Thâm nhập thị trường mang thai hộ đang "lên ngôi" tại Trung Quốc: Cái giá khi cho thuê tử cung và thủ đoạn tinh vi nếu lỡ bị khách "bom hàng" (Phần đầu)

Nguyên Dũng TT, Theo Trí Thức Trẻ 07:30 29/01/2021

Sau khi vụ việc thuê người mang thai hộ của ngôi sao Cbiz Trịnh Sảng bị phanh phui, những câu chuyện về "dịch vụ đẻ thuê" dưới nhiều hình thức một lần nữa trở thành tâm điểm bàn tán của dư luận.

Gần đây, phóng viên của tờ Tin tức Bắc Kinh đã hé lộ ngành công nghiệp "buôn trứng bán máu" vẫn luôn tồn tại trong nhiều năm nay, và thậm chí còn đang phát triển thành 1 "đường dây chuyên nghiệp" gồm có người hiến trứng, hiến tinh và người mang thai hộ. Nhưng quãng thời gian từ chuyển phôi đến sinh con an toàn đều ẩn chứa đầy rẫy những nguy hiểm, rủi ro. Nếu khách hàng hoàn tiền giữa chừng, có nhiều trung gian sẵn sàng bán đứa bé sắp chào đời cho bên khác.

Thâm nhập thị trường mang thai hộ đang lên ngôi tại Trung Quốc: Cái giá khi cho thuê tử cung và thủ đoạn tinh vi nếu lỡ bị khách bom hàng (Phần đầu) - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Một "bà mai" trong ngành cho biết, "ngành công nghiệp" mang thai hộ có tiêu chuẩn thấp nhưng nhu cầu rất cao. Riêng tại thành phố Quảng Châu, Trung Quốc, số lượng đại lý mang thai hộ đã tăng hơn 1.000 so với 4 năm trước. Tuy nhiên, do không đủ trang thiết bị, hàng loạt bà mẹ mang thai hộ trẻ tuổi cuối cùng bị đưa vào các "phòng mổ" chui để xử lý.

Theo Các biện pháp hành chính đối với công nghệ sinh sản có sự hỗ trợ của con người (trong bài gọi tắt là Biện pháp) tại Trung Quốc, các tổ chức y tế và nhân viên y tế không được phép thực hiện bất kỳ hình thức mang thai hộ nào. Người thực hiện việc mang thai hộ sẽ bị phạt tiền, xử phạt hành chính, nếu cấu thành tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo ông Đinh Quốc Văn - Giám đốc công ty Luật Đinh Vương Bắc Kinh, ngoài những quy định nêu trên, luật hình sự của Trung Quốc hiện chưa có tội mang thai hộ. "Bản thân việc mang thai hộ không cấu thành tội, nhưng không có nghĩa là hợp pháp. Mang thai hộ chui có thể bị xét là tội lừa đảo hoặc bất hợp pháp."

Đối phó với sự phức tạp của việc "sinh thuê đẻ mướn", Phó Giáo sư Lý Hiểu Nông tại Trường Nhân văn Y tế, thuộc Đại học Bắc Kinh cho rằng: "Cách hiểu của dư luận hiện nay về mang thai hộ không đồng nhất, hơn nữa chưa có các điều luật rõ ràng để xử phạt hành chính, dẫn đến các cơ sở chui ngang nhiên hoạt động ngày càng nhiều."

Thâm nhập thị trường mang thai hộ đang lên ngôi tại Trung Quốc: Cái giá khi cho thuê tử cung và thủ đoạn tinh vi nếu lỡ bị khách bom hàng (Phần đầu) - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Công khai cập nhật thông tin về chuyển phôi và mang thai hộ

Mô hình mang thai hộ mà họ giới thiệu cũng gần giống với các cơ sở khác, gồm có: tinh trùng + người đẻ thuê; tinh trùng + trứng (được hiến) + người đẻ thuê; trứng + tinh trùng (được hiến) + người đẻ thuê. Bất kể chọn loại hình nào, người mai mối cũng tuyên bố chắc nịch "đảm bảo thành công."

