“Chúng tôi đang ở giai đoạn mắc kẹt giữa việc tiết kiệm tiền và ‘đi đi em do dự hết tuổi trẻ mất’”, đây chính xác là tâm trạng chung của hội đang… thất nghiệp!
Hội này lạ lắm, càng lúc “người gia nhập” lại càng đông. Người không may rơi vào làn sóng sa thải, người lại quyết định tự cho mình một hướng đi mới, bứt ra khỏi sự ổn định lâu nay. Thế nhưng vì lý do gì thì nhìn chung, họ đều đang không có lịch trình cụ thể, không email công việc, không lương cứng và cũng không ai hỏi: “Em định nghỉ lễ mấy ngày” vào dịp này.
Tuy nhiên cũng có người thất nghiệp “this” người thất nghiệp “that”. Không ít người chọn ở nhà để bảo toàn “năng lượng” cho chiếc ví, người lại chọn hết mình với các cuộc chơi vì “tuổi trẻ không đến 2 lần”.
Khánh Huyền (26 tuổi) từng làm marketing tại một công ty ở Hà Nội, sau 3 năm, cô bạn quyết định nghỉ việc. Khánh Huyền cho biết, ban đầu cô dự định nghỉ để dành thời gian nghỉ ngơi đi du lịch, sau đó sẽ tìm kiếm một công ty khác để tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi thứ cũng suôn sẻ theo đúng như những gì đã dự định.
“Mình bắt đầu nghỉ việc từ đầu năm nay, tính đến hiện tại cũng đã khoảng gần 5 tháng. Dự định của mình là qua Tết sẽ tìm việc nhưng mọi thứ khó khăn hơn mình nghĩ. Đến hiện tại, mình vẫn chưa tìm được công ty phù hợp. Vậy nên khi bạn bè háo hức nghỉ lễ dài ngày, mình lại chẳng có cảm xúc gì. Chỉ mong quay nhanh 5 ngày để mình tiếp tục ‘rải CV’ trở lại”, Khánh Huyền nói.
Cô bạn bày tỏ, bản thân cũng không đến mức quá “tuyệt vọng” nhưng cũng đang chuyển sang giai đoạn sốt ruột vì mãi chưa tìm được việc mới. Ngoài vấn đề ở nhà mãi cũng chán thì tài chính cũng là thứ khiến Huyền cảm thấy lo lắng, bất an.
Bảng trung bình các khoản chi tiêu của Khánh Huyền trong 1 tháng
“Những ngày đầu tiên nghỉ việc, mình ưu tiên việc tận hưởng nên để cho bản thân tiêu xài thoải mái, đi du lịch, mua sắm,... trong khoảng 15 triệu đồng. Từ các tháng sau mình bắt đầu giảm mức, chỉ loanh quanh trên dưới 10 triệu/tháng. Nhưng vì mình không có thêm công việc part-time nào nên hiện tại, mình đang hoàn toàn chi tiêu bằng tiền tiết kiệm trong 3 năm đi làm. Do đó mình bắt đầu thấy lo lắng khi 5 tháng rồi chưa tìm được việc”, cô bạn bày tỏ.
Cũng chính vì vấn đề tài chính mà trong dịp lễ dài ngày này, cô lựa chọn không về quê, cũng không đi chơi ở bất cứ đâu để chiếc ví không bị hao hụt. Khánh Huyền nói: “Vì có nhiều thời gian rảnh, đợt Tết mình cũng đã ở quê gần 2 tháng mới lên Hà Nội lại nên 5 ngày nghỉ này mình không về quê nữa. Bởi dịp lễ đi lại chi phí cũng tăng hơn bình thường. Ở đây, mình cũng chỉ ở trong nhà, không ra đường luôn vì sợ sẽ ghé hàng quán ăn uống hay tâm lý fomo muốn mua sắm”.
Trái ngược với tâm lý của Khánh Huyền, Mạnh Hưng (28 tuổi, Hà Nội) có phần thoải mái hơn. Mạnh Hưng làm trong lĩnh vực thiết kế đồ họa, đã nghỉ việc được 8 tháng nhưng đến hiện tại, cuộc sống vẫn cực chill và không có gì quá áp lực.
“Đúng là nghỉ lễ của hội thất nghiệp thì cũng chẳng khác gì ngày thường. Nhưng mình cũng vẫn hòa chung không khí, đặt vé đi du lịch và tận hưởng cảm giác nghỉ lễ dù ngày nào mình cũng…. nghỉ”, Mạnh Hưng nói.
Theo chia sẻ, Mạnh Hưng chọn nghỉ việc để tìm công việc mới có mức lương cao hơn so với công ty cũ. Thời gian đầu, anh bạn cũng “điên cuồng” nộp portfolio để mong có thể kiếm được việc sớm. Tuy nhiên sau đó, nhận thấy tình hình chung của thị trường lao động hiện tại nên Mạnh Hưng để cho bản thân thả lỏng, không đặt nặng việc phải đi làm văn phòng nữa mà chuyển hướng sang làm freelancer.
Có thêm thu nhập từ công việc freelance nên thất nghiệp cũng không hẳn là "ác mộng" (Ảnh: NVCC)
“May mắn của mình là ngành nghề này có thể nhận job lẻ. Nên thỉnh thoảng, mình vẫn có việc để duy trì thu nhập. Sau 3 tháng đầu tiên hoàn toàn nghỉ ngơi không kiếm tiền thì hiện tại, mình cũng túc tắc có khoảng từ 8 - 10 triệu đồng/tháng, tùy theo mức độ làm việc. Con số này so với ngày xưa đi làm chắc chắn ít hơn nhưng cộng với khoản tiết kiệm mình đang có thì thấy cũng phù hợp cho việc chi tiêu của mình”, Mạnh Hưng nói.
Dịp lễ này, Mạnh Hưng cùng hội bạn đi du lịch tại Đà Nẵng. Anh cho biết, để chuyến đi thoải mái thì trước đó sẽ cố “cày” nhiều hơn một chút. “Mình chưa tính chi tiết cụ thể, nhưng chuyến đi sẽ tốn khoảng 7 - 8 triệu đồng. Mức giá này mình nghĩ là ổn cho một kỳ nghỉ lễ”, Mạnh Hưng bày tỏ.
Dẫu vậy, dù vẫn có thể kiếm ra thu nhập khi đang thất nghiệp, nhưng Mạnh Hưng cũng cho biết đi làm ổn định vẫn tốt hơn. “Làm freelance sẽ hạn chế là công việc không ổn định, lúc nhiều lúc ít hay thậm chí có tháng không có job nào. Nên sau dịp này, mình cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm công ty mới để apply. Có lẽ nghỉ ngơi như vậy cũng đủ rồi”, Mạnh Hưng chia sẻ.