bức thư gửi các cổ đông, ông có viết rằng vàng thỏi cũng chỉ giống như một đồng xu khi được cất xong két sắt. "Sự thật là ngay cả Warren Buffett cũng từng chia sẻ công khai rằng ông không thích đầu tư vàng, vì nó không tạo ra dòng tiền và giá trị nội tại của nó không tăng theo thời gian" - Anh Gerard Do bổ sung cho quan điểm vàng là kênh trú ẩn, không phải kênh đầu tư của mình.
Trả lời câu hỏi này, anh Gerard Do khẳng định vàng không phải là loại tài sản mà bạn nên đầu cơ, hiểu nôm na là mua vào và bán ra trong thời gian ngắn, bởi khả năng thua lỗ là rất cao.
"Nếu bạn có một khoản tiền và đang không biết làm gì với nó, bạn có thể mua vàng và quên nó đi, nghĩa là bạn giữ vàng qua nhiều đợt biến động thì tài sản của bạn vẫn còn nguyên, bảo toàn được giá trị.
Nhưng nếu bạn mua vàng với tư duy đợi giá vàng lên rồi đem bán, tôi cho rằng đây là suy nghĩ rất tai hại, vì không có thị trường nào bền vững đi lên mà không đi xuống, đặc biệt là giá vàng đã tăng quá cao dạo gần đây càng làm cho thị trường này rủi ro hơn với các khoản đầu cơ ngắn hạn" - Anh Gerard Do nhấn mạnh.