Nhật Bản là đất nước cuối cùng thuộc nhóm G7 (nhóm 7 quốc gia có nền công nghiệp phát triển) thông qua lệnh cấm các văn hóa phẩm mang tính chất khiêu dâm dành cho trẻ em vào tháng 7/2015, thế nhưng, hiện nay tại Nhật vẫn có những tác phẩm dành cho trẻ em mang nội dung không lành mạnh được bày bán công khai, thậm chí là quảng cáo rầm rộ trên thị trường.
Vẫn còn rất nhiều truyện tranh có nội dung không lành mạnh được bày bán công khai tại Nhật. Trong cuộc họp đặc biệt về vấn đề "Mua bán trẻ em, bán dâm, tác phẩm khiêu dâm" của Liên Hợp Quốc, bà Maud de Boer-Buquicchio đã đưa ra một bản báo cáo chi tiết về vấn nạn truyện khiêu dâm được xuất bản tràn lan ở Nhật Bản và đề nghị chính phủ nước này nên đưa ra lệnh cấm triệt để truyện tranh dành cho trẻ em mang tính chất khiêu dâm. Bà cho rằng, tạo hình của các nhân vật trong nhiều cuốn truyện tranh chưa thật sự đúng mực khi chứa đựng hình ảnh những nhân vật nhỏ tuổi có vòng 1 quá khổ và thường xuyên mặc những chiếc váy ngắn hở ngực.
Bà Boer-Buquicchio đã có cuộc khảo sát kéo dài 1 tuần tại Nhật, nơi có nền công nghiệp truyện tranh cực kỳ phát triển và chiếm lĩnh 1 thị trường toàn cầu có giá trị lên đến hàng tỷ USD. Theo bà Boer-Buquicchio, những tác phẩm không lành mạnh như vậy vẫn được bày bán công khai khiến cho người ta phải lo lắng về sự khoan dung độ lượng có phần thái quá của dư luận. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận, rất khó để cân bằng giữa sự tự do sáng tạo của các tác giả và việc bảo vệ trẻ em khỏi các tác phẩm đồi trụy.
Khi chính phủ Nhật cấm phát hành truyện tranh khiêu dâm cho trẻ em đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ các tác giả, các nhà xuất bản... ở nước này, vì họ cho rằng: Liên Hợp Quốc đã có những phán đoán tùy tiện đối với nghệ thuật và việc áp dụng lệnh cấm dành cho truyện tranh đã xâm hại sự tự do sáng tạo của các tác giả.
Nhiều tác giả truyện tranh và các nhà xuất bản ở Nhật đã bày tỏ sự bất mãn với lệnh cấm này.