Thế giới có hơn 117,5 triệu ca mắc COVID-19, Mỹ đối mặt với nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ 4

Ban Thời sự, Theo VTV News 08:10 09/03/2021

Tính đến sáng sớm 9/3, thế giới có hơn 117,5 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 2,6 triệu trường hợp tử vong.

Mỹ chiếm tới 25% tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới, trong khi số ca tử vong chiếm 20%. Cụ thể, Mỹ hiện ghi nhận 29.697.188 ca mắc COVID-19, cao nhất trên thế giới, trong đó có 537.841 ca tử vong. Một năm sau kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, quốc gia này vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 4.

Đứng thứ hai trên thế giới về số ca mắc COVID-19 là Ấn Độ với 11.229.398 ca mắc và 157.890 ca tử vong. Sau Ấn Độ là Brazil với 11.019.344 ca mắc và 265.500 ca tử vong. Đáng chú ý, tại bang Mato Grosso - khu vực sản xuất ngũ cốc lớn nhất tại nước này, mạng lưới bệnh viện đã bắt đầu quá tải do số bệnh nhân COVID-19 gia tăng. Đây là bang thứ ba ở Brazil đề nghị chuyển bệnh nhân COVID-19 ra khỏi bang do thiếu giường bệnh trong làn sóng lây nhiễm mới nhất. Trong 2 tuần qua, số ca tử vong tại bang này tăng thêm 28%.

Tại Đông Nam Á, để đáp ứng yêu cầu điều trị bệnh nhân COVID-19 ngày càng tăng, Chính phủ Campuchia đã quyết định cải tạo khách sạn 5 sao để làm bệnh viện. Số bệnh nhân COVID-19 ở Campuchia liên tục tăng trong những ngày qua, tổng số người mắc COVID-19 ở nước này đã vượt quá 1.000 ca.

Thế giới có hơn 117,5 triệu ca mắc COVID-19, Mỹ đối mặt với nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ 4 - Ảnh 1.

Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines (Ảnh:THX/TTXVN)

Philippines trong ngày 8/3 cũng ghi nhận 3.346 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 597.763 ca. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp Philippines có trên 3.000 ca mắc mới. Số ca tử vong do COVID-19 tại nước này đã lên tới 12.521 ca. Đến nay, Philippines đã thực hiện lệnh phong tỏa gần 1 năm để phòng chống dịch COVID-19.

Indonesia sẽ kéo dài thời gian áp dụng giãn cách xã hội tại đảo Java và Bali đến ngày 22/3. Đồng thời mở rộng áp dụng chính sách này tại 3 tỉnh khác là Đông Kalimantan, Nam Sulawesi và Bắc Sumatra. Trong thời gian áp dụng giãn cách xã hội, mỗi công sở chỉ duy trì 50% lượng nhân viên thông thường, số còn lại làm việc tại nhà. Các nhà hàng được phục vụ tối đa 50% công suất, trong khi các trường học triển khai việc giảng dạy trực tuyến.

Trong ngày hôm qua, Indonesia ghi nhận thêm 4 ca mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở Anh có khả năng lây lan nhanh hơn so với chủng gốc. Nước này hôm qua cũng đã nhận được 1,1 triệu liều vacccine Astra Zeneca thông qua sáng kiến chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX.

Tại Syria, Tổng thống Bashar al-Assad và Phu nhân đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi có các triệu chứng nhẹ.

Thế giới có hơn 117,5 triệu ca mắc COVID-19, Mỹ đối mặt với nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ 4 - Ảnh 2.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad và phu nhân Asma hiện trong tình trạng sức khỏe ổn định dù nhiễm COVID-19 (Ảnh: Reuters)

Ngoài một số điểm nóng kể trên, tình hình dịch COVID-19 ở các khu vực khác trên thế giới nhìn chung có chiều hướng lắng dịu. Thái Lan cho biết bắt đầu từ tháng 4 tới, nước này sẽ giảm thời gian cách ly bắt buộc đối với người nước ngoài đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhập cảnh nước này, từ 14 ngày hiện nay xuống còn 7 ngày.

Trong khi đó, tại Israel, lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài đã được dỡ bỏ sau gần 3 tháng áp đặt. Theo đó, công dân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Israel nếu đơn xin nhập cảnh của họ được ủy ban đặc biệt xét duyệt.

Chính phủ Anh cũng đang bắt đầu nới lỏng các hạn chế phòng dịch, với hy vọng sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường vào cuối tháng 6. Hàng triệu trẻ em ở vùng England đã đi học trở lại trong ngày 8/3 sau hai tháng nghỉ ở nhà do dịch COVID-19.