Nhắc tới miền Tây Nam Bộ, người ta sẽ nghĩ đến ngay một vùng sông nước phù sa trù phú với vô vàn cá tôm, cây ăn quả. Không những vậy, đây còn là nơi sản sinh ra hàng loạt món đặc sản nức tiếng trên khắp Việt Nam, mà không ít trong số đó dễ khiến người ta ngạc nhiên mỗi khi nhắc đến. Không chỉ món đuông dừa ngọ nguậy từng khiến nhiều người phải "sởn da gà" trước đó, giờ dân tình lại biết thêm một đặc sản khác là nhộng ong vò vẽ - thứ mà chẳng ai nghĩ lại có thể ăn được.
Ong vò vẽ vốn là một loại côn trùng hung dữ, có nọc độc rất nguy hiểm, thế nhưng nhộng ong và ong non lại là món ngon bổ dưỡng và được cho là quý hiếm. Ở một số tỉnh miền Tây, người dân có kinh nghiệm vẫn thường đi rừng săn ong vò vẽ để lấy về nhà loại thực phẩm này chế biến thành các món ngon trong gia đình.
Thông thường, người miền Tây sẽ đi rừng để lấy nhộng và ong non từ tổ. Vì chứa giá trị dinh dưỡng cao, nó được dùng chế biến thành nhiều món đặc sản, trong đó phổ biến nhất là món cháo - (Ảnh: Phạm Tú).
Nhộng ong vò vẽ gần giống như nhộng tằm nhưng nhỏ hơn, thường có màu trắng sữa, thân mềm, chứa nhiều acid amin, chất béo, vitamin, đường và muối khoáng. Trong y học, nó được xem như một loại dược liệu quý có vị ngọt, tính mát. Trong đời sống ẩm thực miền Tây, nhộng và ong non thường được dùng chế biến nên món cháo ong vô cùng thơm ngon.
Thoạt nhìn, ai cũng phải "sởn da gà" với món côn trùng này. Tuy nhiên, nó chứa rất nhiều dinh dưỡng và mang hương vị thơm ngon khi được nấu chín - (Ảnh: @thuyanhbui68, Phạm Tú).
Đây là món ăn chỉ thường xuất hiện khoảng từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm vì đây là thời gian ong bắt đầu làm tổ. Thông thường sau khi lấy được tổ ong, những người thợ có kinh nghiệm sẽ khui các tầng ra để lựa lấy nhộng và ong non. Sau đó, người ta sẽ trụng nhộng ong bằng nước sôi và rút phần ruột đen trong bụng chúng ra. Cuối cùng rửa lại bằng nước muối pha loãng cho thật sạch một lần nữa là có thể mang đi chế biến.
Nhộng ong sau khi lấy về được sơ chế rất kỹ lưỡng sau đó mới mang đi chế biến - (Ảnh: Phạm Tú).
Sau khi bắc chảo lên bếp, người ta sẽ phi hành tỏi rồi bỏ nhộng ong vào xào chín cho thơm. Nồi cháo nấu cho thật nhừ, có thể bỏ thêm nấm rơm. Đặc biệt, món cháo ong miền Tây thơm ngon một phần còn nhờ nguyên liệu là nước cốt dừa béo ngậy. Trước khi múc ra tô, người ta cho nhộng ong đã xào chín vào, thêm ít hành lá, tiêu, gừng, đồng thời ăn kèm với một số loại rau vườn như cải trời, rau má, ngò gai,… cùng chén nước mắm dầm ớt thì quả là "ngon hết sẩy".
Món cháo nhộng ong có thể được nấu thêm cùng nấm rơm và nước cốt dừa béo ngậy, ăn kèm với một số loại rau sống.
Không những thơm ngon và bổ dưỡng, món cháo này còn có ý nghĩa khác nhằm thể hiện không khí sum họp gia đình. Thông thường, bà con miền Tây thường nấu cháo vào ban đêm, khi ấy mỗi người một việc: Người sơ chế ong, người nạo dừa, người nấu cháo rất vui. Khi ăn, ta dễ dàng cảm nhận được vị béo ngọt của nhộng ong, vị béo ngậy của nước cốt dừa và tí thơm thơm của các loại gia vị khác. Ăn đến đâu là ấm lòng đến đó!
Nồi cháo mang hương vị béo ngọt của từng con nhộng và mùi thơm từ nước cốt dừa. Khi ăn, các gia đình miền Tây thường ngồi tụ họp lại rất vui.
Bên cạnh nấu cháo, được biết nhộng ong và ong vò vẽ non còn có thể chế biến thành nhiều món đặc sản khác như chiên nước mắm hoặc nướng với lá nhàu. Hiện nay, nhiều nhà hàng ẩm thực ở miền Tây đều đã đưa món cháo ong vào thực đơn cho du khách thưởng thức.
Ngoài cháo ong, người ta còn dùng nhộng ong chế biến thành nhiều món đặc sản khác rất thơm ngon - (Ảnh: @macthanhbinh).