Lùm xùm về tác quyền/độc quyền bài hát
Vấn đề tác quyền/độc quyền bài hát từng nhiều lần gây ồn ào giới showbiz. Thời gian này, vụ việc giữa ca sĩ Noo Phước Thịnh và nhạc sĩ Đỗ Hiếu trở thành tâm điểm. Theo Đỗ Hiếu, anh yêu cầu Noo Phước Thịnh tháo bỏ triệt để các ca khúc anh sáng tác vì đã hết thời hạn độc quyền 2 năm. Hai bên đã nói chuyện nhưng không thống nhất được chi phí tác quyền, phía Noo Phước Thịnh không tiến hành gia hạn hợp đồng.
“Trong suốt thời gian dài, 2 bên chưa hoàn tất thương lượng và thống nhất các vấn đề liên quan tới chi phí tác quyền, không tiến hành gia hạn hợp đồng. Tôi xin thông báo, mọi hành vi biểu diễn và sử dụng các tác phẩm âm nhạc của Đỗ Hiếu không có sự đồng ý của tác giả được xem là vi phạm bản quyền tác phẩm âm nhạc” - Đỗ Hiếu thông báo.
Đỗ Hiếu cấm Noo Phước Thịnh hát loạt hit sau khi nam ca sĩ hết 2 năm hợp đồng độc quyền
Hợp đồng độc quyền với Đỗ Hiếu chấm dứt có nghĩa Noo Phước Thịnh bị cấm khai thác thương mại các ca khúc tạo nên tên tuổi của anh, gồm Mãi Mãi Bên Nhau, Gạt Đi Nước Mắt, Hold Me Tonight, Đừng Nhìn Lại, Đến Với Nhau Là Sai, Cause I Love You, Xin Đừng Buông Tay và Như Phút Ban Đầu.
Với thời gian 2 năm khai thác độc quyền, 8 ca khúc được nhạc sĩ ký hợp đồng với Noo Phước Thịnh trong khoảng thời gian 2014-2018 đã hết hạn từ lâu. Tuy nhiên đến thời điểm này Đỗ Hiếu mới lên tiếng.
Suốt những ngày qua, hai bên đều có động thái đấu đá nhau trên mạng xã hội. Về phía Noo Phước Thịnh, ca sĩ nói vẫn chưa có ý định sử dụng 8 ca khúc của Đỗ Hiếu và không tái ký vì một số lý do. Nam ca sĩ khẳng định không hát chùa vì đã trả tác quyền cho nhạc sĩ thông qua Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam mỗi lần biểu diễn.
Chuyện tác quyền/độc quyền từng khiến giới nghệ sĩ nhiều lần tranh cãi. Vấn đề được nhiều khán giả quan tâm nhưng không phải ai cũng hiểu rõ quy trình trao đổi tác quyền giữa nhạc sĩ và ca sĩ.
Làm rõ vấn đề tác quyền/độc quyền tác phẩm: Nên tôn trọng nhau như hai đối tác
Chia sẻ với Tiền Phong về vấn đề tác quyền/độc quyền sản phẩm âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết quy trình này đa phần sẽ dựa trên các thỏa thuận giữa tác giả và ca sĩ.
“Có những tác giả chỉ thích bán tác quyền, nghĩa là trong cùng khoảng thời gian, nhiều ca sĩ có thể hát một bài hát, nhưng cũng có nhiều tác giả bán độc quyền. Từ khi tôi viết nhạc, ca sĩ mua bài hát độc quyền từ 2-3 năm hoặc thỏa thuận 5 năm. Trong khoảng thời gian này, chỉ có cá nhân ca sĩ đó được biểu diễn, phát hành đĩa DVD, CD, diễn trên các đài truyền hình, sự kiện...
Sau thời gian độc quyền, nhạc sĩ mới có quyền bán tác quyền cho các ca sĩ hát khác, bây giờ chúng ta gọi là cover (hát lại). Thời nay nhạc sĩ bán độc quyền cho ca sĩ, ca sĩ đó cho phép nhiều người khác có thể cover để lan tỏa bài hát, đó là yếu tố truyền thông. Nếu chuẩn chỉnh, trong thời gian độc quyền chỉ mình ca sĩ mua được phép hát” - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói.