Sau 1 thời gian "nằm vùng", phóng viên của tờ Tin tức Bắc Kinh đã có thông tin từ 1 số cơ sở mang thai hộ. Trong đó nổi bật là 1 đại lý mang thai hộ ở Quảng Châu hàng ngày chia sẻ những trường hợp có tỷ lệ thành công cao nhằm thu hút khách hàng, chẳng hạn như: "Chỉ với 450 nghìn tệ (tương đương 1,6 tỷ đồng) nắm chắc 100% có con theo ý muốn, kèm theo phòng 'phẫu thuật' chuyên nghiệp không lo rủi ro."; "Xin chúc mừng khách hàng đến từ tỉnh Quảng Tây nhận quý tử 3,5kg."; "3 lần thụ tinh trong ống nghiệp, 2 ca cấy ghép thành công và đang chờ mổ thai thứ 3 rồi!"… Đơn vị trung gian này còn cho biết "bảng giá sàn" tối thiểu là 450 nghìn tệ (tương đương 1,6 tỷ đồng) sẽ có quyền lợi "chọn giới tính". Trong khi đó, ở 1 số nơi khác giá đội lên những 750 nghìn tệ (tương đương 2,6 tỷ đồng).

Được biết, người môi giới sẽ gửi thông tin của người hiến trứng để khách hàng lựa chọn, ngoài ảnh cá nhân còn có thông tin cụ thể như chiều cao, học vấn. Trong số những "mặt hàng" được bên thứ 3 cung cấp cho các phóng viên của tờ Tin tức Bắc Kinh có không ít sinh viên đại học và phụ nữ sở hữu ngoại hình ưa nhìn.

Phóng viên cũng thu thập được bản hợp đồng mang thai hộ từ bên thứ 3, trong đó từ ngày ký hợp đồng đến khi lấy trứng, cấy thai đều ghi rõ từng mức giá, khách hàng phải thanh toán chi phí tương ứng theo hợp đồng ở từng khâu. Một đơn vị trung gian viết trong hợp đồng: Đã hoạt động 11 năm, hiện thực hóa ước mơ có con cho 18 nghìn hộ gia đình.

Thâm nhập thị trường mang thai hộ đang lên ngôi tại Trung Quốc: Cái giá khi cho thuê tử cung và thủ đoạn tinh vi nếu lỡ bị khách bom hàng (Phần đầu) - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Trên thực tế, từ năm 2001, Bộ Y tế Trung Quốc đã ban hành Biện pháp, trong đó quy định rõ ràng việc mua bán phối giống và phôi bị cấm thực hiện dưới mọi hình thức.

Ngoài ra, Biện pháp cũng đề cập việc áp dụng công nghệ hỗ trợ sinh sản của con người phải được thực hiện tại các cơ sở y tế đã được phê duyệt. Đồng thời phải được chấp thuận bởi nhà nước, không chỉ phụ thuộc vào điều kiện về nhân sự, công nghệ, trang thiết bị mà còn phải có sự thẩm định sơ bộ của cơ quan hành chính y tế cấp tỉnh và sự chấp thuận từ Bộ Y tế.

Một tổ chức mang thai hộ cho biết, chuyển phôi là mắt xích quan trọng nhất trong việc mang thai hộ. Một số tổ chức mang thai hộ tiến hành hoạt động đó trong bệnh viện thông qua các mối quan hệ. Tuy nhiên, khi số lượng người mang thai hộ tăng lên, 1 số cơ sở sẽ thành lập "phòng mổ" chui dành riêng cho việc này.

Phóng viên Tin tức Bắc Kinh cho biết, người mang thai ở đó khi đến kỳ chuyển phôi, sau đó được đưa đến 1 căn phòng nằm trong khu biệt thự được bên thứ 3 thuê lại với 1 số thiết bị y tế đơn giản.

Một số tổ chức mang thai hộ do không có trình độ chuyên môn và không có nhiều kinh phí để đầu tư, nên họ luôn giữ kín địa chỉ phòng xét nghiệm, thậm chí 1 số cơ sở còn bịt mắt thai phụ khi đưa họ đến xét nghiệm để tránh bị lộ.

Mất tự do sau khi mang bầu, bị "nhốt" trong phòng suốt 10 tháng

Giang Hoa (tên nhân vật đã được thay đổi) tự xưng là 1 bà mai của "công ty đẻ mướn" lớn nhất Bắc Kinh. "Công ty đã hoạt động được 12 năm và hiện được chia thành nhiều công ty nhỏ, dùng chung 1 phòng cho việc làm thụ tinh ống nghiệm."

