Thương trò phải xa nhà
Thầy Cao Xuân Thành cho biết: Đêm 14/5, nhận được thông tin có một HS của trường là F0 và rất nhiều F1 phải đi cách ly. Theo kế hoạch ban đầu của huyện, các em phải di chuyển sang Trường Mầm non xã Thái Đào (cách khoảng 20km) vì xã đã hết điểm cách ly.
Trong hoàn cảnh đó, Ban giám hiệu nhà trường đề nghị Phòng GD&ĐT, Trung tâm Y tế, UBND xã cho cách ly tại trường. Bởi nếu phải đi xa, học sinh sẽ vất vả, cùng với đó thầy cô cũng không tiện trong chăm sóc em...
Tuy nhiên, muốn làm khu cách ly tại trường không hề đơn giản vì cần có đủ đồ dùng thiết yếu từ phòng ở, y tế, khu vệ sinh, khu nhà ăn…
“Tôi báo cáo với UBND xã về hướng giải quyết cơ sở vật chất làm khu cách ly tại trường. Khi được đồng ý, tôi huy động đội ngũ GV kê bàn ghế, cùng y tế tổng vệ sinh và chuẩn bị một số đồ dùng thiết yếu cho HS.
Chỉ trong vòng 2 tiếng (từ 9h - 11h ngày 15/5) cơ bản hoàn thành phòng ở để đón học sinh vào cách ly…”, thầy Thành nói.
Học sinh thực hiện giãn cách khi lấy đồ ăn trong khu cách ly
Sau khi hoàn thành phòng ngủ, thầy Thành cùng một số phụ huynh trưng dụng cải tạo nhà để xe của GV, HS đề làm chỗ tắm giặt tạm thời. Mặc dù nhà tắm dã chiến nhưng đủ kín đáo và trang bị các thùng nước to cho học sinh tắm giặt. Khu cách ly cho HS của trường đi vào hoạt động…
“Nhìn cảnh chia tay, nhiều phụ huynh, thầy cô đã khóc. Có học sinh vì nhỏ và gầy quá, đeo balo, túi xách không nổi… thấy thương các em. Tôi quyết định gọi điện cho vợ và tình nguyện xin vào cách ly.
Khi nghe qua điện thoại, biết được mong muốn của tôi, vợ lặng người mấy giây. Sau đó, lại động viên tôi giữ sức khỏe vì Covid-19 mới lây lan nhanh và nguy hiểm…", thầy Thành nhớ lại và cho biết thêm: Tôi cùng cô hiệu trưởng đều xin vào cách ly với các em học sinh. Tuy nhiên, do hiệu trưởng phải xử lý nhiều công việc bên ngoài trường nên còn mình tôi.
Nói về quyết định vào khu cách ly với HS, thầy Thành cho biết: Khi đó, mình chỉ nghĩ, người thầy phải vì học trò, có nguy hiểm nữa mình cũng đi…
Cùng trò vượt khó
Đêm đầu tiên trong khu cách ly, gần 12h đêm nhưng HS cũng như thầy cô chưa thể ngủ được. Tâm sự với các em mới biết, học sinh nhớ nhà, có bạn khóc không ngủ. “Hình ảnh 4 cô giáo thay nhau dỗ học trò khóc trong đêm vì nhớ nhà mà thương khôn tả…", thầy Thành xúc động.
Cũng trong đêm đầu tiên ở khu cách ly, vì thiếu màn mà có cô giáo đã phải đi gõ cửa từng cửa hàng tạp hóa để gom màn về cho trò ngủ ngon giấc.
“Nửa đêm cô giáo vẫn đi tìm mua màn. Vì ở tâm dịch Covid-19 cửa hàng đóng cửa, nhưng khi biết mua về cho học sinh ở khu cách ly ai cũng sẵn lòng…”, thầy Thành tâm sự.
Trong khu cách ly, như một thói quen, 5h sáng thầy Thành dậy tập thể dục, đeo găng tay, khẩu trang, đi kiểm tra đồ ăn mọi người vừa chuyển vào.
Sau đó, thầy Thành cùng các thành viên trong khu cách ly đo thân nhiệt cho HS và cán bộ GV. Trừ những lúc ở trong phòng, mỗi lần tiếp xúc với HS và GV diện F1, thầy đều phải mặc quần áo bảo hộ.
Lo các em nhớ nhà, không ngủ được cũng như buồn, thầy Thành đã mua bút màu, vở để học sinh vẽ tranh.
“Ngày thứ 2 ở khu cách ly, có vở có bút, tôi tổ chức cho các em thi vẽ tranh với chủ đề yêu quê hương, đất nước, phòng dịch Covid-19... được các em hồ hởi tham gia. Tuy nhiên, phải đảm bảo khoảng cách an toàn phòng dịch. HS tham gia vẽ tranh thi tại khu cách ly vừa rèn luyện kỹ năng, bớt nhớ nhà, tăng niềm vui...”, thầy Thành nhấn mạnh.
Trong khu cách ly, khó khăn nhất thầy trò phải đối mặt là điều kiện cơ sở vật chất. Những chiếc quạt cây chỉ đủ phe phẩy trong điều kiện mùa hè nắng nóng. Thầy trò cùng động viên nhau cùng cố gắng vượt qua.
Sau 2 ngày, thầy trò đón tin vui khi 100% HS và các cô giáo có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1. Sau thêm 7 ngày chờ đợi, có kết quả âm tính lần 2.
"Niềm vui khó tả khi nghe tin các em đều âm tính lần 3. Nghĩ đến cảnh trò sắp được trở về nhà, tôi không kìm được cảm xúc. Sau khi thông báo cho HS, tôi gọi về nhà cho vợ với cảm xúc khó diễn tả...", thầy Thành kể lại.
Theo thầy Cao Xuân Thành, ngày “trở về” (26/5) UBND xã bố trí xe ô tô đưa các em về tận khu dân cư trong niềm vui hân hoan nhưng không quên giữ khoảng cách phòng dịch Covid-19.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Đặng Thiều Quang, Trưởng Phòng GD&ĐT Lạng Giang cho biết: 64 HS Trường Tiểu học Hương Sơn xét nghiệm 3 lần đều âm tính, được về nhà và thực hiện cách ly tại nhà thêm 14 ngày.
“Các trường mầm non, tiểu học, THCS đều cử giáo viên đi nhập dữ liệu theo dõi F0, F1, F2… giúp Trung tâm y tế. Đến nay, ngành giáo dục ủng hộ trên 2.000 ngày công. Toàn huyện có 15 trường mầm non thành khu cách ly và các trường tiểu học, THCS sẵn sàng làm khu cách ly khi được yêu cầu…”, ông Quang thông tin thêm.
Nói về việc làm thiết thực của thầy Cao Xuân Thành - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Sơn, ông Quang cho biết: Đây là việc làm rất ý nghĩa, kịp thời, phát huy tinh thần gương mẫu, trách nhiệm của giáo viên với học sinh…
Thời gian qua, ngành giáo dục huyện Lạng Giang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: hơn 5.000 mũ chắn giọt bắn do các cô giáo mầm non làm ủng hộ cho các chốt trạm Covid-19, khu cách ly, tổ bầu cử vừa qua. Bên cạnh đó, huy động ủng hộ được gần 520 triệu tiền mặt và hiện vật gửi đến tuyến đầu chống dịch. Đặc biệt, GV trường mầm non, tiểu học đều có thầy cô giáo tham gia nấu ăn tại các khu cách ly.