Với mức lương 65 triệu won (khoảng 57.619 USD) một năm, công việc nghiên cứu của Yoon Chang-hyun tại Samsung là giấc mơ của rất nhiều người lao động.
Tuy nhiên, với những ca trực tối triền miên, cơ hội thăng chức hạn hẹp, năm 2015, Yoon Chang-hyun (32 tuổi) đã từ bỏ công việc tại tập đoàn danh tiếng hàng đầu Hàn Quốc Samsung để tự mở kênh Youtube. Trong khi đó, theo cuộc khảo sát vào tháng 2 vừa qua của công ty chuyên về nhân sự Saramin, tập đoàn Samsung vẫn là nơi làm việc hấp dẫn nhất với các cử nhân Hàn Quốc.
Yoon Chang-hyun quay video để đăng lên Youtube. Ảnh: Reuters
Yoon Chang-hyun là một trong nhiều người trẻ sinh từ năm 1980 đến đầu những năm 2000 tại Hàn Quốc từ bỏ công việc văn phòng ổn định để theo đuổi ước mơ riêng.
Một số lựa chọn rời thành phố để về vùng quê trồng trọt, chăn nuôi hoặc đi ra nước ngoài làm công việc lao động tay chân. Trong thời gian từ 2013-2017, số hộ gia đình tại Hàn Quốc từ bỏ cuộc sống thành thị để về vùng nông thôn sinh sống đã tăng 24%. Năm 2018, có gần 5.800 người đã ra nước ngoài để làm việc, tăng gấp 3 lần so với 2013.
Điều này đi ngược lại với thước đo truyền thông tại Hàn Quốc về thành công là đảm nhiệm những công việc văn phòng nhiều tiền, lập gia đình và sở hữu một căn hộ.
Yoon Chang-hyun chia sẻ: “Nhiều người hỏi rằng liệu tôi có bị điên không. Nhưng nếu được quay trở lại quá khứ, tôi vẫn lựa chọn từ bỏ. Các cấp trên của tôi chẳng ai hạnh phúc cả. Họ đều bị quá tải công việc và cô đơn”.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết Yoon Chang-hyun hiện vận hành một kênh Youtube, chủ đề chính là nói về theo đuổi công việc yêu thích.
Ông Ban Ga-woon, nhà nghiên cứu thị trường tại Viện Nghiên cứu đào tạo và dạy nghề Hàn Quốc cho biết, văn hóa phân tầng cấp bậc và nguồn sinh viên tốt nghiệp dồi dào với năng lực thành thạo đã khiến nhiều cử nhân cảm thấy họ không thể đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
Trong năm 2012, khi so sánh với các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc là nơi người lao động gắn bó với một nơi làm việc ngắn nhất, chỉ 6,6 năm. Tại Nhật Bản, con số này là 11,5 năm. Tỷ lệ hài lòng của người Hàn Quốc với công việc cũng chỉ đạt mức 55%, thấp nhất trong số các quốc gia OECD.
Phía nam thủ đô Seoul còn có hẳn lớp học về "từ bỏ việc làm", thu hút trên 7.000 người tham dự kể từ khi cơ sở này được thành lập năm 2016.
Anh Jang (34 tuổi) đã nghỉ việc tại Samsung trong năm 2015 để thành lập ngôi trường dạy "từ bỏ việc làm". Ngôi trường đã mở ra tới 50 lớp học về cách hoạt động trên Youtube, xử lý khủng hoảng tâm lý, cách lập kế hoạch B,...
Anh Jang cho biết: "Có nhu cầu rất cao với khóa học liên quan đến bản ngã, bởi chúng ta quá bận rộn để thực sự nghĩ đến điều chúng ta ước mơ từ khi còn nhỏ".