Trong 1 bài đăng tuyển dụng "đẻ mướn" có các nội dung chính sau đây: "Tinh trùng và trứng đều là của bố mẹ đẻ, không cần tiếp xúc thân thể giá 200 nghìn tệ (tương đương 714 triệu đồng), sinh đôi thêm 40 nghìn tệ (tương đương 143 triệu đồng), sinh mổ cộng thêm 15 nghìn tệ (tương đương 54 triệu đồng)."

Khi phóng viên tỏ ý muốn mang thai hộ, bên kia đáp: "Chỉ những người trong độ tuổi từ 20 đến 30 mới có giá 200 nghìn tệ (tương đương 714 triệu đồng), còn từ 31 đến 40 là 180 nghìn tệ (tương đương 642 triệu đồng). Bởi tuổi cao tỷ lệ đậu thai sẽ thấp nên giá cũng thấp theo."

Theo Giang Hoa, người tham gia "ứng tuyển" sẽ phải dành 1 ngày để đi kiểm tra, trong đó phải giao cả chứng minh thư và thẻ ngân hàng cho họ. Sau khi đậu thai thành công, họ sẽ được bố trí về sống tại 1 biệt thự ở tỉnh Hà Bắc. 2 mẹ bầu ở cùng phòng và không được ra khỏi nhà đi chơi hay gặp gỡ người ngoài.

Thâm nhập thị trường mang thai hộ đang lên ngôi tại Trung Quốc: Cái giá khi cho thuê tử cung và thủ đoạn tinh vi nếu lỡ bị khách bom hàng (Phần đầu) - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Trong đoạn clip mà "bà mai" gửi cho phóng viên, có 2 chiếc giường đơn trong phòng được phủ bằng khăn trải giường cùng màu, cửa sổ hẹp, tủ quần áo và đồ dùng cá nhân của các mẹ bầu được treo trên lan can.

Giang Hoa giải thích thêm: "Trước đây đã từng có trường hợp sảy thai, mất tiền của khách hàng đồng thời giảm uy tín của cơ sở, cho nên chỗ chúng tôi hiện giờ bao ăn ở và có người dọn phòng. Nhiều người nói dối gia đình rằng mình đang làm việc ở nước ngoài nên không thể về nhà trong thời gian đó. 10 tháng trôi qua trong nháy mắt mà thôi."

Một cơ sở mang thai hộ khác có yêu cầu khắt khe hơn. Trong quá trình mang thai, mẹ bầu không được tùy ý xuống nhà, không được add WeChat của nhau, cũng không được thêm WeChat của khách hàng và trao đổi riêng với họ. Trong thời gian mang thai hộ, mẹ bầu chỉ được ở trong căn nhà cho thuê do người trung gian cung cấp và trò chuyện cùng người trong phòng.

Một phụ nữ từng sinh con ở cơ sở đẻ mướn nói với phóng viên tờ Tin tức Bắc Kinh rằng, cô chỉ gặp khách hàng duy nhất 1 lần trong quá trình mang thai hộ và thời gian chưa đầy 10 phút, thậm chí còn không biết danh tính của khách hàng. "Anh ta quê ở đâu, đã trả bao nhiêu tiền cho bên trung gian, lý do phải thuê người sinh hộ... chúng tôi đều không biết."

Trước thắc mắc của những phụ nữ có mong muốn mang thai hộ, cơ sở chỉ đảm bảo "suông" rằng không có rủi ro nào trong quá trình mang thai, từ khi phẫu thuật cho đến khi sinh. "Sinh con ra thì nhận tiền, đứa bé có chuyện gì sẽ không liên quan đến mẹ bầu đẻ thuê, công ty sẽ giải quyết những chuyện còn lại."

Tuy nhiên, phóng viên nhận thấy không ít trường hợp xảy ra tranh chấp, thậm chí có vấn đề không an toàn khi mang thai hộ. Vào tháng 7/2020, một phụ nữ ở thành phố Trịnh Châu đã chấp nhận mang thai hộ để trả nợ nhưng ca mổ không thành công. Tuy nhiên, cô gái này không những không được trả tiền như giao kèo mà còn bị u nang buồng trứng. Theo Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Đông đưa tin, 1 người mẹ mang thai hộ do sinh non phải đưa vào viện cấp cứu, song cả khách hàng và đơn vị trung gian đều từ chối thanh toán chi phí y tế khiến mẹ bầu không thể xuất viện...

(Còn tiếp)

Nguồn: QQ