Đã qua 14 năm kể từ ngày sự kiện 4 chiếc máy bay thương mại của Mỹ bị lực lượng Hồi Giáo chiếm quyền điều khiển, lao vào tấn công nước này, cướp đi sinh mạng của gần 3000 người. Mới đây, một chia sẻ của cựu tiếp viên hoạt động trên chuyến bay Delta 15 hạ cánh khẩn cấp tại Canada và quãng thời gian sống trong sự đùm bọc của dân địa phương trong "ngày đen tối nhất của nước Mỹ" đã thu hút sự chú ý của hàng trăm nghìn cư dân mạng về những câu chuyện bên lề vụ khủng bố lịch sử.
Vụ khủng bố ngày 11/09/2001 giết chết gần 3000 người.
Ngày định mệnh ấy, máy bay Delta 15 vừa mới rời khỏi sân bay Frankfurt được 5 tiếng, đang bay ngang qua Đại Tây Dương, người tiếp viên bỗng dưng bị gọi vào buồng lái và nhận lệnh phải thông báo với các hành khách rằng máy bay sẽ hạ cánh khẩn cấp do nước Mỹ đã đóng cửa sân bay tiếp các máy bay thương mại. Tuy nhiên, họ buộc phải nói dối hành khách nếu như không muốn hàng trăm con người trở nên hỗn loạn, sợ hãi. Phi hành đoàn được chỉ thị phải tìm nơi hạ cánh ngay lập tức mà không rõ lý do là gì. Cuối cùng nơi họ chọn là sân bay Gander tại Canada. Ngay lúc Delta 15 hạ cánh, đã có sẵn 20 máy bay khác ngay dưới sân bay Gander, họ cũng không được vào sân bay Mỹ và phải đợi ở quốc gia láng giềng này.
Tổng cộng có 53 máy bay buộc phải hạ cánh khẩn cấp, trong đó có 27 chiếc là máy bay thương mại Mỹ, 10.500 hành khách và các thành viên phi hành đoàn bị kẹt tại đây chờ chỉ thị tiếp theo. Điện thoại của hành khách đều không sử dụng được vì khác vùng phủ sóng, chỉ một số ít có tín hiệu thì không thể kết nối đi đâu khác ngoài tổng đài khẩn cấp của Canada để được biết thông tin đường điện thoại tới Mỹ đã bị chặn hoặc quá tải.
Cảnh tượng 53 chiếc máy bay xếp hàng dài tại sân bay Gander, Canada.
Hành khách trên các máy bay được lệnh xuống mặt đất lần lượt theo thứ tự từng máy bay một và tới 11 giờ sáng hôm sau mới đến lượt Delta 15. Tuy các hành khách trên chuyến bay đều tỏ vẻ không vui nhưng họ lại bình tĩnh một cách lạ thường, cũng rất may không có bất cứ trường hợp nào phải hỗ trợ về mặt y tế, kể cả một thai phụ có mặt trên máy bay hôm đó. Sân bay Gander cũng đảm bảo cho họ về thực phẩm, nước uống và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác.
Ngày hôm sau các hành khách được chở đến khu vực làm thủ tục hải quan và nhập cảnh, đăng ký với Hội Chữ Thập Đỏ. Người tiếp viên cùng phi hành đoàn được chở tới một khách sạn nhỏ bằng xe Van, họ không hề biết những hành khách của mình sẽ đi đâu về đâu, chỉ được lệnh hãy nghỉ ngơi và chờ thông tin ngay khi sân bay Mỹ mở cửa trở lại. Chỉ đến khi người tiếp viên bật TV trong khách sạn, họ mới biết đến vụ khủng bố ở quê nhà xảy ra gần 1 ngày trước.
Thị trấn Gander, Canada ngày ấy có dân số là khoảng 10.400 người, trong lúc đó số hành khách và phi hành đoàn từ 53 máy bay đã lên đến 10.500 người. Tuy nhiên, người dân Canada vẫn đón tiếp, chăm sóc những người ngoại quốc này chu đáo, cho hơn 1 vạn con người một trải nghiệm sống trong vòng tay yêu thương của người dân địa phương. Thị trấn Gander đã dừng mọi hoạt động của các công ty, trường học trên địa phận, huy động tất cả học sinh trung học tham gia tình nguyện giúp đỡ người nước ngoài đang lưu trú.
Các trường trung học được huy động để làm nơi lưu trú cho người nước ngoài.
218 hành khách trên chuyến bay Delta 15 được ở tại một trường trung học ở thị trấn Lewisporte cách Gander 45km. Tại đây họ được dẫn đi tham quan thị trấn, được nghỉ ngơi thoải mái, làm quen với nhau, thậm chí còn được người dân địa phương nấu ăn mang tới thết đãi. Chuyến tị nạn ngắn ngày đối với họ giống như một kỳ nghỉ dưỡng được bao trọn gói, một dịp để tạo thêm các mối quan hệ, gắn kết nhau và sống trong tình người. Mỗi ngày kết nối Internet và đường dây điện thoại sẽ được mở 1 lần để phục vụ các hành khách.
Đến ngày trở về máy bay, một bác sĩ, cũng là hành khách trên Delta 15 đã phát biểu rằng mình muốn làm gì đó để đáp lại tình cảm của người dân thị trấn Lewisporte, cuối cùng quỹ học bổng Delta 15 ra đời với số tiền lên tới 14.000 USD dành tặng các học sinh đang theo học ở đây, đồng thời ông cũng hứa sẽ gửi bản đề xuất tới Tập đoàn Delta. Đến nay, số tiền trong quỹ học bổng đã lên tới con số 1,5 triệu USD, hỗ trợ việc học hành của hàng trăm sinh viên.
Chuyến tị nạn ngắn ngủi trở thành kỷ niệm đẹp trong lòng hơn 1 vạn hành khách.
Chia sẻ của cựu tiếp viên đã thu hút được hơn 178 nghìn lượt like và chia sẻ tới gần 300 nghìn lần. Canada đã tiếp đãi hàng chục nghìn con người xa lạ như thế đấy, rõ ràng không hề máu mủ ruột già, chưa từng gặp mặt, chưa từng nói với nhau một câu dù chỉ là qua điện thoại hay tin nhắn mạng, vậy mà tình cảm dành cho nhau thật ấm áp đong đầy. Tình người là thế, chẳng cần được báo đáp, chỉ giúp nhau thôi đã là vui rồi. Người dân Canada vốn nổi tiếng bằng sự thân thiện gần gũi, nay lại trở thành tấm gương để bạn bè quốc tế học hỏi, ít nhất là với vấn đề khủng hoảng di dân đang nóng hổi hiện nay.