Việc xin tác quyền giữa ban tổ chức chương trình và cá nhân ca sĩ cũng rạch ròi. “Cha đẻ” bản hit Nhật Ký Của Mẹ cho biết: “Ca sĩ biểu diễn theo kiểu chạy show, thường đơn vị tổ chức sẽ đứng ra xin tác quyền. Đó là với địa vị của đơn vị tổ chức, xin tác quyền quảng bá tác phẩm.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.
Trong chương trình họ có sử dụng tác phẩm đó phục vụ cho chương trình, bất cứ ca sĩ nào có thể trình diễn, nhưng chỉ một lần duy nhất. Còn ca sĩ phải mua tác quyền bởi họ không chỉ hát cho mình chương trình đó mà hát ở nhiều show khác nhau, và không phải show nào cũng xin tác quyền.
Có những sân khấu tổ chức diễn chui, ca sĩ muốn dùng bài hát diễn ở nhiều nơi, hoặc quay clip đăng tải lên các nền tảng nhạc số, mạng xã hội… họ phải đóng tác quyền cho nhạc sĩ, không thể lấy lý do là có đơn vị tổ chức trả tiền, tôi không trả nữa.
Cả tổ chức và cá nhân đều có mục đích khác nhau, không thể gộp chung như vậy được. Giống như là chúng ta ở chung tòa nhà, không thể nói người tầng dưới đóng tiền điện, tôi ở tầng trên không cần đóng là không đúng. Người nào dùng vì mục đích gì phải đóng tiền cho đúng mục đích đó”.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói việc đóng tiền tác quyền sau khi hết hạn hợp đồng là điều đương nhiên. “Ví dụ sau khi tôi hết hợp đồng với ca sĩ A độc quyền bài hát trong hai năm. Sau khi hết hợp đồng, tôi bán tác quyền cho ca sĩ B, C… họ trả tiền tác quyền cho tôi. Vậy tại sao ca sĩ A sử dụng họ không trả tác quyền, như vậy có bất công với ca sĩ B và C trong cùng thời điểm đó hay không.
Tôi có quyền thu hay không thu tiền tác quyền dựa trên sự quen biết, thân thiết, quý mến. Có thể ca sĩ B gặp khó khăn, tôi quý mến và thu một nửa. Ca sĩ C là người quen, tôi không thu. Người C, D là đối tác bình thường, giữ nguyên giá. Còn người A từng hợp tác với nhau thành công, tôi không thu, nhưng đến khi tôi muốn thu là điều đương nhiên. Đó là quyền của tôi chứ không phải vòi tiền”.
Theo nhạc sĩ, vòi tiền là suy nghĩ của những người thiếu hiểu biết, thiếu tình cảm, tình nghĩa: “Thật sự người có hiểu biết và có tình nghĩa, họ sẽ luôn muốn làm những gì tốt nhất cho người mình quý mến. Quan trọng nhất là tiền tác quyền một năm không nhiều bằng tiền độc quyền, chỉ bằng 1/10 tiền độc quyền”.
Theo nhạc sĩ, sẽ có nhiều trường hợp tranh cãi về vấn đề tác quyền/độc quyền trong tương lai nếu giữa nhạc sĩ và ca sĩ không rõ ràng trong hợp đồng.
Để hạn chế tình trạng này, Nguyễn Văn Chung cho hay: “Giữa nhạc sĩ và ca sĩ cần có những thỏa thuận rõ ràng. Càng rõ ràng càng tốt. Mình càng biết nhiều thông tin, liệt kê ra những gạch đầu dòng, những thỏa thuận hai bên phải làm thế nào trong thời gian gia hạn sẽ càng tốt.
Tôi cho rằng nên hạn chế làm việc theo cảm tính giống như ngày trước giờ vẫn làm. Ai cũng nói tình đồng nghiệp thân thiết, nhưng tôi nghĩ tốt nhất chúng ta nên tôn trọng nhau như hai đối tác. Nền tảng của sự tôn trọng nó sẽ dẫn tới sự quý mến. Người ta chỉ quý mến khi họ cảm thấy được tôn trọng và công bằng, đừng lấy cái chữ thân thiết ra để làm những cái tranh cãi sau này”.