Thảm kịch bóng đá kinh hoàng ở Indonesia: Ai chịu trách nhiệm?

Thanh Hải, Theo Tiền Phong 07:29 03/10/2022
Chia sẻ

Đất nước Indonesia đang chìm trong tang tóc, khi thảm họa kinh hoàng đã xảy ra sau trận đấu giữa Arema FC và Persebaya Surabaya dẫn đến cái chết của ít nhất 125 người.

Một người hâm mộ Arema FC đã cảm thấy rất may mắn vì có thể trở về nhà sau đêm kinh hoàng ngày 1/10. Giống như những người khác, anh hy vọng sẽ có một buổi tối thứ Bảy đáng nhớ trên sân Kanjuruhan ở Malang, Đông Java, Indonesia, khi Arema FC chạm trán kình địch địa phương Persebaya Surabaya ở vòng 11 giải VĐQG. Nhưng sau đó, tất cả trở thành thảm kịch tồi tệ nhất trong lịch sử bóng đá xứ sở vạn đảo.

Thảm kịch bóng đá kinh hoàng ở Indonesia: Ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 1.

Những hình ảnh trong thảm họa ở Kanjuruhan. Ảnh: Bola

Ngày 2/10, Phó Thống đốc Đông Java Emil Dardak cho hay, số người chết là 125 người. Con số này có thể sẽ tăng thêm bởi vẫn còn hàng trăm người bị thương đang phải điều trị trong bệnh viện.

Theo thuật lại của CĐV Arema FC may mắn thoát khỏi địa ngục Kanjuruhan, có ít dấu hiệu về một thảm họa khi trận đấu diễn ra. Vài khu vực náo động trên khán đài nhanh chóng bị cảnh sát trấn áp. Mọi chuyện chỉ trở nên tồi tệ lúc kết thúc, Arema FC thua 2-3 và các cầu thủ tiến về phía khán đài để xin lỗi người hâm mộ. Thế nhưng điều này làm gia tăng sự phẫn nộ của những CĐV quá khích. Họ ném mọi thứ có thể về phía cầu thủ. Một vài người bắt đầu lao vào sân.

Khi cả đội Arema FC rút vào phòng thay đồ, số người tràn vào sân càng nhiều hơn và tình hình dần trở nên mất kiểm soát. Họ đập phá tất cả những gì nhìn thấy, từ máy quay, khu kỹ thuật đến xe cảnh sát. Lực lượng an ninh cố gắng dập tắt cuộc bạo loạn bằng dùi cui và nắm đấm, tạo nên cuộc hỗn chiến giữa người hâm mộ lao xuống từ hai khán đài Bắc, Nam với cảnh sát. Để vãn hồi trật tự, cảnh sát đã dùng đến đạn hơi cay.

“Hàng chục quả đạn cay được bắn về phía khán đài khiến khắp nơi bị bao vây bởi hơi cay. Trong bầu không khí hỗn loạn, mọi người đều cố trốn thoát nhưng các cửa thoát hiểm đều tắc nghẽn. Có rất nhiều phụ nữ và trẻ em lẫn trong đó. Những ai cố chen ra sẽ bị giẫm đạp, còn những người bất lực ở lại thì chết ngạt vì hơi cay. Đâu đâu cũng có tiếng gào khóc, la hét, cả tiếng đập phá và chửi rủa”, Tribunnews trích lời người hâm mộ Arema FC.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Kanjuruhan, Bobby Prabowo, cho biết, đã có hàng trăm nạn nhân được đưa vào bệnh viện trong đêm. Hầu hết đều trong tình trạng đa chấn thương, thiếu oxy và rối loạn hô hấp. Như đã biết, trong số 125 người chết, bao gồm 2 cảnh sát, có 34 người thiệt mạng ngay tại Kanjuruhan, còn lại chết trong bệnh viện.

Điều đáng buồn là thảm họa có thể đã không xảy ra, hoặc mức độ nghiêm trọng được giảm thiểu. CLB Arema FC sau khi được tư vấn từ phía cảnh sát đã đề xuất tổ chức trận đấu vào buổi chiều, thay vì lúc 20h00. Tuy nhiên nó bị Ban tổ chức bác bỏ vì lý do bản quyền truyền hình. Ngoài ra, cảnh sát cũng khuyến cáo nên khống chế số vé bán ra phù hợp với sức chứa 38.000 chỗ ngồi. Một lần nữa yêu cầu của họ bị bỏ ngoài tai. Hơn 40.000 người đã có mặt để chứng kiến trận derby Đông Java.

Sau sự cố đã xuất hiện làn sóng kêu gọi Chủ tịch LĐBĐ Indonesia (PSSI) Mochamad Iriawan phải từ chức. Giải VĐQG Indo cũng sẽ tạm dừng một tuần. Nhiều khả năng Indonesia cũng phải chịu án phạt nặng từ FIFA. Theo tờ Bola, họ có thể bị tước quyền đăng cai U20 World Cup 2023, ĐTQG không được phép chơi trên sân nhà, thậm chí bị cấm thi đấu trong một thời gian.

Với 125 người chết, Kanjuruhan, Indonesia trở thành thảm kịch tồi tệ thứ hai trong lịch sử bóng đá thế giới. Trước đó vào năm 1964, bạo lực kinh hoàng trên sân Estadio Nacional ở Lima, Peru, trong trận đấu giữa đội chủ nhà và Argentina đã dẫn tới cái chết của 328 người.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày